Làng nghề quất cảnh Tứ Liên

Ở Thủ đô Hà Nội, làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ) được xem là một địa điểm quen thuộc của những người có thú vui chơi cây cảnh mỗi dịp Tết đến xuân về.

Những ngày giáp Tết cổ truyền, không khí tại các vườn trồng quất cảnh Tứ Liên trở nên nhộn nhịp, tấp nập, tạo nên bức tranh sống động đặc trưng mỗi khi xuân về. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Làng nghề quất cảnh Tứ Liên có diện tích hơn 100ha, trong đó có gần 30ha trồng quất cảnh chạy dọc sông Hồng, đó là lợi thế cho cây quất phát triển xanh tươi. Những ngày này, người dân làng Tứ Liên lại hối hả chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để đưa quất cảnh ra thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết.

Ông Bùi Đình Tuấn – chủ vườn quất Tuấn Mai ở Tứ Liên, Hà Nội đã kế thừa nghề trồng quất được 30 năm chia sẻ:

"Cây quất bonsai làm phải cầu kỳ hơn. Bắt đầu cho phôi vào từ tháng Giêng xén sửa rồi chăm bón. Chu kì 1 tuần cho phân 1 lần. Thuốc thang cầy kỳ, tỉa tót cây cối. Năm vừa rồi lũ lụt người dân quá vất vả nên hầu như Tứ Liên cũng mất nhiều nhưng vẫn còn đủ phục vụ tết cho cả Hà Nội này thoải mái chơi. Giá quất thì vẫn thế không có gì thay đổi".

Ảnh: Thái Sơn

Xưa người dân Tứ Liên trồng quất chủ yếu dáng thông, dáng tán. Để hợp với nhu cầu đa dạng của khách, những năm gần đây, ngoài việc trồng quất trực tiếp trên đất, người dân còn cải tiến và sáng tạo nên những cây quất thế được trồng trong chậu, quất bonsai… tạo nên các tiểu cảnh đa dạng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo lời chỉ dẫn của ông Tuấn, tôi tìm đến vườn quất của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh – người đầu tiên mạnh dạn đưa quất bonsai về trồng tại Tứ Liên. Khác với các cây quất truyền thống, quất bonsai không trồng trực tiếp dưới đất mà được trồng trong các bình gốm, sứ nhỏ gọn:

"Để đánh giá một cây quất đẹp thì thứ nhất là dáng cây và làm sao tư duy của người làm cây phải ngay từ lúc đầu. Chọn một cái cây làm dáng thế long phượng người ta phải tư duy từ rất lâu. Có thể chọn nhiều cây hàng 20-30 cây cũng chưa được 1 cây. Phải chọn làm sao cành lên cành xuống để uốn cái cây như một con rồng. Uốn không phải 1-2 năm là được vì thân xương rất cứng, nó nhỏ mềm dẻo nhưng cứng chắc.

Giá trị của công sức, tâm huyết, thời gian để ra tác phẩm đẹp. Đây là một không gian rộng còn khi kê vào nhà là một không gian hẹp thì mới lộ ra chân, tay, tán và thế hệ quả. Nếu cây này tất cả chín hết thì không có một thế hệ quả sum vầy. Nếu thời tiết ủng hộ người làm vườn thì có nụ có hoa thì giá trị tăng lên rất nhiều".

Ảnh: Thái Sơn

Không chỉ thế hệ cha ông, ở Tứ Liên, những người trẻ cũng dành trọn tâm huyết để nối nghề. Thế hệ trẻ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo ra những dáng quất phù hợp với xu thế thời đại. Có những tác phẩm được người làm vườn đặt trọn tình yêu, thời gian, công sức để chăm sóc.

Những ngày này, nhiều người bắt đầu tìm đến làng Tứ Liên để ngắm nghía, chọn cho gia đình một cây quất bày cho năm mới Ất Tỵ 2025 như chia sẻ của ông Đăng, sinh sống tại phố Lò Đúc:

"Năm nào tôi cũng lên đây trước 1 tháng để chọn cây ưng ý. Thứ nhất là đi sớm bao giờ cũng chọn được cây đẹp. Thứ 2 là đi vào vườn bao giờ chất lượng cây quất bao giờ cũng ổn định, đẹp hơn và không bị chăm bón linh tinh và người ta cũng cẩn thận cho mình trong quá trình chơi tết".

Ảnh: Thái Sơn

Gắn bó với cây quất đã 30 năm, một trong những niềm hạnh phúc, neo giữ ông Tuấn ở lại với nghề truyền thống của làng, đó là tình yêu của khách hàng dành cho quất Tứ Liên. Ông có một “tệp” khách quen, ổn định, cứ dịp Tết đến Xuân về lại tìm đến với cây quất của nhà vườn:

"Các cụ từ xưa vẫn để lại cho nghề theo các cụ được 30 năm rồi. Cây quất như người bạn thân của mình mà cây quất chăm làm sao phục vụ người dân có cây quất đẹp để trong nhà chơi để có vượng khí, tấn tài tấn lộc tấn bình an. Làm được mỗi ngày thì mình mong trời phú cho mình sức khoẻ để làm được cây đẹp phục vụ nhân dân trong tết cổ truyền. Người dân trong nhà tết có một cây quất thì cảm thấy bình an, vượng khí, con cháu đầy đàn sung túc".

Mỗi thời, cách trồng, chăm sóc mỗi khác, nhưng tình yêu với cây quất, với nghề truyền thống của ông cha, muốn giữ lại nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thì vẫn giống nhau. Có tình yêu này, mới có thể vượt qua những khó khăn, ở lại với nghề…

Gánh bún ốc nguội trong những con hẻm, con ngõ nhỏ dường như in sâu vào tiềm thức của người Hà Nội xưa (Ảnh: VnExpress)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Xưa nay, người Việt quan niệm Việt Nam có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông nhưng đó chỉ là qui ước. Mùa hè thời tiết nóng bức nhưng mùa thu vẫn túa mồ hôi còn mùa đông ở ền Bắc lại lạnh giá song mùa xuân cũng vẫn run rẩy. Chính mùa đã sinh ra các thức quà.  

