Đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã trở thành tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL. Sau hơn 10 năm, trục cao tốc này tiếp tục được nối dài từ Trung Lương về đến Mỹ Thuận rồi Cần Thơ mở ra cơ hội phát triển mới của vùng. Tuy nhiên, trên bức tranh tổng thể, hạ tầng giao thông ở ĐBSCL có phát triển, tuy nhiên, chưa được như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, chính “điểm nghẽn” này đã làm giảm cơ hội thu hút đầu tư doanh nghiệp. Mới đây, vấn đề này một lần nữa được nêu ra trong Hội nghị Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Thực tế, sau một năm triển khai Thỏa thuận hợp tác này trên 6 lĩnh vực, trong đó, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, TP.HCM đã hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thể hiện tốt vai trò của người “nhạc trưởng”.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, hiệu quả của những thỏa thuận hợp tác mang lại chưa cao. Điển hình một số nội dung, lĩnh vực mới chỉ dừng lại ở bước khởi động. Dễ thấy như lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông mới dừng lại ở việc tổ chức Tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng; nghiên cứu luồng tuyến nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối TP.HCM và tỉnh Bến Tre; TP.HCM với tỉnh Cà Mau… Giải pháp bàn nhiều. Nhưng áp dụng các giải pháp trên thực tế thì lại đang… bằng 0, có những dự án cứ dậm chân tại chỗ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị: Chúng ta định vị được rất rõ đối với TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là hạt nhân và các tỉnh ĐBSCL là một trong những vùng trọng điểm lợi thế về nông nghiệp do đó sự hợp tác cùng đi, cùng phát triển thì đó là vấn đề cấp thiết và cần thiết. Do đó trong những lĩnh vực mà có những lợi thế cùng nhau thì chúng ta cùng phát triển để mang đến những hiệu quả thiết thực nhất cho từng địa phương và từng vùng.
Thẳng thắn nhìn vào kết quả và những tồn tại trong sợi dây liên kết vùng, ông Hồ Văn Mừng – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, cần phải phát huy hơn nữa vai trò “đầu tàu” của TP.HCM đối với vùng. Không chỉ trong kết nối giao thông, TP.HCM cần phải tạo điều kiện hơn nữa để hàng hóa ĐBSCL có thể “cập bến” các siêu thị lớn của thành phố, thay vì chỉ giới hạn ở hội chợ, các sự kiện trưng bày.
Điều này sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống người dân trong vùng. TP.HCM cần tận dụng thế mạnh truyền thông của mình để quảng bá mạnh mẽ cho ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện trong khu vực: Một số nội dung mà tôi thấy TP.HCM hỗ trợ được, thứ nhất là vấn đề du lịch đây là vấn đề chúng ta đã hỗ trợ thời gian qua, liên kết rồi hỗ trợ nhưng mà dư địa để liên kết, hỗ trợ còn rất nhiều, thứ 2 nữa là xúc tiến đầu tư.
Để liên kết hiệu quả hơn, để những thỏa thuận không còn nằm trên giấy, việc cần làm nhất lúc này đó chính là cùng đồng lòng tháo điểm nghẽn về giao thông, bởi đường có thông thì tài mới thông. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, cùng với TP.HCM, địa phương cũng đang quyết liệt, ttích cực tăng cường liên kết các tỉnh, thành bạn trong vùng, nhất là TP.HCM để phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Cần Thơ sẽ huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối nội vùng và liên vùng.
Ông Hiếu nhấn mạnh: Chúng tôi cố gắng làm sao tăng cường kết nối giao thông về cảng, logistics, phải cố gắng được 2 cái này. Nếu không chúng ta sẽ rất khó khăn thực hiện việc liên kết phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố luôn xác định có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác vùng ĐBSCL một cách hiệu quả. Ông Mãi cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch TP.HCM sẽ chủ trì phối hợp với các tỉnh để tạo ra những hợp tác thiết thực, có trọng tâm, ưu tiên hàng đầu được đặt vào việc kết nối hạ tầng, dù tốn kém nhưng cần được thực hiện cơ bản trước: Chúng ta có mấy cái nhiệm vụ từ nay đến cuối năm tới chúng ta phải tập trung. Đó là phải cùng với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện pháp lý để chúng ta thúc đẩy mở rộng cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận. Thứ 2, nữa là mở rộng Quốc lộ 1A, thứ 3 là Quốc lộ 50B. Hoàn thiện pháp lý chuẩn bị triển khai đó là đường ven biển, đường biên giới, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Rõ ràng, những đề xuất và cam kết của TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL thể hiện quyết tâm to lớn trong việc tăng cường kết nối, hợp tác toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng chung cho cả vùng. Và để những cam kết này đi vào thực tế, rất cần sự đồng lòng, quyết liệt và những cú bắt tay thật chắc của lãnh đạo các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp.
Có thể thấy, sự hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã tạo nên một khu vực kinh tế phát triển với tính liên kết ngày càng chặt chẽ, đóng góp khoảng 30% GDP cả nước và đang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, phần lớn đường bộ vẫn gặp khó khăn về chất lượng và tải trọng. Do đó, việc đạt được các thỏa thuận hợp tác của vùng kinh tế trong điểm phía Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.
Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông được cho là sẽ tạo ra nhiều xung lực giúp ĐBSCL bứt tốc với sự hỗ trợ từ “đầu tàu” thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở. Khi đường sá thông thoáng, khi các trục cao tốc dọc – ngang kết nối liên hoàn, các cảng biển được xây dựng, khi thác sẽ là cơ hội cho nông thủy sản ền Tây đi xa. Đường sá được khơi thông, du lịch cũng sẽ phát triển, bởi đây là một trong những thế mạnh tiềm năng của vùng sông nước Cửu Long.
Ở đây, “điểm nghẽn” đáng bàn và cần được tháo gỡ đó là sự “định vị” thế mạnh cũng từng địa phương để tránh các sản phẩm du lịch cứ na ná, trùng lắp nhau. Và để làm được điều này, vai trò “điều phối” của người “nhạc trưởng” vô cùng quan trọng, cần được đặt trong mối tương quan và sắp xếp hợp lý các tour tuyến, hành trình.
Ngoài ra, sự kết nối giao thông còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác giữa các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực sẽ giúp các địa phương giải quyết hiệu quả hơn những thách thức chung, đồng thời phát triển theo hướng bền vững.
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, với một hệ thống công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL có tiềm năng về nông sản, thủy sản, du lịch và các ngành công nghiệp chế biến. Có thể khẳng định, sự hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL khi các công trình giao thông kết nối đã và đang dần hoàn thành sẽ là bước ngoặt quan trọng không chỉ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững của khu vực.
Những công trình này sẽ không chỉ là sự kết nối về mặt không gian mà còn là sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL trên các lĩnh vực. Điều quan trọng là cần sự quyết tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và các doanh nghiệp, cùng sự đầu tư đúng mức vào hạ tầng liên kết vùng.