Cư dân chung cư số 536A Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thường xuyên mất ngủ khi đêm nào cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng nhạc bay lắc xuyên đêm từ căn hộ khác vọng sang.
Gia đình chị Thủy ở đây đã nhiều lần kiến nghị tới ban quản lý nhưng chỉ có biện pháp nhắc nhở rồi đâu lại vào đấy: "Tiếng nhạc lớn, càng về đêm càng như tra tấn mình, rất là khổ, vợ chồng con cái đều mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống"
Đáng nói là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bị tra tấn bởi âm thanh quá lớn từ nhà hàng xóm mà không thể làm được gì không phải là hiếm gặp ở các chung cư hiện nay. Một cư dân ở chung cư Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai "kể khổ" khi ở căn hộ ở tầng thấp còn hứng trọn mọi tiếng ồn từ mặt đất, tiếng xe cộ, tiếng máy móc thi công bất kể ngày đêm.
"Tiếng ồn lớn từ đường vành đai 3 trên cao nó đập vào nhà, những căn mà giáp đường là không ngủ được; có cháu nhỏ không ngủ được nên phải vào phòng trong".
Tại TP.HCM, cư dân chung cư Bình Khánh, phường An Phú, TP Thủ Đức nhiều năm qua thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng karaoke. Một cư dân tại đây cho biết, vừa về đến nhà là anh đã phải cửa đóng, then cài để hạn chế tiếng ồn nhưng vẫn không hạn chế được là bao. Anh và gia đình bị tra tấn âm thanh trong suốt thời gian dài khiến sức khỏe và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng:
"Có khi hát đến 12h đêm mới nghỉ mà kéo dài hết tháng này qua tháng nọ, đặc biệt khu chung cư mình có rất đông người già và trẻ em. Hát rống lên kinh khủng lắm. Tôi là người khó ngủ, mình phải ngủ sớm để mai còn đi làm nhưng mà có đêm nào ngủ yên được đâu"
Mấy năm gần đây, hoạt động thể thao dân vũ, hát karaoke loa kẹo kéo nở rộ. Nên ở nhiều chung cư, buổi sáng thì ồn ào vì mở nhạc nhảy areobic, nhảy dân vũ, tối đến lại cùng nhau ngồi hát karaoke ngay dưới sảnh chung cư khiến ô nhiễm tiếng ồn càng phức tạp hơn.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm tiếng ồn trong chung cư chủ yếu chia làm 2 dạng: là tiếng ồn phát ra được lan truyền trong không khí như tiếng người nói, tiếng động cơ xe, tiếng phát từ các thiết bị nghe nhìn như tivi, karaoke...Thứ hai là tiếng ồn truyền qua kết cấu, xuyên qua tường hoặc sàn từ nhà trên xuống nhà dưới, từ hai nhà giáp ranh liền kề....
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đánh giá, ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Trong khi để giải quyết vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn thì cư dân sống ở chung cư cần chủ động các biện pháp giảm tránh tác hại từ tiếng ồn:
"Vì chúng ta không nhận rõ tác hại nên nhiều khi sống trong môi trường đó chúng ta cũng quen, những người thấy tự dưng mệt mỏi, nghe kém hơn nên đi khám, khi khám sức khỏe định kỳ thì phải kiểm tra xem có giảm sức nghe không; các căn hộ có thể gia tăng cho cửa kín hơn".
Dù có phản ánh hay âm thầm chịu đựng, ô nhiễm tiếng ồn ở các khu chung cư đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe hàng ngày của cư dân. Họ mong muốn sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương bằng các hình thức xử phạt đủ sức răn đe và có thêm các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề này.