Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam

Để bán được giá tốt và xuất khẩu vào các thị trường cao cấp thì cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo. Việc hóa giải những “điểm nghẽn” sẽ giúp ngành lúa gạo khẳng định vị thế và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới.

Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn/năm đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá tốt hơn cũng chưa được thuận lợi. Cần làm gì để khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt là điều mà các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp cần quan tâm để hạt gạo bứt phá trong thời gian tới. 

Ông Võ Văn Thạnh - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: 'Hơn 5 năm trước, HTX được thành lập với 538 thành viên với tổng diện tích sản xuất lúa hơn 600ha. HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ.

Chỉ trong 4 năm qua, tổng diện tích ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa đạt hơn 3.900ha, với sản lượng cung ứng 29.500 tấn, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao, giúp việc tiêu thụ luôn đảm bảo ổn định. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, HTX còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Dự án Nông nghiệp bền vững, địa phương về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, như là nhà kho, hệ thống sấy, máy sàng tách hạt giống, máy thu rơm… và các thành viên HTX được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa giống, từ đó, giúp lúa hàng hóa của HTX luôn đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận cao'.

Ông Võ Văn Thạnh chia sẻ: 'Nông dân canh tác hiệu quả hơn do giảm giá thành sản xuất. Việc mua giống sản xuất cũng rẻ hơn, do Trung tâm giống nông nghiệp cung ứng.

Giá bán thì được thương lái thu mua cao hơn giá thương lái tại địa phương. Do đó lợi nhuận của bà con được nâng lên. Từ đó sản xuất hiệu quả, vật tư đầu vào rẻ, sản phẩm đầu ra bán được giá cao hơn'.

Ảnh nh họa

Phải khẳng định rằng, những năm gần đây, người nông dân, HTX, Tổ hợp tác… đã thực hiện khá tốt vai trò của mình trong việc tạo ra giá trị hàng hóa, mang lại thu nhập đáng kể trên chính đồng đất của mình, góp phần rất lớn vào việc ổn định an ninh lương thực và xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất từ 26 – 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, hạt gạo Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là về giá cả.

Tại Hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” vừa diễn ra tại Cần Thơ mới đây, ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo thuộc Công ty Agromonitor chia sẻ: 'Thị trường vật tư phân bón tăng rất mạnh, chi phí vật tư đầu vào đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất. Chúng ta cũng thấy giá gạo mặc dù năm 2022 có tăng so với năm 2021, nhưng so với năm 2019 thì vẫn còn thấp hơn nhiều. Chúng ta cũng đã nói nhiều về kỳ vọng tăng giá, nhưng 3 năm nay, mình chưa thấy được điều đó'.

Tại Hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”, các diễn giả đến từ Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Viện lúa ĐBSCL, các chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập và nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu cũng đã bóc tách nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lúa gạo Việt Nam. Trong 5-7 năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có bước tiến triển lớn.

Các thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Nếu như năm 2016, gạo phẩm cấp thấp IR50404 chiếm tỷ lệ lớn thì đến năm 2021, gạo phẩm cấp cao Đài Thơm 8, OM18 chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu.

Dù đạt kết quả khả quan, song nhìn vào số liệu thống kê xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam dù vẫn đạt gần 2,77 triệu tấn gạo (tăng 6,6%) nhưng giá trị lại giảm 4% khi đạt 1,35 tỷ USD.

Với việc giảm 4% về giá trị, các chuyên gia cho rằng, gạo Việt đang có một số điểm nghẽn về chi phí logistics, chất lượng hạt gạo, cũng như cách xây dựng thương hiệu… dẫn tới giá trị chưa cao và giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, những tổn thất sau thu hoạch lên tới trên, dưới 14%/năm là hết sức lãng phí.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển Thị trường nông sản cho ý kiến: 'Với câu chuyện liên quan đến quản trị chi phí, giá thành của ngành gạo, Bộ Nông nghiệp cần có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân trong việc giảm chi phí.

Chúng ta có thể thay thế một phần, hoặc tiết kiệm trong vấn đề tổ chức sản xuất. Thứ 2, cần phải gia tăng các phân khúc khác, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm, đào bới các thị trường mới, không được chủ quan với tình hình xuất khẩu hiện nay và phải tăng cường xuất khẩu mặt hàng thô nữa'.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng: 'Thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới cũng tăng cao. Hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, để khơi thông dòng chảy hạt gạo, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần sớm giảm chi phí logistics để góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam.

Thống kê cho thấy, hiện chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của nước ta trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực khoảng 10 - 15%. Do vậy, phát triển cơ sở hạ tầng logistics là điều vô cùng quan trọng'.

Để Việt Nam giữ ngôi xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia và cao hơn cho doanh nghiệp, cho người nông dân, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn, thay vì các thị trường châu á quen thuộc.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu, bởi cùng chất lượng gạo, những loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%.

Hướng đi đã có, nhưng dòng chảy xuất khẩu gạo của Việt Nam có thật sự được khơi thông, cần có sự tham gia của nhiều chủ thể là nhà nước, doanh nghiệp, là HTX, người nông dân… đồng hành cùng nhau để xây dựng những chiếc lược bài bản, mang tính bền vững, lâu dài.