Khó khăn điểm nào tháo ngay điểm đó

Nhiều công trình trọng điểm tại miền Tây được đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng với mục tiêu sớm hoàn thành để đưa vào phục vụ nhân dân trong năm mới. Thế nhưng đến vẫn còn không ít công trình “án binh bất động” mặc cho thời hạn hoàn thành đã qua từ lâu.

Tính đến nay, hệ thống quốc lộ tại ĐBSCL có tổng chiều dài hơn 2.600km, tăng trên 50% so với 10 năm trước. Nhiều công trình thi nhau mọc lên giúp phá thế “qua sông lụy phà” ở vùng sông nước ền Tây. Các cây cầu đã và đang đầu tư có quy mô lớn bắc ngang các con sông chính như: cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2… đã thay thế các bến phà trước đây qua lại nhiêu khê, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường bộ an toàn, nhanh chóng… mang đến sự vui sướng, tự hào cho người dân đồng bằng.

Ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết: “Giao thông vùng ĐBSCL có tập trung đầu tư, nói chung các tuyến chính, huyết mạch mang tầm cỡ quốc gia đang xây, có tập trung đầu tư bức bách, có phát triển tốt. Tại Tiền Giang các tuyến đường bộ do tỉnh quản lý thì đang đầu tư khá tốt.”   

Thời gian qua, với tầm quan trọng của “vựa lúa” cả nước, khu vực này nhận sự quan tâm lớn, được tiếp tục triển khai hàng loạt công trình lớn nhằm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án, hạ tầng giao thông được khánh thành, mang đến niềm vui, điểm nhấn cho sự phát triển của địa phương… đâu đó còn hàng loạt công trình trọng điểm không đảm bảo tiến độ đề ra khiến bà con sốt ruột, dư luận bức xúc.

Tại Bạc Liêu, những năm gần đây, người dân rất bức xúc trước dự án xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2 - cầu Châu Điền về xã Long Điền Đông. Dự án khởi công cuối năm 2018, dự kiến thời gian hoàn thành năm 2021, nhưng quá trình thực hiện dự án rất chậm, nhất là cầu Kinh Tư 2 (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Cây cầu này thi công được 2 phần mố, gác dầm… thì ngưng thi công không biết khi nào tiếp tục xúc tiến công tác xây dựng.

Tại Cần Thơ, nhiều dự án trọng điểm đến nay cũng đang chậm tiến độ ban đầu. Điển hình như Dự án cầu Trần Hoàng Na có vốn đầu tư 800 tỷ đồng, bắc qua sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Công trình được khởi công vào tháng 9-2020 và dự kiến hoàn thành cuối tháng 6-2022, nhưng đến nay “cái hẹn về đích” chưa biết khi nào.

Chưa kể, nhiều công trình trọng điểm khác gồm đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ; xây dựng, nâng cấp đường tỉnh 917, 921… cũng trong trạng thái im lìm kéo dài! Các “dự án treo”, khiến cuộc sống bà con “lơ lửng” xáo trộn hàng ngày, hàng giờ. 

Công trình Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ gần như ngừng thi công Ảnh: tienphong.vn

Được biết, năm 2021-2022, UBND thành phố Cần Thơ đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện Phong Điền với giá trị hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách. Tuy nhiên đến nay đã bước sang tháng 11, các dự án này được triển khai quá chậm, mà nguyên nhân chủ yếu là do địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình...

Thể hiện quyết tâm đảm bảo tiến độ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, ông Nguyễn Hoài Bão - Đại diện đơn vị thi công Khu tái định cư huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thông tin: Những hạng mục nào tăng ca được sẽ tăng ca để đẩy nhanh tiến độ tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để công trình sớm hoàn thành tiến độ vào 30/12 năm nay.

Ngoài vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhiều dự án chưa thể triển khai, khởi công đúng kế hoạch là do thiếu vốn. Các công trình trọng điểm có vốn kế hoạch lớn, trong khi vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đến nay vẫn còn thấp.

Để giải quyết vấn đề này, TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông cho rằng: Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao rất cần sự quan tâm của Nhà nước. Với những đoạn tuyến có nhu cầu giao thông cao, đồng nghĩa với triển vọng thu phí lớn nhằm hoàn vốn cho nhà đầu tư. Ví dụ như TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận việc huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư về mặt tài chính là khả thi.

Tuy nhiên cũng cần đảm bảo tính cạnh tranh – nh bạch trong việc huy động nguồn vốn tư nhân. Hoàn toàn có thể thực hiện hình thức đấu thầu để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào cùng Nhà nước đầu tư tuyến đường đó.

Một khó khăn khác được nhiều địa phương đề cập, chính là nhu cầu nguồn cát xây dựng rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.

