Làm đẹp cuối năm, xin đừng bất chấp...

Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục cảnh báo nhưng số lượng người nhập viện vì biến chứng từ việc làm đẹp ở các cơ sở không phép, kém uy tín vẫn tăng. Càng gần dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình trạng này lại càng nghiêm trọng.

Thời điểm cận Tết, hàng loạt các ca nhập viện, cấp cứu vì biến chứng da liễu, thẩm mỹ được ghi nhận. Nhiều người mạnh dạn chi tiền để “nâng cấp” vẻ ngoài, nhưng đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy nước mắt và sự hối hận: Một lúc sau tiêm thì em không thấy đường nữa. Chị nhân viên kêu em bị tụt huyết áp thôi, nghỉ ngơi chút không sao hết. Chị pha cho em nước đường, uống sữa, uống thuốc sơ cứu rồi bảo năm nghỉ ngơi xíu là khoẻ. Cho tới khi người nhà tới và đưa em đi bệnh viện.

Đây là lời tâm sự của một bệnh nhân nữ 17 tuổi đang được chuyển đến điều trị biến chứng tại BV Chợ Rẫy, TP. HCM. Cô gái trẻ này đã mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler và môi, cằm, mũi tại một spa "chui". Theo lời kể của nạn nhân, khi có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nôn ói, nhân viên spa "chui" không chuyển cấp cứu mà tự ý cho bệnh nhân uống thuốc, không cấp cứu dẫn đến bỏ lỡ cơ hội chữa trị khiến tình trạng biến chứng nghiêm trọng hơn.

Thời gian qua, nắm bắt tâm lý khách hàng, nhất là chị em phụ nữ với mong muốn làm đẹp vừa rẻ, lại nhanh và tiện… Các dịch vụ làm đẹp nở rộ được quảng bá bằng những mỹ từ trên mạng xã hội với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn. Dù tỉnh táo, có sự cảnh giác nhưng không ít chị em vẫn thấy lo ngại trước “ma trận” các cơ sở, chuyên khoa thẩm mỹ tràn lan.

Là dân văn phòng thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng, chị Kim Thoa, ngụ phường 3, TP Vĩnh Long cho biết: Hằng tháng hay Tết năm nào Chị cũng đi làm đẹp. Có những địa điểm mới như làm nail, spa… Cũng có nhiều chỗ điện thoại tư vấn, mời chào Chị đến làm ễn phí các dịch vụ nhưng mà Chị sợ lắm! Chị nghĩ là thực tế thì không phải như vậy.

Nạn nhân tím tái sau khi tiêm thuốc để nâng ngực

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp thẩm mỹ nội khoa để điều trị, cải thiện da được quảng bá liên tục như: laser, thay da sinh học hay mesotherapy,… Ngoài ra, giới làm đẹp cũng ưa chuồng các biện pháp để nâng cơ, xóa nhăn như botox, filler hay Hifu, Thermage, căng chỉ… Từ đó, hàng ngày tại các cơ sở thẩm mỹ, các bệnh viện luôn đông đúc người dân đặt lịch tư vấn và thực hiện dịch vụ.

Chị Bảo Trân, ngụ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chia sẻ: Đầu tiên em sẽ đi peel da trị mụn cho sáng da xíu, làm tóc, làm móng. Em thấy tin tưởng chỗ đó tại bác sĩ da liễu có nhiều bằng cấp, với em cũng làm chỗ đó nhiều đã ra kết quả chứ mấy chỗ quảng cáo nhiều thì em cũng không đi.

Tuy nhiên, bên cạnh các phương pháp an toàn, đơn vị uy tín, thị trường làm đẹp hiện nay có không ít cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép, không đảm bảo an toàn khiến nhiều bệnh nhân nhập viện vì biến chứng.

Nói về vấn đề này, PGS. TS. BS Đàm Văn Cương - Chuyên ngành ngoại tổng quát, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh Viện Đại Học Nam Cần Thơ cho biết: Chuyện mà làm đẹp thì đó là cái nhu cầu tất yếu của cuộc sống, tôi cho là rất chính đáng của chị em phụ nữ. Thứ nhất, tôi rất làm tiếc và thứ hai là Ngành Y tế cũng rất làm tiếc với chuyện này mặc dù đã làm nhiều biện pháp mà để ngăn chặn không để xảy ra những cái mất an toàn cho cho khách hàng….Nhưng đa số những theo dõi của tôi thì biến chứng đáng tiếc như vậy thường xảy ra ở các cơ sở không có đủ trang thiết bị như tại bệnh viện. Những phẫu thuật lớn (đại phẫu) nên làm ở Bệnh viện vì có đầy đủ trang thiết bị, có bác sĩ chuyên sâu để khi cấp cứu mới xử lý được.

Đáng nói, có không ít cơ sở thẩm mỹ, phòng khám không tư vấn, khuyến cáo khách hàng, ngược lại, mời họ sử dụng cùng lúc nhiều dịch vụ cùng lúc để tăng doanh thu. Nhiều người sợ nghỉ phép nhiều ảnh hưởng công việc, muốn tiết kiệm thời gian và tận dụng ưu đãi theo gói nên “nhắm mắt đưa chân”. Khuyến cáo về vấn đề này, TS. BS Đàm Văn Cương nhận định: Vấn đề nữa mà tôi thấy là không biết các cơ sở thẩm mỹ tư vấn thế nào mà khách hàng họ thích làm một lúc 2-3 cái dịch vụ. Ví dụ như vừa cắt xương hàm, vừa chỉnh 3-4 thứ khác nữa! Sức khoẻ, sức chịu đựng con người có hạn thôi. Muốn thẫm mỹ phải từ từ, có thời gian thì mới đẹp. Chọn kỹ thuật nào một thứ thôi, cùng lắm nếu nhẹ (tiểu phẫu-PV) thì chúng ta làm kỹ thuật tiếp theo chứ không quá lạm dụng. Càng làm lớn (đại phẫu -PV), làm nhiều, lượng thuốc tê, thuốc mê tiêm vào người nhiều thì rủi ro tăng lên. Chị em có nhu cầu làm đẹp tôi khuyên là hết sức bình tĩnh, không nên lạm dụng, muốn mọi thứ đẹp hoàn mỹ ngay thì không nên.

