Những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế nước ta nói chung và kinh tế ĐBSCL nói riêng bị tổn thương nghiêm trọng.
Sau biết bao khó khăn, kể từ đầu năm 2022 tới nay là giai đoạn mà nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ cũng tạo nhiều điều kiện vực dậy nền kinh tế.
Trong đó có việc ưu tiên tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Dựa trên những điều kiện đó cùng sự nỗ lực không ngừng, khởi nghiệp và star-up tại ĐBSCL vẫn được duy trì và phát triển, gặt hái được những thành quả nhất định, tạo ra những chuyển biến tích cực trong quá trình hồi sinh kinh tế.
Trong không khí rộn rã những ngày cuối năm, chị Cao Thị Cẩm Nhung – người con của quê hương Hậu Giang đang tất bật chuẩn bị những đơn hàng giao cho khách. Khác với mọi năm, năm nay những sản phẩm của công ty chị nằm trong nhóm mặt hàng Tết được người tiêu dùng ưa chuộng nên chị và các nhân viên phải làm việc hết công suất mới kịp trả đơn cho khách.
Đó là những sản phẩm “thịt thực vật” với thương hiệu Le t và cũng chính là thành quả start-up của chị trong thời gian. Vừa tỉ mỉ gói những phần quà Tết, vừa kể cho chúng tôi nghe hành trình khởi nghiệp của chị nhiều bất ngờ và cũng lắm gian nan.
Xuất phát từ ý tưởng muốn chế biến ra những thực phẩm tốt cho sức khỏe của người thân và cộng đồng, đồng thời vực dậy công ty đang theo đà tuột dốc của gia đình. Trong thời điểm đó, chứng kiến giá trị trái mít tại địa phương xuống chạm đáy vì không có nơi tiêu thụ do những tác động của dịch Covid-19, chị Nhung đã bắt đầu lên ý tưởng start-up.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, biết được mít là một trong những loại nông sản rất được ưa chuộng trên thế giới về giá trị dinh dưỡng, chị Nhung đã bắt tay vào sản xuất các sản phẩm thịt thực vật từ loại nông sản này với thương hiệu “Le t”:
"Hệ thống các sản phẩm thịt thực vật từ mít có tất cả 5 sản phẩm: pate mít, bánh phồng mít, khô mít, thác lác mít và xác mít tẩm vị và một sản phẩm trong tương lai nữa là mộc mít hoặc là các loại sốt ăn kèm. Hiện tại mình có fanpage chính thống để giới thiệu sản phẩm. Le t cũng đang xây dựng website và các kênh truyền thông".
Hiện nay, thị trường của sản phẩm được gọi là thịt thực vật tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hơn 10% một năm và sẽ sớm đạt giá trị 500 triệu USD trong vài năm nữa. Theo các chuyên gia, hiện 70% nguồn nguyên liệu làm thịt thực vật là từ đậu nành, tuy nhiên, thế giới đang có xu hướng sử dụng các nguyên liệu mới và mít là một trong số đó.
Điều này mở ra thời cơ lớn cho sự phát triển của ngành chế biến mít tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho các startup, đặc biệt ở nông thôn ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang, để xây dựng cộng đồng sản xuất, chế biến mít bền vững, nâng cao giá trị nông sản theo hướng kinh tế nông nghiệp mới.
Theo Bà Nguyễn Thị Phụng - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), dự án này mang lại nhiều giá trị thiết thực cho quê nhà: "Đây là việc làm hết sức ý nghĩa vì giúp bà con trên địa bàn có điều kiện giải quyết đầu ra nông sản, tạo điều kiện cho bà con có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Khi cô Nhung làm được các sản phẩm từ mít thì coi như đây là một bước tiến mới, nâng tầm nông sản Việt. Tôi nhận thấy đây là một hướng đi đúng đắn và sáng tạo của cô Nhung trong tình hình mới hiện nay".
Giống như chị Cẩm Nhung, anh Võ Văn Phong – Một người con của Bến Tre những ngày cuối năm cũng bận rộn không kém để lên kế hoạch chu toàn cho những tour du lịch Xuân mà du khách đã book kín lịch trước đó rất lâu.
Mở máy điện thoại, anh Phong hào hứng khoe với chúng tôi về “mô hình chuỗi du lịch liên kết C2T” – đứa con tinh thần được hình thành trong hành trình khởi nghiệp sáng tạo của anh cách đây 5 năm.
Chia sẻ những kinh nghiệm để thu hút và níu chân du khách, anh Võ Văn Phong – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Truyền thông và Du lịch C2T bộc bạch: "Làm du lịch thì luôn luôn nâng cấp để hành trình trải nghiệm khách hàng phải làm “wow”, cảm thấy mới lạ. Trong tư duy của C2T là bán cho khách hàng những trải nghiệm mới lạ chứ không phải bán tour.
Như vậy C2T thay đổi mình bằng cách nâng cấp mình bằng cách nâng cấp sản phẩm và đưa ra những sản phẩm mới gắn với đặc trưng bản địa. Cái hình ảnh và trải nghiệm mới đó mình thu hút sự quan tâm của khách hàng mới, cái thứ 2 là đáp ứng nhu cầu khách hàng cũ, họ cũng mong muốn có trải nghiệm mới. Du lịch mà, dòng đời sản phẩm rất ngắn nên chúng ta phải nâng cập liên tục".