Nói về các thức quà ở Việt Nam thì không đâu phong phú như Hà Nội. Phong phú bởi Hà Nội xưa là kinh đô rồi thủ đô nơi người  bốn phương tụ hội  sinh sống và khi về họ đã mang theo thứ quà của riêng quê họ. Do điều kiện kinh tế, lối sống khác với các vùng quê thuần nông nên người Hà Nội ăn quà nhiều hơn cũng là yếu tố khiến quà Hà Nội nhiều màu sắc.

Có ý kiến cho rằng quà ở Hà Nội nếu không xuất xứ ở quê thì có gốc gác nước ngoài là nhận định hết sức sai lầm. Hà Nội xưa cũng như nay rất đông tầng lớp trung lưu, họ dư rả tiền bạc rộng rãi thời gian thích tụ tập nên đã sáng tạo ra các thức quà mới mời nhau. Ở Hà Nội quà bán từ sáng đến tối và mùa nào thức nấy. 

Mùa hè thời tiết nóng bức, mồ hôi nhễ nhại vì thế người ta thích ăn những món quà nguội hoặc nếu quà đó chan nước nóng thì quà đó phải có tính âm. Đó là bún ốc nguội là bánh đúc, bánh tẻ, bánh cuốn Thanh Trì, bún chấm mắm kèm theo khế chua. Những ngày không khí oi nồng, dù cơm ăn hàng ngày  song cũng khó nuốt nên chờ buổi trưa thế nào cũng có bà bán cháo đậu đen, cháo trắng ăn với cà muối, húp bát cháo cho mát ruột. 

Mùa hè cũng là mùa  có nhiều  hoa quả chín nên có  chè nhãn, chè sen. Xã hội phát triển, đá lạnh  xuất hiện, mùa  hè mà có cốc chè đậu đen đá, nước hoa quả lạnh buốt thì vừa thỏa mãn cơn khát  lại thêm vitan để tăng lực chống chọi với cái nóng. Vì thời tiết nên các thức quà mùa hè không đa dạng như mùa  đông.

Nước dùng chan ốc được đựng trong chum sành và chan bằng gáo gỗ (Ảnh: emdep)

Khi những cơn gió mang theo hơi lạnh từ Phương Bắc thổi về  thì phố xuất hiện những thức quà mùa  đông. Vì cơ thể mất nhiều năng lượng để chống đỡ cái lạnh nên ăn cái gì cũng vào, uống gì cũng thích. Nhiều người thích ăn qùa  sáng là món có nước  nóng như phở, bún ngan, bún mọc. Ai rủng rỉnh  thời gian thì kiên trì chờ bà bán bánh cuốn tráng từng lá.

Bánh cuốn nóng chấm với nước mắm pha các loại gia vị cay cay quả là ấm bụng. Lại có những người thích ăn món khô như xôi, bánh mì pa tê. Gió hun hút mà nhai cái bánh mì nóng giòn tan sao mà sướng, còn gom cả vụn bánh cho vào mồm vãn còn thèm.

Mùa đông cũng là mùa thu hoạch ngô vụ chiêm nên ở góc phố thế nào cũng có các bà, các cô đặt những bắp ngô nếp trên chậu than hồng, tay quạt, tay lật qua lật lại cho bắp ngô ngả sang mầu vàng lại lốm đôm những vết cháy đen trông đã thích. Quây quanh chậu than là chị em mắt nhìn vào bắp ngô sốt ruột chờ được ăn.

Ở vỉa hè rộng lại có chậu than hoa hồng rực, các chị đang nướng mực, cá chỉ hồng, mùi thơm nức và đám thanh niên mặt hồng vì rượu ba hoa. Ở phố thế nào cũng có người bán  chè sắn, chí má phù, bánh trôi tầu ăn nóng sao mà ấm. Lại còn có cháo gà, cầu kỳ hơn ăn cháo ám thì còn gì bằng.

Thức quà phố mùa đông nhẩm  tính tới vài chục món. Và dù đàn ông hay đàn bà thật khó cưỡng bởi quà mùa đông rất lôi cuốn và thú vị.

TIN YÊU 

- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thành phố Hà Nội tổ chức tổng số 30 điểm bắn pháo hoa với 31 trận địa (trong đó, 10 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và 21 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp).

- Từ ngày 2/1/2025, chính thức thu phí tham quan tại hai điểm di tích tiêu biểu: Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây và di tích số 22 phố Hàng Buồm. Giá vé tham quan là 20.000 đồng/lượt/người. Đối tượng ễn phí vé là trẻ em dưới 16 tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng. Giá vé cũng được ưu đãi giảm 50% cho người cao tuổi, học sinh, sinh viên. Riêng trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, sẽ không thu phí cho khách đến tham quan hai địa điểm này.

- Cột cờ Hà Nội đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/1/2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử của Thủ đô. Đây là công trình mới được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bàn giao về cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội hôm 25/12.

- Nằm trong Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch, Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và ra mắt vở diễn “Cành khế ngọt” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – không gian giữa lòng phố cổ, đem đến cho khán giả một trải nghiệm văn hóa độc đáo, vừa truyền thống, vừa hiện đại.

- Liên hoan Phim Ấn Độ diễn ra vào ngày 5, 9, 10 và 11/1 tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, giới thiệu những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của nước này và tôn vinh mối quan hệ thân thiết, bền chặt giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam.