Khi “vương quốc khoai lang” tính chuyện bỏ khoai

Thời kì huy hoàng, khoai lang xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á với mức giá không thấp hơn 1.200.000/ 1 tạ, thu về lợi nhuận 100 triệu đồng/hecta.

 Đặt chân đến vùng chuyên canh khoai lang nức tiếng ền Tây, huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long trong thời điểm này, người ta thấy quan cảnh rất khác lạ. Xen giữa cánh đồng khoai bạt ngàn là những thửa đất đã be bờ, lên bầu trồng mít, trồng bưởi, trồng cam. Hoặc những diện tích lớn, nông dân dẫn nước vào ruộng tháo phèn, cải tạo đất để trồng lúa.

Gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung, ở ấp Thành Lộc, xã Thành Trung có 6 công đất trồng khoai lang tím nhật. Nhưng nhà chị đã chuyển sang trồng lúa, thu hoạch được 3 vụ. Thông thường, đất trồng khoai mãi cũng chai và nhiều sâu bệnh nên chị Nhung dự định trồng lúa 1 –2 mùa sẽ quay lại với cây khoai. Nhưng gia đình thống nhất, khi nào cây lúa còn cho gạo ăn và dư giả hơn cây khoai thì chừng ấy vẫn chọn cây lúa là cây chủ lực...

"Trồng lúa hết, trồng khoai cực quá mà toàn lỗ nên trồng lúa dù lời ít mà chắc. Lúa nó không lời nhiều hơn khoai nhưng không đến nỗi lỗ như khoai. 1 công khoai trồng là đổ vô 15-20 triệu vốn mà dở lên chỉ đủ trả tiền công. Thu hoạch rồi là phủi tay, khoai giá bấp bênh quá, lỗ 2 vụ là hết vốn", chị Nhung bộc bạch.

Mạnh tay hơn chị Nhung, chị Nguyễn Thị Chín ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành chuyển đổi 1 lúc 8 công đất trồng khoai sang trồng mít thái ruột vàng. Nếu được giá cho lời gấp trăm lần cây khoai. Chị Nguyễn Thị Chín cho biết: "Tại em lỗ khoai thì em không trồng khoai nữa mà trồng mít, trồng được 6 tháng rồi. Trồng khoai lời thì ít mà lỗ thì nhiều, giá cả lúc đầu bán cũng được mà lúc sau này bán không có ổn định".

Bình Tân là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất ền Tây với tổng diện tích khoảng 13.000 hecta, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. 80% tập trung gieo trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu, 20% là giống khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Vào vụ, mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai được thương lái thu mua để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

 Trước năm 2016, giá khoai lang xuất khẩu chạm ngưỡng 1.200 ngàn/ tạ (1 tạ = 60 kí), từ năm 2017 đến 2019 giá khai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được là 480.000 - 510.000 đồng/tạ. Bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp “chìm”trong cơn sụt giá từ 240.000 đồng/ tạ, rồi 90.000/tạ và đỉnh điểm năm 2021 là 50.00/tạ.

Vụ mùa 2022 này, toàn huyện Bình Tân chỉ xuống giống 699 hecta khoai lang, ít hơn cùng kì đến 6.300 hecta. Chỉ mới có 250 hecta đã thu hoạch, nhưng giá cả cũng không khởi sắc hơn mọi năm là bao, chỉ ở mức 100.000 đồng/tạ. Các vựa thu mua ngỡ ngàng vì lượng khoai năm nay sụt giảm cực lớn.

Ông Phan Tuấn Thanh – Giám đốc công ty TNHH khoai lang Thanh Bình Tân cho biết: "Sản lượng giảm thì đầu mối cũng cắt giảm, đối với doanh nghiệp thì sản lượng chỉ đủ để doanh nghiệp đó hoạt động động thôi, nhưng số ít doanh nghiệp thôi. Trước năm 2020 vựa nhiều lắm, sản lượng ra bao nhiêu thu mua hết. Nhưng năm nay vựa nghỉ hết".