Đơn cử như dự án thi công cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền (nối 2 tỉnh Tiền Giang - Bến Tre) hay Cầu Mỹ Thuận 2, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… Đó là chưa kể hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc đang được triển khai trong thời gian tới tại ĐBSCL với ước tính cần khoảng 39 triệu m3 cát.

Chỉ đạo quyết liệt trong việc ưu tiên dành nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, cũng như đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các công trình trọng điểm tại ĐBSCL trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: Phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chúng ta ưu tiên trục Bắc Nam. Một là huy động nguồn lực đầu tư vào đây theo hướng tuyến là thẳng nhất có thể tránh các khu đô thị để không ảnh hưởng tác động lớn đời sống người dân. Qua sông thì bắc cầu, qua đồng ruộng thì đổ đất đổ cát… xử lý các vấn đề kỹ thuật, để công tác GPMB tốt. Có hướng tuyến rồi, có dự án rồi tôi đề nghị các đồng chí, các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng sớm, chúng ta làm tốt và quy hoạch các mỏ đất, mỏ cát, mỏ nguyên liệu.

Hiện tại, nhiều tỉnh thành ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều địa phương đang lo giải ngân không hết vốn. Tính đến cuối quý 3-2022, Cà Mau giải ngân được 47% vốn đầu tư công năm 2022; Bạc Liêu giải ngân được 41%; TP Cần Thơ giải ngân được 41%…

Nhiều tỉnh thành đặt kế hoạch đến cuối quý 3-2022 phải giải ngân 75% tổng kế hoạch vốn nên khối lượng thực hiện từ nay đến cuối năm rất nhiều và là thách thức không nhỏ cho các tỉnh thành ĐBSCL trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đưa các công trình trọng điểm về đích đúng hạn!

Việc triển khai thi công không đúng tiến độ đặt ra đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là dự án nào đang gặp khó khăn, và khó khăn ở điểm nào thì cần gỡ ngay điểm đó để đảm bảo tiến độ dự án, sớm đưa công trình vào khai thác. 

“Khó khăn điểm nào tháo ngay điểm đó!”

Ngay từ cuối năm 2021, hàng loạt dự án cao tốc ở khu vực phía Nam đã được khởi động. 2022 được mệnh danh là năm của đầu tư công, với việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục, thúc đẩy các dự án trọng điểm. Thế nhưng, hàng loạt công trình ì ạch vẫn đang kéo chững sự phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL nói riêng cũng như cả nước nói chung. Đây là một thực tế đáng quan ngại, cần sớm có giải pháp khắc phục.

Ước tính, khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành, chiếm 12% diện tích cả nước nhưng hiện mới chỉ có 91km đường bộ cao tốc, chiếm khoảng 7% hệ thống đường bộ cao tốc của cả nước. Trong khi đó nhiều dự án thi công, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ và đảm bảo hạ tầng giao thông vẫn còn quá chậm so với tiến độ đề ra. Ngày nào các công trình trọng điểm còn chậm triển khai, ngày đó ĐBSCL vẫn còn là “vùng trũng” về kinh tế - xã hội, giáo dục – y tế….

“Thiếu vốn”, “thiếu cát”, “thiếu nhân lực”… Những nguyên nhân này đã được “điểm” qua suốt những năm gần đây, nhưng vấn đề đặt ra là giải pháp nào để tháo gỡ? Tin rằng, giải pháp chắc chắn có, bởi nhiều tỉnh thành vẫn đảm bảo tiến độ, đưa các công trình trọng điểm về đích. Có chăng tại những địa phương có những công trình “trơ gan cùng tuế nguyệt” đang thiếu, chính là “thiếu quyết tâm” và “thiếu trách nhiệm”? Dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi này.

Phải thấy rằng, các dự án, công trình trọng điểm không chỉ giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng đơn thuần mà còn mang theo theo khát vọng cho sự phục hồi kinh tế - phát triển xã hội cho ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Hơn lúc nào hết, cần có sự đầu tư tập trung của nhà nước; sự hợp lực của Bộ Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương với những phương án cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy các công trình trọng điểm.

Khó điểm nào, gỡ ngay điểm đó. Có như vậy mới thể hiện trách nhiệm của các Bộ ngành, lãnh đạo các địa phương nhằm thực hiện lời hứa với nhân dân, giúp mở ra cơ hội lớn để kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị, tạo điều kiện cho ĐBSCL phát triển đúng tiềm năng, thế mạnh. Khi và chỉ khi hạ tầng, giao thông tiếp tục được thúc đẩy, kinh tế - xã hội khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung mới có thể phục hồi, tăng trưởng và bứt tốc hơn nữa trong tương lai.