C2T là mô hình làm du lịch đầu tiên theo hướng chuỗi giá trị tại Bến Tre. Thành viên của chuỗi là những doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, người khởi nghiệp, hộ làm dịch vụ du lịch riêng lẻ. Đây cũng là ưu điểm, thuận lợi của chuỗi khi có thể hoạt động ngay mà không cần phải đầu tư mới các khu du lịch, mặt bằng, nhân sự…
Hoạt động du lịch hoàn toàn dựa trên sự kết nối, tổng hợp lợi thế, tiềm năng, sản phẩm về du lịch sẵn có của Bến Tre để phát huy hiệu quả cao nhất, tạo sự hấp dẫn cho du khách. Với quan điểm làm du lịch không chỉ để thu tiền, C2T còn hướng du khách đến những hoạt động trải nghiệm mang tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Bà Lê Thị Thanh Huệ - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin thành phố Bến Tre chia sẻ: "Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm cho du khách thì C2T cũng tạo điều kiện cho du khách cùng tham gia bảo vệ môi trường, dù nhỏ thôi nhưng chung tôi đánh giá rất cao. Ví dụ như tour tái tạo, du khách có thể tham gia hoạt động trồng cây dọc bờ sông Bến Tre. Điều này góp phần giúp du khách cùng thành phố giữ gìn môi trường".
Chính tư duy mới mẻ, không ngừng đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, anh Võ Văn Phong đã tự tin gia nhập sân chơi khởi nghiệp và có những đóng góp thiết thực vào việc phát triển ngành du lịch của địa phương.
Hiện nay, mô hình chuỗi du lịch liên kết C2T của anh sau một thời gian khởi nghiệp đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào và tạo dựng được vị trí nhất định trong lòng du khách khi đến thăm mảnh đất bay dãy cù lao.
Không chỉ với lĩnh vực nông nghiệp hay du lịch – được xem là những thế mạnh của ĐBSCL, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo còn được thế hệ trẻ của vùng đất chín rồng phát huy ở lĩnh vực công nghệ. Luôn nuôi dưỡng ước mơ quảng bá những sản phẩm của bà con quê nhà đến với du khách gần xa, sau nhiều năm ấp ủ, cô gái trẻ Phạm Phương Thảo (24 tuổi), ngụ tại quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ đã thành lập sàn thương mại điện tử Mekongexpo.vn để quảng bá và tăng sự tiếp cận của khách hàng với các sản phẩm OCOP.
Thảo bắt đầu kết nối với hơn 50 doanh nghiệp từ nhiều tỉnh thành khác nhau và đưa các sản phẩm OCOP, tiền OCOP lên sàn thương mại giới thiệu cho nhiều người biết đến.
Trước khi chạm đến thành công, Phạm Phương Thảo cũng đã đối mặt với không ít khó khăn, nhất là khi phải bắt kịp xu thế và sự đổi mới của công nghệ: "Mình nghĩ việc đầu tiên khó khăn nhất là xây dựng một hệ thống trang web. Cái đó là cái khó khăn của mình, mình cần một khoảng thời gian rất dài. Bên cạnh đó là hỗ trợ về mảng marketing để quảng bá sàn thương mại điện tử. Hiện tại mình đang kết nối nhiều tỉnh thành để mà có thể đưa những sản phẩm đặc trưng của bà con lên sàn, không chỉ ở ền Tây mà có thể giao thoa giữa Bắc, Trung".
Không chỉ là Hậu Giang hay Bến Tre, trong năm qua, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được dấy lên mạnh mẽ tại ĐBSCL. Đây cũng chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế vùng châu thổ vực dậy sau thời gian bị đại dịch càng quét. Để có được những thành công đáng kể trong phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL là nhờ vào tinh thần đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp được hun đúc mạnh mẽ trong các cuộc thi khởi nghiệp cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp được nhà nước tăng cường đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Anh Tuấn – Viện Phó Viện Nghiên cứu, Ứng dụng và Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp, để phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL bứt phá hơn nữa thì thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các địa phương và liên kết vùng:
"Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên vẫn thiếu tính liên kết, tính kết dính của những hệ sinh thái khá lỏng lẻo. Nguyên nhân chính là do chúng ta vẫn chưa hình thành những nhóm liên kết có những chiến lược mục tiêu rõ ràng.
Tôi nói ví dụ như hiện nay một trong những vấn đề trở ngại lớn của khởi nghiệp là làm thế nào để tạo ra các nhóm khởi nghiệp từ các khu vực khác nhau. Tức là cùng mục tiêu khởi nghiệp họ sẽ tìm ra những ý tưởng để tạo ra đội khởi nghiệp mạnh.
Hoặc là họ có những ý tưởng networld để kết nối những thanh niên khởi nghiệp với nhau cùng tổ chức những nhóm bán hàng để chia sẻ nguồn lực với nhau. Có như vậy thì sức mạnh liên kết giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp mới có thể phát triển và lan rộng được".
Trong năm qua, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề của kinh tế - xã hội của vùng, từ đó tạo thành đòn bẫy cho sức bật kinh tế ĐBSCL sau đại dịch.