Loại bỏ tâm lý xin cho trong đăng kiểm

Hàng loạt đăng kiểm viên bị bắt khiến hoạt động đăng kiểm bị gián đoạn nhiều nơi. Đó là một câu chuyện buồn, vừa đáng giận vừa đáng thương. Nhưng, điều quan trọng hơn là làm thế nào để không còn thói quen vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này nữa?

 

Lời trần tình “Nhiều đăng kiểm viên không dám đi làm vì sợ công an bắt.” của ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục đăng kiểm Việt Nam, là một sự thừa nhận đầy chua chát. Người ta có thể nghĩ về câu nói này theo nhiều cách khác nhau.

Có người sẽ nghĩ về vấn đề quá tải công việc, rằng công an bắt thế này thì lấy ai làm việc.

Có người sẽ nghĩ đến hiện thực tiêu cực trong ngành đăng kiểm, rằng đáng đời, rằng ai bảo ăn quen tay, quen ệng để quả báo nhãn tiền.

Có người sẽ cảm thán, rằng họ chỉ là nạn nhân của một xã hội có thói quen hối lộ cho được việc của mình. Tôi thuộc nhóm này.

Một lần tôi có việc phải ra UBND phường xác nhận tình trạng hôn nhân, giữa đường gặp người quen hỏi thăm, tôi nói “đi xin xác nhận giấy tờ” thì người quen của tôi tỏ ra rất ngạc nhiên về việc tôi dùng từ “xin”. Khi tôi giải thích đó là thói quen thì anh bạn rất gay gắt: “Tại sao lại có thói quen làm việc gì cũng mang tâm thế đi xin? Khi mang tâm thế đi xin, anh sẽ dễ dàng lựa chọn hối lộ để được việc của mình hơn.”

Khi đó, tôi không nghĩ như vậy, chỉ cho rằng đó là một cách nói. Nhưng, khi nghe ông Tô An trần tình về việc nhiều đăng kiểm viên không dám đi làm vì sợ công an bắt, tôi nhận ra phản ứng gay gắt của người bạn tôi là có cơ sở.

 

Một thời gian rất dài, nhiều người trong chúng ta mang cái tâm lý đi xin mỗi khi mang xe đến đăng kiểm, hay đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác. Vì tâm thế ấy, nhiều người mặc định đặt phong bì lót tay, để được giải quyết nhanh, để được việc.

Khi mà người dân có thói quen lót tay, thói quen xin để được việc, thì các nhân viên dịch vụ công cũng hình thành thói quen nhận, thói quen cho. Và khi cái việc xin, cho, hối lộ và nhận hối lộ nó trở thói quen của số đông, người ta sẽ mất đi bản năng tự vấn về tính đúng, sai trong việc này.

Khi khủng hoảng đăng kiểm xảy ra, khi cái thói quen hàng ngày bỗng nhiên phải trả giá bằng lao lý, người ta giật mình nhận ra hậu quả thì đã quá muộn, bởi không ai nghĩ rằng những hành vi sai trái đã trở nên quen thuộc hàng ngày lại có thể phải trả giá.

Ông Cục phó Cục đăng kiểm lo lắng vì nguồn nhân lực của ngành bị bắt quá nhiều dẫn đến đình trệ công việc. Phải thừa nhận nhiều cán bộ của mình không dám đi làm vì sợ bị bắt là một điều chẳng đặng đừng.

Bởi đó là sự thừa nhận số đông nhân viên ngành đăng kiểm, dù chưa bị bắt nhưng đều có nguy cơ rơi vào vòng lao lý vì vi phạm pháp luật. Một sự thừa nhận chua chát và bất lực bởi chưa biết sau khi cuộc khủng hoảng này qua đi, thì điều gì sẽ đến.

Có thể, sau đó, sẽ không còn tình trạng người dân để lại phong bì trên xe khi đăng kiểm. Nhưng, nếu như quy trình đăng kiểm không thay đổi, hệ thống cơ sở đăng kiểm không thay đổi theo hướng đa dạng nguồn cung dịch vụ hơn, người dân sẽ vẫn còn tâm thế đi xin cho nhanh, và nhân viên đăng kiểm vẫn còn tâm thế của người ban phát, thì động cơ hối lộ và nhận hối lộ vẫn còn nguyên đó, có lẽ chỉ thay đổi về hình thức, tinh vi và kín đáo hơn mà thôi.

Cuộc khủng hoảng đăng kiểm hiện nay, bên cạnh việc chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm, lập lại kỷ cương liêm chính cho cán bộ đăng kiểm, thì việc quan trọng hơn, là loại bỏ các động cơ có thể tác động gây lệch lạc hoạt động đăng kiểm.

Trước hết, là cần loại bỏ những quy định gây khó khăn, khó hiểu khiến cho người dân và cả cán bộ đăng kiểm muốn diễn giải theo cách nào cũng được. Những quy định đó, vốn dĩ luôn là kẽ hở để tạo ra không gian sinh tồn của những hành vi tiêu cực trong đời sống.