Một trong những yếu tố khách quan hiện nay khiến giá khoai lao dốc thời gian dài là vướng phải chính sách kiểm soát dịch bệnh của quốc gia tiêu thụ. Trung Quốc luôn là thị trường tiềm năng trong tiêu thụ 80% khoai lang tươi của Bình Tân, kế đến là Nhật Bản, Malaysia, Indonesia…Nhưng hiện nay đường biên mậu đã bị đóng băng.

Ông Phan Tuấn Thanh cho biết thêm: "Nhu cầu thì vẫn có, nhưng thông quan không được vì chính sách kiểm soát dịch bên nước ngoài căng lắm, hàng tới biên giới là bị chặn lại bởi vì khoai lang đi đường tiểu khách chứ không đi đường chính ngạch".

Một diện tích lớn đã chuyển đồi từ khoai sang cây khác và còn tăng dần theo thời gian. Giảm diện tích vùng trồng đồng nghĩa với thu hẹp vùng nguyên liệu. “Vương quốc khoai lang” bỏ nghề khoai đang diễn ra tại Bình Tân và nông dân chờ một quyết sách mới để tự tin trở lại nghề khoai, sống được với cây khoai.

Chuyển đổi giống cây trồng vốn là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, với khoai lang Bình Tân, nếu diện tích vùng nguyên liệu bị thu hẹp sẽ có nguy cơ mất đi thương hiệu khoai lang ở Vĩnh Long đã được hình thành gần 100 năm, giàu nhờ khoai. Nhưng muốn duy trì canh tác cây chủ lực này đòi hỏi phải có phương án tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Liên quan đến nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tập – Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. 

PV: Thưa ông, quả thật vùng nguyên liệu khoai Bình Tân nức tiếng đang bị thu hẹp dần cũng vì ảnh hưởng giá cả. Vậy thì đây có phải là chủ trương chung của huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi giống cây trồng hay không?

Ông Nguyễn Văn Tập:  Đúng là diện tích năm nay giảm đi, mình cũng khuyến khích bà con giảm, làm bị lỗ thì phải giảm, đó là điều tất nhiên. Nhưng giảm ở đây là giảm chờ, nếu chuyển sang cây ăn trái thì diện tích khoai lang mất mà trồng lúa thì diện tích khoai lang còn.

Mình cơ cấu 2 vụ khoai 1 vụ lúa, nếu không trồng lúa thì trồng khoai. Hiện nay vẫn chưa xuất khẩu được nên giá khoai vẫn thấp. Địa phương sẽ làm tốt công tác tuyên truyền và đảm bảo làm sao có được thị trường để nông dân yên tâm sản xuất.

PV: Vậy thì huyện có đề xuất nào với ngành nông nghiệp, sớm có giải pháp để giữ vững diện tích vùng trồng khoai lang?

Ông Nguyễn Văn Tập:  Bộ NN&PTNT cũng đã thống nhất chọn danh mục khoai lang là sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã đồng ý.

Sắp tới đây sẽ cấp mã số vùng trồng. Năm nay mình cũng có định hướng vận động nông dân giữ đất, giữ nghề truyền thống để đảm bảo có nguồn nguyên liệu khoai lang.

Có nguồn nguyên liệu mới có diện tích, mà có diện tích mới được cấp mã số vùng trồng, chỉ cần 500 hecta thôi thì đã được cấp mã số rồi. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu chính ngạch.

PV: Bình Tân đang thiếu nhà máy chế biến nông sản, vậy thì huyện có kêu gọi đầu tư để sớm hình thành các chuỗi sản xuất nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân chưa?

Ông Nguyễn Văn Tập: Chính sách kêu gọi thì Bình Tân rất mong đón nhiều nhà đầu tư. Hiện huyện có khu công nghiệp 400 hecta ta ở Tân Quới – Thạnh Lợi. Còn cụm công nghiệp thì còn 2 cụm công nghiệp của Tân Quới và Tân Bình mỗi cụm 40 hecta.

Trên cơ sở này, các nhà đầu tư đến khảo sát muốn đầu tư thì huyện sẵn sàng tạo điều kiện về thủ tục pháp lí nhanh để hỗ trợ nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!