PGS. TS. BS Đàm Văn Cương - Chuyên ngành ngoại tổng quát, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh Viện Đại Học Nam Cần Thơ

Đến nay, đã có nhiều báo cáo về thực trạng này được nêu lên. Trong đó, theo số liệu nghiên cứu tại Bệnh viện Da Liễu TP. HCM, gần 78% các ca tai biến thẩm mỹ do người thực hiện không phải là bác sĩ; hơn 15% bệnh nhân khi làm đẹp không biết người thực hiện có phải bác sĩ hay không mà “chỉ thấy mặc áo blouse”. Chỉ có hơn 6% các ca tai biến do bác sĩ gây ra. Đến nay, hơn 600 ca tai biến thẩm mỹ da được Bệnh viện Da liễu TP HCM tiếp nhận trong năm qua, tăng hơn 1,5 lần so với 4 năm trước. 

Trong khi các cơ sở thẩm mỹ “chui” hoạt động tràn lan, thậm chí là rầm rộ thì lượng lực thanh, kiểm tra trên các địa bàn vẫn còn rất mỏng. PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng - Phó Chủ Tịch Hội Thẩm mỹ TP. HCM, Trưởng ban Pháp chế Hội Thẩm mỹ TP. HCM nhận định: "Khi mở một nhà chăm sóc da, một thẩm mỹ viện thì rất rầm rộ thì làm sao địa phương không biết? Tôi nghĩ rằng chỉ có chính quyền, không có chính quyền thì không giải quyết được. Chủ yếu bây giờ làm sao đẩy mạnh vai trò trách nhiệm của địa phương hỗ trợ bảo vệ sức khỏe cho người dân dân”.

Theo các chuyên gia y tế, ngay lúc này, các địa phương cần tăng cường nguồn lực thường xuyên thanh, kiểm tra các cơ sở làm đẹp đồng thời tăng chế tài xử lý, răn đe các sai phạm. Bởi ngày nào còn các cơ sở thẩm mỹ “chui” hoạt động, ngày đó sẽ còn nhiều người “tiền mất, tật mang”!

Bệnh nhân biến chứng sau tiêm filler đã được cứu sống sau nhiều ngày can thiệp ECMO (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Làm đẹp luôn là nhu cầu chính đáng, nhất là thời điểm cuối năm để đón chào năm mới. Tuy nhiên, trước những lời chào mời ngon ngọt từ các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp chưa rõ uy tín, người dùng cần tỉnh táo trước khi có quyết định tác động trực tiếp đến cơ thể của mình. Ngoài ra, cơ quan chuyên trách cũng cần có các biện pháp quyết liệt hơn khi cơ sở thẩm mỹ, spa “chui” ngày càng lộng hành và tư lợi trên sức khoẻ, tính mạng khách hàng. Đó là góc nhìn của VOV Giao thông Mekong qua bài bình luận tiếp nối mang nhan đề: “Làm đẹp cuối năm, xin đừng bất chấp!” do biên tập viên Tấn Đạt thực hiện. Mời quý vị cùng theo dõi!

***

Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn, tất bật nhất trong năm, vì nóng lòng làm đẹp không ít người đưa ra quyết định vội vã. Chưa tìm hiểu kỹ, chỉ nghe người quen chỉ điểm hay lời tư vấn “ngon ngọt” kèm ưu đãi hấp dẫn, lời hứa về việc hoàn thiện nhan sắc một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí của các đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp… đã dẫn đến cái giá đắt: người thì mất tiền, người thì gặp biến chứng, thậm chí mất mạng.

Đã đến lúc cần xây dựng nhận thức cho cộng động, nhất là những ai đam mê làm đẹp. Đó là tránh việc lạc quan và tin tưởng vào khả năng của các cơ sở này mà không tìm hiểu sâu về quy trình thực hiện và uy tín của bác sĩ. Việc nghiên cứu thông tin về cơ sở làm đẹp trước khi quyết định là bước quan trọng để giảm thiểu rủi ro. Chọn cơ sở uy tín với bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại là chìa khóa quan trọng nhằm đạt được kết quả an toàn cũng như hiệu quả.

Phải thấy rằng, rủi ro về những biến chứng, tai biến thường được quản lý tương đối tốt tại các các bệnh viện lớn và cơ sở uy tín. Với những ca đại phẫu, đòi hỏi khâu gây mê và vô trùng nghiêm ngặt, cần được thực hiện ở các bệnh viện có bác sĩ nhiều kinh nghiệm, máy móc đầy đủ. Điều này đặt ra một vấn đề về việc tăng cường chất lượng dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở y tế lớn và Bộ Y tế cần thêm những biện pháp quản lý gắt gao để ngăn chặn hoạt động của các cơ sở không phép.

Trách nhiệm của cơ quan ban ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này. Cần có những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Chính quyền các địa phương cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, rà soát những cơ sở làm đẹp trên địa bàn, đồng thời khuyến cáo người dân lựa chọn các cơ sở có uy tín và đang được cấp phép hoạt động.

Những biện pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ và liên kết giữa cơ sở y tế, chính quyền địa phương lẫn người tiêu dùng. Chỉ thông qua sự hợp tác này, mới có thể xây dựng một môi trường làm đẹp an toàn và chất lượng.