Với ý tưởng sáng tạo, cách làm độc đáo này, chị đã đoạt giải nhất trong Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần VI, năm 2023.
Tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Đồng Tháp năm 2017, Hồ Thanh Thảo là cô gái rất đam mê lĩnh vực vẽ tranh. Sau khi ra trường, chị được vào dạy vẽ ở các cơ sở đào tạo, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê mỹ thuật của mình. Hơn một năm dạy vẽ, cô gái trẻ quyết định trở về quê nhà, bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng làm tranh:
"Hồi trước em học sư phạm Mỹ thuật ở ĐH Đồng Tháp, ở đó em được trải nghiệm rất nhiều các dòng tranh như tranh sơn dầu, tranh tổng hợp, tranh sơn khắc… và em nhận thấy ở Đồng Tháp có sản phẩm đặc trưng của tỉnh dành cho khách du lịch và ở Vĩnh Long lúc đó thì chưa có nhiều.
Nên em mới tìm hiểu và thấy làng gốm ở Vĩnh Long nổi tiếng và có từ rất lâu đời. Đó là một cái điểm nhấn của Vĩnh Long, nên em mới đến làng gốm, thử tìm kiếm chất liệu để vẽ lên gốm. Định hướng của em là tìm ra những sản phẩm nào mà người ta đến có thể mua về làm quà tặng được."
Trải qua hơn một thế kỷ hình thành, phát triển, sản phẩm gạch gốm Vĩnh Long nổi tiếng không chỉ ở ền Tây Nam Bộ mà còn được ưa chuộng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do yêu cầu về đảm bảo môi trường, khó khăn trong nguồn giá nguyên liệu… làng nghề sản xuất gạch, gốm dần trầm lắng, không còn hưng thịnh như trước.
Thấy vậy, cô gái 9x Hồ Thanh Thảo đã nghĩ ra cách làm mới nhằm giữ lửa cho làng nghề. Năm 2020, chị Thảo bắt đầu thực hiện ý tưởng vẽ tranh trên chất liệu gốm đỏ Mang Thít, với nhiều chủ đề về phong cảnh, di tích văn hóa, lịch sử ở Vĩnh Long. Cũng từ đây, cô gái trẻ gặp vô vàn khó khăn, bởi vẽ tranh trên gốm đỏ tưởng dễ nhưng không dễ một chút nào.
Nhớ lại khoảng thời gian này, Thanh Thảo kể: "Lúc đầu vẽ nó không ăn màu, lý do mình vẽ màu lên gốm nó bị hút màu vào trong. Khi mình vẽ màu đỏ lên nền gốm có màu cam thì màu đỏ sẽ bị chìm xuống không giữ được màu sắc nên em phải xử lý rất nhiều lần và làm cũng khó lắm. Sau này em mới tìm ra công thức để khi vẽ lên nó bật ra được tông màu mình mong muốn."
Hình ảnh Văn thánh ếu, chùa Ông hay làng gạch gốm được chị Thanh Thảo khắc họa rõ nét, sống động trên các sản phẩm gốm đỏ, nhận về “cơn mưa” lời khen từ khách hàng. Mỗi sản phẩm mất vài tiếng mới hoàn thành, được bán ra thị trường với giá 250.000 - 400.000 đồng.
Với đơn hàng có số lượng từ 10 - 20 sản phẩm, đội ngũ vẽ tranh của cơ sở sẽ hoàn thành trong thời gian 1- 2 ngày, giúp mỗi lao động có thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng. Đặc biệt, chị còn nhận vẽ tranh chân dung trên nền gốm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Không chỉ giữ riêng cho mình đam mê với gốm đỏ, Thanh Thảo còn lan toả đam mê này đến cho nhiều bạn trẻ khác như một cách để giữ gìn nghề làm gốm đỏ Măng Thít trăm năm của vùng đất Vĩnh. Những lớp học vẽ ra đời với nhiều cấp độ khác nhau.
Thanh Thảo cứ thế ệt mài gợi nên tình yêu trên gốm đỏ. Mong muốn lớn nhất của cô gái 9x là sản phẩm tranh trên gốm đỏ sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn về vẻ đẹp của quê hương Vĩnh Long thân thiện, mến khách.
Chị Hồ Thanh Thảo trải lòng: "Em cũng mong muốn những doanh nghiệp địa phương và địa điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Long quan tâm đến sản phẩm gốm vẽ tay để phát triển và đẩy mạnh hướng du lịch quà tặng."
Theo ông Trần Công Khánh- Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long, Thanh Thảo đã tạo việc làm cho người lao động, sinh viên thông qua việc vẽ tranh, đặc biệt góp phần tiêu thụ các sản phẩm từ gốm đỏ của Vĩnh Long. Tin rằng, hành động thiết thực, ý nghĩa của cô giáo Hồ Thanh Thảo sẽ lan tỏa đến nhiều bạn trẻ cũng như truyền cảm hứng khởi nghiệp, sáng tạo cho thanh niên trên hành trình xây dựng quê hương, đất nước.