Thế nhưng vỉa hè vừa lát đá xong đã biến thành bãi đỗ xe khiến nhiều người dân bức xúc và đặt ra câu hỏi: Liệu lát đá vỉa hè dành cho người đi bộ hay để đỗ xe thuận tiện hơn?
Nhiều ngày qua, tuyến phố Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) trở nên đông đúc hơn. Vỉa hè thì trở thành công trường để các công nhân thi công lát đá, lòng đường thì tấp nập xe cộ và người đi bộ. Thế nhưng điều đáng nói, nhiều đoạn vỉa hè làm xong lại ngay lập tức bị quần thảo dưới bánh xe ô tô và điểm trông giữ xe máy.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người dân sống tại phố Cửa Bắc chia sẻ: “6 tháng cuối năm là đào đường, vỉa hè để làm lại. Nếu so với tình trạng kinh tế hiện nay thì vỉa hè vẫn sử dụng được mà mang đi lát lại thì quá phí. Mà kinh phí sẽ được đưa vào để làm các chuyện khác hay hơn trong lúc mình vừa bị bão lụt, thiên tai…
Bây giờ nếu làm đồng loạt cả vỉa hè thì không nên, phải xem tuyến đường nào nát quá. Khi kiểm tra tuyến Cửa Bắc có nên phải làm hay không? Vỉa hè làm xong ô tô cũng không thể để lên như thế được”.
Còn tại đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội), mặc dù mới được đưa vào sử dụng, thế nhưng từ vỉa hè, đến lòng đường đều nhanh chóng trở thành nơi lý tưởng cho các tài xế dừng đỗ xe. Một số đoạn vỉa hè đã trở thành nơi tập kết rác, vật liệu xây dựng khiến nhiều người dân bức xúc.
Nguyễn Ánh Dương, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Vừa nãy em cũng có đi trên vỉa hè, em cảm thấy mọi người quá lạm dụng việc đỗ xe vào đường trống, em lại phải đi vòng xuống dưới đường. Đoạn mặt đường càng nhiều hàng quán thì người ta đỗ càng nhiều. Em không có đường đi, em phải đi xuống dưới lòng đường sẽ rất mất an toàn cho người đi bộ”.
Trên thực tế, không chỉ riêng phố Cửa Bắc hay đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài xảy ra tình trạng ô tô dừng đỗ vô tội vạ trên vỉa hè. Tại nhiều tuyến phố như Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt, Trần Bình Trọng, Nguyễn Chí Thanh… tình trạng vỉa hè nằm gọn dưới bánh xe không còn là điều xa lạ với người dân, đặc biệt là người đi bộ. Thậm chí, trên một số tuyến phố vỉa hè được quảng cáo lát đá có tuổi thọ hàng chục năm. Thế nhưng chỉ vài năm đưa vào sử dụng, đá vỉa hè đã vỡ vụn, cập kênh và lồi lõm…
“Vỉa hè thế này rất khó khăn cho người đi bộ. Vỉa hè phục vụ cho người đi bộ trên đường, khi đỗ xe trên vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đá lát”
“Việc đỗ ô tô trên vỉa hè cũng là tác nhân gây ra hỏng vỉa hè”.
“Tải trọng vỉa hè chỉ cho người đi bộ chứ không thể để đỗ ô tô trọng lượng hàng tấn được. Ô tô đè lên đá như thế thì đá nào cũng không thể chịu nổi. Đỗ xe thế này chưa chắc phục vụ cho nhà nước mà phục vụ cho cá nhân hay lợi ích nhóm nào đó, tiền thu phí gửi ô tô chưa chắc đã vào nhà nước. Khi hư hỏng vỉa hè lại lấy tiền của nhân dân để làm lại, tôi thấy thế là phi lý”.
Vỉa hè - hạ tầng tất yếu của đô thị. Ngoài dành cho người đi bộ, vỉa hè còn là nơi cho người yếu thế được tham gia giao thông bình đẳng, cho trẻ em được vui chơi, là nơi bố trí hạ tầng đô thị… vỉa hè còn là “bộ mặt” của 1 địa phương.
Thế nhưng, cứ sau mỗi đợt ra quân rầm rộ đòi lại vỉa hè cho người đi bộ thì đâu lại vào đó cứ như thành quy luật, vỉa hè lại bị cày nát dưới các bánh xe hay bị chiếm dụng bởi 1 bãi trông giữ xe lậu nào đó.
Vậy làm vỉa hè để làm gì? Cứ vào cuối năm, vỉa hè lại được chỉnh trang, lát lại đá để dành cho ai? Cho người dân hay cho xe dừng đỗ?