Lấy lại niềm tin cho nông sản sạch

Làm sao để lấy lại được niềm tin cho các nông hộ trước những khó khăn hiện hữu về kênh tiêu thụ? Đồng thời, làm sao để lấy lại được niềm tin cho người tiêu dùng, sau một số thông tin về việc nhà cung cấp “hô biến” rau nhập từ chợ đầu mối thành rau sạch - VietGAP gắn bao bì, nhãn mác?

Nhắc đến thói quen mua rau thì mỗi người mỗi khác, có người thích chọn mua rau trong siêu thị, trên các kệ hàng bày ngăn nắp với bao bì nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó, không ít người nội trợ ưu tiên chọn mua rau ở các sạp hàng quen tại chợ vì rau tươi, giá lại rẻ, phù hợp khả năng chi tiêu. Dạo quanh các khu chợ, trong một buổi sáng, các gian hàng rau củ có rất đông người mua - bán, bởi đây là nhu cầu cơ bản trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.

Chị Bùi Thị Hòa, tiểu thương chuyên buôn bán các mặt hàng rau củ tại chợ đầu mối Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Có nhãn mác bán 50.000 đồng còn không có nhãn mác thì người ta bán có 30.000 đồng. Có người nghe trên báo đài thì hiểu, có người thì không hiểu, rẻ thì mua thôi chứ cũng không có tìm hiểu từ đâu.

Ghi nhận thực tế, sau khi xuất hiện thông tin về việc có trường hợp nhà cung cấp rau cho các hệ thống phân phối đã gắn mác “rau sạch” cho mặt hàng không rõ về chất lượng, thói quen mua sắm của phần lớn người tiêu dùng vẫn không thay đổi.

Theo đó, mặc dù có người cảm thấy “sốc” khi đã vào siêu thị, cửa hàng lớn mà vẫn mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, nhưng về cơ bản thì nhu cầu đảm bảo sức khỏe gia đình vẫn luôn hiện hữu nên quan điểm của nhiều người vẫn là ưu tiên dùng rau sạch, có bao bì, xuất xứ rõ ràng.

Chị Nguyễn Thị Thư, một người nội trợ quê ở Tiền Giang chia sẻ: Quan trọng là mình chọn mua ở cửa hàng nào mà mình yên tâm và biết rõ nguồn gốc sản phẩm, bởi sức khỏe gia đình vẫn được đặt lên hàng đầu: Nói chung là mình vẫn mua, mình vẫn tiếp tục chọn rau organic… Mình vẫn có niềm tin ở sản phẩm hữu cơ, mặc dù có mất niềm tin một chút xíu nhưng mình vẫn tiếp tục tin tưởng để mua sản phẩm hữu cơ.

ảnh nh hoạ (vtc.vn)

Bên cạnh sự vào cuộc của các đơn vị quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý các trường hợp gian lận trong mua bán hàng hóa thì quá trình canh tác cũng rất cần được đảm bảo. Hoạt động từ năm 2005 đến nay, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi, khóm Thành Nhân, thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã cung cấp cho thị trường lượng lớn rau được sản xuất theo mô hình “an toàn” – đảm bảo không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi đến tay người mua.

Nói về việc duy trì lòng tin cho người tiêu dùng, ông Lê Văn Trung – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi chia sẻ quan điểm cần đảm bảo quy trình canh tác an toàn, hướng dẫn, hỗ trợ bà con thành viên HTX trong quá trình sản xuất: Về việc giữ lòng tin, quan trọng là mình phải làm việc với thành viên nông dân của mình. Nhà nông phải sản xuất theo cái tâm của mình… Đó là cái thứ nhất, còn thứ hai là ban quản trị mình phải thường xuyên đi tiếp xúc , phải hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Mình phải hướng dẫn cho bà con nông dân.

Xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm rau an toàn từ quy trình canh tác đúng chuẩn cho đến khâu trung chuyển, mua bán trung thực là điều cần nhất ở thời điểm này. Trong khi đó, một vấn đề khác được đặt ra là: Làm sao để củng cố lòng tin cho các nông hộ khi nhiều mô hình trồng rau an toàn, rau sạch vẫn khó về đầu ra?

Bởi trong thực tế, khi quyết định trồng theo hướng an toàn, đặc biệt là rau “sạch”, hữu cơ thì các nông hộ phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ cho cơ sở vật chất: nhà kính, hệ thống tưới,… cũng như tìm hiểu về kiến thức canh tác mới.

Một trong những giải pháp hiệu quả để giúp các nông hộ có thêm động lực sản xuất là phát huy vai trò của HTX. Theo đó, HTX có thể định hướng, hỗ trợ người nông dân về kỹ thuật canh tác, hỗ trợ vốn và tạo điều kiện về đầu ra tốt hơn so với canh tác đơn lẻ…

Hàng năm, HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới, xã Yên Luông huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn rau sạch với hơn 20 chủng loại đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó rau ăn lá là chủ lực. Niềm phấn khởi với bà con thành viên HTX là toàn bộ sản phẩm của HTX đều được khách hàng là các siêu thị bao tiêu trọn gói với giá tốt.

Chị Nguyễn Thị Phượng ngụ tại xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, cho biết: Lúc trước trồng bỏ rau quá trời luôn, lúc nào cũng rầu, (giá cả - PV) bấp bênh. Đợt trồng rau trúng thì không được giá rồi bỏ. Có khi trồng được giá nhưng lại không có rau để bán. Từ ngày vô HTX tới giờ nó yên tâm hơn. Đầu ra lúc nào cũng ổn định, không sợ rẻ, rau mình đưa tới người tiêu dùng nó cũng an toàn hơn.

Tại HTX Rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mỗi ngày vẫn đều đặn có nhiều chuyến hàng mang rau đến cho các chợ, cửa hàng, siêu thị, phục vụ người tiêu dùng. Hành lá, dưa leo, khổ qua, rau thơm,… đa dạng các mặt hàng cũng là đa dạng sự lựa chọn cho các đối tác.

Được thành lập từ năm 2013, đến nay, trên tổng diện tích 160ha, HTX đã có 17,4ha được đầu tư trồng rau theo chuẩn VietGAP, đặc biệt có 2,5ha sản xuất theo hướng hoàn toàn hữu cơ. Hiện nay, HTX đã đầu tư kho đông lạnh, có nhà sơ chế công suất tối đa 5 tấn/ngày, có khu vực rửa, khu vực đóng gói, khu vực kho bảo quản… nên nhiều đối tác quyết định ký hợp đồng ngay khi đến tham quan mô hình.

Sự đầu tư cho mô hình canh tác, liên kết chặt chẽ với các đối tác, siêu thị, hệ thống phân phối vừa tạo lòng tin cho khách hàng khi mua sản phẩm rau từ HTX, đồng thời cũng tạo lòng tin cho các hộ thành viên khi đầu tư sản xuất rau an toàn, rau sạch, rau hữu cơ.

Mekong FM đã có cuộc trao đổi cùng ông Dương Minh Sang – Giám đốc HTX Rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện canh tác rau sạch. 

PV: Xin chào ông! Thưa ông, hiện nay HTX đang liên kết đầu ra với các đối tác như thế nào?

Ông Dương Minh Sang: Hiện nay, các kênh phân phối của HTX cũng rất ổn định và đặc biệt bán nhiều nhất là cho Tổng Công ty Saigon Coop. Mỗi ngày, HTX cung cấp cho đối tác bình quân 1,7 tấn - gần 2 tấn rau củ quả các loại.

PV: Trước thông tin về trường hợp của nhà cung cấp rau cho một số hệ thống phân phối lớn “hô biến” rau không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng thành “rau sạch”, phía HTX cũng như đối tác có động thái nào để siết chặt sự liện kết?

Ông Dương Minh Sang: Khi có thông tin đó là Tổng Công ty Saigon Coop cũng có đến làm việc với HTX. Theo đánh giá cũng đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của các đối tác đưa ra, đồng thời cũng hướng dẫn cho tất cả anh em, nông dân trồng theo VietGAP vẫn hết sức chú ý vấn đề này để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

PV: Trước nhiều thông tin trên thị trường có thể ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, phía HTX đã, đang hoặc sẽ có những giải pháp nào để củng cố lòng tin của đối tác, khách hàng?

Ông Dương Minh Sang: Câu hỏi rất hay, rất thời sự và rất “nóng” hiện nay… Để chứng tỏ với khách hàng khi vào siêu thị mua sản phẩm, ví dụ như rau Long Thuận, cải bẹ xanh, cải ngọt hay rau muống. Khi đó, biết sản phẩm có mã QR để quét truy xuất được nguồn gốc. HTX cũng đã định hướng và làm phần đó. Mã QR được quét, truy xuất được nguồn gốc, nơi sản xuất của HTX. Đó là một trong những cái rất quan trọng đối với người tiêu dùng.

PV: Về lâu về dài, việc đưa nông sản an toàn, nông sản sạch, hữu cơ vào siêu thị có phải là định hướng chính về đầu ra của HTX không, thưa ông?

Ông Dương Minh Sang: Đúng rồi, trước mắt HTX vừa rồi cũng đang định hướng bán qua nhiều kênh phân phối như BigC, Lotte,… rồi một số trang điện tử (Tiki hay Sen Đỏ,…). Đồng thời hiện nay, HTX phối với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp để làm mã vùng trồng. Để sau này có điều kiện, ví dụ như xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng ta có thể “đánh” vào 4 sản phẩm chủ lực để chúng ta có thể xác định mã vùng trồng có thể xuất khẩu được. Hướng của HTX sắp tới sẽ làm phần đó.

PV: Ông có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ với các HTX nói riêng cũng như các mô hình canh tác nông sản sạch nói chung nếu muốn liên kết, đưa sản phẩm vào siêu thị, các hệ thống phân phối lớn?

Ông Dương Minh Sang: Thời gian để đưa vào các siêu thị ít nhất cũng mất 2-3 tháng. Thứ nhất, chúng ta mời đối tác tham quan vùng trồng của mình. Thứ hai, ghi chép nhật ký đồng ruộng cho rõ ràng. Thứ ba, họ đến ngay khu vực chúng ta sơ chế, đóng gói, bảo quản phải theo tiêu chuẩn của họ. Lúc đó, mình sẽ ký kết hợp đồng… Cuối cùng, người ta phải có team, nhãn mác, truy xuất rõ nguồn gốc. Những yếu tố đó cấu thành nên sản phẩm thì chúng ta sẽ ký kết hợp đồng với các đối tác và đưa vào siêu thị.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!