Làm gì để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ? (Phần 2)

Trước sự xuất hiện của các sản phẩm giá rẻ trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Temu bán hàng rầm rộ ở thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tăng tính cạnh tranh ngay trên sân nhà? Cơ quan chức năng có biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như bảo vệ người tiêu dùng?

Thương mại điện tử (TMĐT) là một hình thức kinh doanh rất thuận lợi và đang có chiều hướng phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Việc phát triển mua bán các sản phẩm hàng hoá trên sàn TMĐT đang trở thành thói quen của người Việt. Đặc biệt, một số sàn TMĐT giá rẻ như Temu của Trung Quốc vừa vào thị trường có rất nhiều hàng hoá với giá cực kỳ rẻ và có cả hàng hoá quá date, lỗi mốt, thậm chí có thể giảm giá đến 90%.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc kinh doanh TMĐT đặc biệt những hàng hoá có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đang làm cho hàng hoá của doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh giành thị phần: "Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải có những cải tiến để nâng cao được chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Các sàn TMĐT Việt Nam cũng phải thay đổi phương cách phục vụ cho các chủ thể để từ đó đảm bảo tính đa dạng, phong phú tính lựa chọn các yêu cầu khác nhau của người tiêu dùng"

"Cơn lốc" hàng giá rẻ Temu của Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam - Ảnh nh họa

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, nhà sản xuất phải nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, cơ quan chức năng phải kịp thời quản lý, kiểm soát tốt về chất lượng hàng hóa, chính sách bán hàng và thuế… để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.

Về phía doanh nghiệp ở TP.HCM, bà Lý Kim Kim, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho rằng, trước tình trạng “báo động đỏ” hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ bao quanh như hiện nay thì cơ quan chức năng nên triển khai ngay một số chính sách: "Việc đầu tiên nên làm là trên hệ thống thương mại điện tử, cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm soát và áp thuế cho hàng hóa nào vào Việt Nam mà chưa đóng thuế. Trong khi, doanh nghiệp trong nước bán bất cứ cái gì cũng đóng thuế. Chúng ta cần có những chính sách quy định cụ thể cho từng nhóm hàng hóa trên sàn bán vào thị trường nước ta"

Theo các chuyên gia thương mại điện tử, sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam ngày càng rõ nét, các doanh nghiệp này không chỉ có lợi thế về giá rẻ mà còn sở hữu hạ tầng logistics mạnh mẽ, khả năng tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp thông qua công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và mô hình bán hàng trực tuyến.

Trước cơn sốt hàng giá rẻ trên Temu, về mặt tích cực, người tiêu dùng Việt Nam có thêm một lựa chọn mua sắm giá rẻ, thuận tiện. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cân nhắc, cẩn trọng khi mua hàng.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo cho người tiêu dùng trên toàn quốc là hãy có một sự lựa chọn. Thứ nhất, lựa chọn sàn cho chuẩn, sàn được phép vào Việt Nam.

Thứ hai nữa là hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, cho nên mình cũng phải cân nhắc lựa chọn, thấy là phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn. Còn nếu như thấy không tin tưởng, sự lựa chọn mình chứa đựng rủi ro, chúng tôi cho rằng hãy dừng lại. Việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài sẽ vào nhiều hơn, bởi vì thị trường Việt Nam trở nên rất là “hot” và rõ ràng là sức tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng hàng ngày thì rất lớn.

Chúng tôi cho rằng về mặt quản lý nhà nước thì cũng phải siết chặt để chúng ta cố gắng có môi trường trong sạch cho người tiêu dùng"

Các đơn vị bán hàng và giao nhận trong nước đang đối mặt với làn sóng hàng giá rẻ, ship rẻ từ hàng hóa Trung Quốc  (Ảnh n hoạ: Tuổi Trẻ)

Với việc kinh doanh những sản phẩm có giá trị nhỏ là hàng xuất xử từ Trung Quốc trên các sàn TMĐT, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị nhà nước cần bỏ việc ễn thuế quan với những hàng hoá có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng để giúp hoạt động thu thuế được thực thi với tất cả hàng hoá qua biên giới.

Đồng thời ông đề xuất thêm: "Chúng tôi cho rằng việc kiểm tra giám sát chất lượng của hàng hoá trên sản TMĐT cả trong nước và nước ngoài cần được thực hiện 1 cách nghiêm túc. Cũng mong muốn việc thực hiện xuất hoá đơn điện tử và các yêu cầu quản lý về xuất hoá đơn cũng được thực hiện nghiêm túc với các hoạt động kinh doanh trên sàn. Lúc đó việc kinh doanh trên sàn TMĐT vừa tạo ra điều kiện thuận lợi nhưng cũng đảm bảo tính quản lý của nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như đáp ứng nguồn thu cho NSNN"

Bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc các sàn thương mại điện tử hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, việc việc kiểm tra, giám sát, chưa có đầy đủ các quy định để quản lý thương mại điện tử có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Bản thân các sàn thương mại điện tử trong nước thì các nước cũng rất khó bảo hộ, đây là một ví dụ của thế giới phẳng. Đứng trước nguy cơ, chúng ta cần tìm cách giải quyết, nhưng phải thấy được thực tế làm sao cho khả thi.

Cần có chính sách của quốc gia vì đây là việc mới, ngay cả các quốc gia như Mỹ hay châu Âu họ cũng khó giải quyết. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, lại được trợ giúp của Nhà nước của những nước khác thì họ tận dụng chính sách ễn thuế với những gói hàng trị giá không cao, nhưng cộng lại thì rất nhiều. Từ đó dần “bóp chết” sản xuất và kinh doanh, phân phối trong nước và cả thương mại điện tử trong nước"

Bộ Công Thương cho biết đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các sàn sàn MTĐT xuyên biên giới như Temu, 1688, Shein để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Việt. Các đại biểu quốc hội cho rằng việc nghiên cứu để xây dựng và ban hành Luật Chuyên ngành về thương mại điện tử xuyên biên giới là cần thiết trong tình hình hiện nay.