Lại rầm rộ bán đất mặt ruộng

Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Long lại lấy lớp đất mặt ruộng chuyển đi nơi khác với nhiều mục đích khác nhau. Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua. Nguyên nhân nào mà nông dân lại ồ ạt bán đất mặt ruộng dù ngành chức năng đã nhiều lần cảnh báo?

Đến xã Phú Đức - huyện Long Hồ - tỉnh Vĩnh Long trong mùa nắng gay gắt, người ta “ngộp thở” vì bụi bay tứ tung sau những chuyến xe chở đất trên đường. Nhìn qua những cánh đồng bao la thì dễ dàng bắt gặp mấy chiếc Cobe hì hụt cào cuốc lớp đất trên mặt ruộng ì đùng.

Cobe cào lớp đất mặt từ 10 - 20cm, cứ 1.000m2 sẽ đào đi từ 20 – 25 tấn đất tùy theo độ sâu, cạn do chủ đất yêu cầu. Từ ruộng đến khu tập kết khoảng 500 - 600 mét nhưng có gần 10 xe hoạt động liên tục từ sáng đến tận 22h đêm.

Thu hoạch vụ lúa Đông Xuân là nông dân lại ồ ạt cào bỏ mặt đất ruộng trên cùng mà theo lý giải là để diện tích bớt gò, tránh cỏ dại.

Khi được phóng viên đề cập đến việc lấy đất mặt làm gì thì chủ đất im lặng đầy bí hiểm. Riêng người điều khiển Cobe múc đất thì vô tư cho biết: Mua đất mặt ruộng của nhiều hộ dân trong xã Phú Đức về bán lại. Mỗi xe ba gác khoảng 1 khối đất có giá dao động từ 140.000 - 200.000 đồng tùy theo địa chỉ giao đất. Hoặc 1 bao đất có trọng lượng khoảng 35kg có giá 12.000. Chủ yếu số đất này bán lại cho những nơi trồng kiểng, trồng hoa:

"Mấy chổ làm kiểng như Cái Mơn, Tây Ninh, Sa Đéc. Đa số về mấy ông trồng kiểng là nhiều nhất. 8-9 giờ tối cũng có lên hàng nên mình cũng tranh thủ về bốc cho mấy ổng."

Không riêng gì huyện Long Hồ mà nhiều địa phương khác ở Vĩnh Long cũng rầm rộ mua bán đất mặt ruộng “theo mùa”. Lớp đất mặt trên đồng ruộng ở Vĩnh Long được phù sa bồi lắng sau mỗi mùa nước nổi, chứa phần lớn chất dinh dưỡng và chất hữu cơ của tầng canh tác lúa.

Khi bị cào hết lớp đất mặt này thì ở mùa vụ sau, bón phân vào, sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước. Để tái tạo lớp đất mặt như cũ cũng phải mất rất nhiều năm. Tất yếu, các vụ lúa kế tiếp sẽ không đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Tùy theo lượng đất mà chúng ta lấy đi, chúng ta có thể bón lại từ 10-20 tấn/hecta phân hữu cơ thì mới đủ cung cấp lại độ màu mỡ của đất. Còn không thì tốn từ 3-5 năm việc canh tác của chúng ta mới trở lại bình thường chứ không thì những năm đầu sau khi lấy đất mặt, việc canh tác gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều phân hơn và có thể là năng suất có thể sụt giảm."

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long thì việc mua bán mặt đất ruộng đã sai với quy định Luật Trồng trọt. Tại khoản 1, khoản 2, điều 57 quy định: việc quản lý phần đất mặt để sử dụng, nếu muốn chuyển sang mục đích khác hoặc muốn khai thác lớp đất mặt ruộng phải được cấp phép. Về mặt quản lý thì giao chính quyền địa phương, cấp xã, cấp huyện sẽ xử phạt những trường hợp khai thác mặt đất ruộng nếu không được cấp phép.

Còn đối với nông dân thì bán đất mặt ruộng có lý lẽ riêng. Dẫu biết việc lấy đất mặt ruộng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa nhưng vẫn làm vì theo nông dân đây cũng là giải pháp để hạ thấp mặt ruộng, loại bỏ cỏ dại cho sản xuất mùa sau.

Anh Lê Văn Tơn – ngụ xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm cho biết: "Đất gò này quá cao đi, phải cho lấy lớp mặt bớt để cho mặt bằng của ruộng ổn định hơn so với đất bưng ở trên. Ai lấy không được là bị gò là bị lúa cỏ, cái nữa là cỏ dại khó quản lý. Cây lúa không đạt năng suất."

Đất cào xong, đổ lên xe, đưa đi bán hoặc cho

Hạ độ cao mặt ruộng để quản lý tốt cỏ dại, nâng cao năng suất lúa là phù hợp với thực tế sản xuất. Tuy nhiên, việc nông dân tùy tiện bỏ đi lớp đất mặt ruộng màu mỡ được các chuyên gia nông nghiệp cho rằng lợi bất cập hại. Trong khi đó, theo các chuyên gia, vẫn có cách làm khác hiệu quả và khoa học hơn. 

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long khẳng định: "Đầu tiên là mình cày xới lên, sau đó gom lớp đất mặt về một phía rồi mình tiếp tục mình đào, cày lớp đất kế, lấy lớp đất kế rồi mình chang trở lại. Cái này nó tốn công hơn nhưng nó tương đối vẹn toàn. Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là việc chúng ta sử dụng bờ bao xung quanh ruộng để giữ nước của từng ruộng cho từng hộ là rất cần thiết."

Đất đai là tài nguyên, nhất là đất mặt để canh tác lúa ở tỉnh Vĩnh Long rất màu mỡ nhờ phù sa của sông Tiền, sông Hậu. Hạ độ cao mặt ruộng để quản lý tốt cỏ dại, lúa cỏ, nâng cao năng suất lúa cần được thực hiện đúng kỹ thuật, có khoa học.

Ngành nông nghiệp đã tư vấn, khuyến cáo nông dân cải tạo đất vừa hiệu quả vừa bảo vệ nguồn tài nguyên đất bền vững lâu dài. Nông cũng nên áp dụng thí điểm để đánh giá kết quả. Vì nếu ồ ạt bán đất mặt ruộng, tương lai mùa màng thất bát cũng là nông dân gánh chịu.

Chính quyền địa phương và các ngành hữu quan cũng cần nhìn nhận, không “lập lờ” trách nhiệm và cần có sự vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng rầm rộ lấy đất mặt ra khỏi ruộng như hiện nay.