Khi thầy cô cũng cần được tham vấn tâm lý

Thời gian gần đây, ngành giáo dục liên tục ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận. Dẫu biết rằng đây là những trường hợp cá biệt nhưng cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự thiếu chuẩn mực trong văn hóa ứng xử của thầy và trò hiện nay.

Ngày 29/9 vừa qua, dư luận dậy sóng khi một đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một em học sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm túm áo kéo em vào phía trong lớp.

Vụ việc được xác định là xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội). Theo tường trình, em học sinh này được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng em đặt khác nơi cô giáo chỉ định. Sau khi trao đổi, cô chủ nhiệm yêu cầu học sinh ra đứng ở cửa lớp, không cho vào để em tự giải quyết chiếc bánh mình đặt. Do sức khỏe không tốt, em đã quỳ xuống và sau đó ngất xỉu trước cửa lớp.

Vụ việc trên chưa lắng xuống thì một đoạn clip khác ghi lại cảnh một thầy giáo dạy cấp 3 ở Thạch Thất (Hà Nội) chỉ tay vào mặt, bóp cằm, thậm chí chửi học sinh với những lời lẽ nặng nề ngay trên bục giảng lại tiếp tục được lan truyền khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Trước thực trạng này, nhiều người cảm thấy lo lắng khi chính thầy cô là người giữ vai trò quan trọng trong quá trình vun đắp những mầm xanh tương lai, những người có tác động trực tiếp đến nhận thức và sự trưởng thành của học sinh nhưng lại có những hành động thiếu sự kiểm soát, không phù hợp với chuẩn mực của một nhà giáo.

Với sứ mệnh giáo dục, dẫn dắt, ươm mầm thế hệ tương lai, không chỉ dạy kiến thức trên sách vở mà còn phải là tấm gương sáng về đạo đức cho các em, có thể nói thầy cô thời hiện đại gánh trên vai rất nhiều trọng trách, đó là chưa kể trách nhiệm với gia đình, người thân của chính họ.

Vì vậy, nếu không được chia sẻ, động viên kịp thời rất có thể áp lực tâm lý, sự căng thẳng sẽ khiến họ rơi vào tình huống không kiềm chế tốt cảm xúc cá nhân, dẫn đến những hành động sai lầm trong quan hệ thầy trò, quan hệ đồng nghiệp.

Ảnh nh hoạ: VOV2

Là một phụ huynh có 3 con đều đang ở độ tuổi đến trường, anh Trần Văn Sính ở thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan điểm: Theo tôi nghĩ là phải có những cái chế độ và có những cái lời động viên, khích lệ hay khen thưởng để làm động lực cho thầy cô giáo tiếp tục trên con đường mà mà mình dấn thân vô.

Xác định vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng và luôn khẳng định quan điểm: để học sinh hạnh phúc, chính những cán bộ, giáo viên trước hết phải cảm thấy an tâm và an toàn cả về môi trường làm việc vật lý và sức khỏe tinh thần, tại Tổ chức Giáo dục FPT nói chung và THPT FPT Cần Thơ nói riêng, hàng năm, các cán bộ quản lý đều được tiếp cận các phương thức giúp quản trị tốt nhất cảm xúc cá nhân, để từ đó sẵn sàng giúp đỡ cho các đồng nghiệp, thầy cô và học sinh khi cần.

Cô Nguyễn Thị Uyên Thúy – Hiệu trưởng Trường THPT FPT Cần Thơ chia sẻ: Hằng năm vào trước năm học, tôi cũng làm những hoạt động như mời các chuyên gia về tập huấn về kỹ năng ứng xử và giao tiếp với phụ huynh. Tôi xem đây là một việc rất quan trọng vì trong giao tiếp, nếu mà chúng ta không làm gương thì ví dụ như nếu chúng ta có những cái hành xử không phù hợp thì chúng ta cũng không thể dạy cho học trò chúng ta có những hành xử phù hợp được.

Bên cạnh đó, tôi cũng mời những anh chị chuyên gia trong hệ thống và ngoài hệ thống để chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý cảm xúc, quản lý bản thân để mà giúp cho các thầy cô tự cân bằng lại cái cuộc sống rồi tự có cái giải pháp trong việc mà vượt qua được những điều rất như ý trong cuộc sống. Quan điểm của tôi là mình làm sao để giúp được cho mọi người có một cái chìa khóa...

Cũng theo cô Nguyễn Thị Uyên Thúy, hiện nay, Trường có bố trí phòng Tham vấn tâm lý học đường cho cả giáo viên và học sinh nhưng thực tế là không phải thầy cô nào cũng sẵn sàng chia sẻ những vấn đề mình gặp phải với người tư vấn đồng cấp là cán bộ tư vấn học đường. Chính vì vậy nhà trường luôn chú trọng để các cán bộ quản lý trực tiếp trở thành người đồng hành, chia sẻ cùng các thầy cô những vấn đề trong công việc và đời sống cá nhân:

"Chúng tôi có những chương trình sinh hoạt “sư phụ - đệ tử”. Có những bạn về công làm rất trách nhiệm, rất nghiêm túc, nhưng đôi khi bên ngoài cuộc sống cá nhân rất khó khăn, thì chính những người lãnh đạo, những người cán bộ quản lý trực tiếp trở thành những người chị tạm gọi là “chuyên gia tâm lý”, bằng góc nhìn khách quan, mình cùng với bạn ấy phân tích ra, đặt câu hỏi rồi mình hỗ trợ cùng bạn đó vượt qua.

Cái may mắn ở đây là giáo viên cũng làm như vậy, tức là khi mọi người cần, mọi người phải tìm đến cán bộ quản lý trực tiếp của mình hoặc là cấp cao hơn. Ví dụ giáo viên có thể tìm đến trường bộ môn hoặc là tổ trưởng hoặc là hiệu phó hoặc hiệu trưởng. Tôi chỉ ở đây không có phân biệt là phải đi theo trình tự từng cấp độ gì cả".

Tại Việt Nam, trường học hạnh phúc đã và đang là đích đến cho hành trình phát triển giáo dục toàn diện của học sinh. Để đạt được điều này, có lẽ bên cạnh những tiêu chí đặt ra, chúng ta cũng không được xem nhẹ sự hạnh phúc của các thầy cô giáo, bởi chỉ khi thầy cô cảm thấy tích cực thì những giá trị tốt đẹp mới được lan tỏa đến học sinh một cách hiệu quả nhất.

ảnh nh họa - dantri.vn

Xã hội không ngừng thay đổi, phát triển và giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình ấy. Thế nhưng những “vết rạn” trong mối quan hệ thầy – trò thời gian gần đây khiến chúng ta không khỏi nghi ngại về chất lượng nơi môi trường học đường. Cùng với việc xem người học là trung tâm, có phải chăng đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến thầy cô, khi họ ngày ngày cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý, cùng với đó là sự yếu kém trong kỹ năng giải quyết vấn đề của một bộ phận giáo viên?

Một nghiên cứu được công bố từ tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho thấy, nước ta hiện còn khoảng 70% trường học không có phòng tham vấn tâm lý học đường. Đối với các Trường có trang bị phòng tham vấn thì hầu như được mặc định nhằm giải quyết vấn đề của học sinh, còn vấn đề của giáo viên thì vẫn bị bỏ ngỏ vì nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, nhiều vụ việc liên quan đến hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực nhà giáo bị xã hội lên án thời gian qua cho thấy một bộ phận giáo viên đang gặp những vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm…

Khi đề cập đến “sự nghiệp trồng người” chúng ta thường tôn vinh nghề giáo là nghề cao quý và thầy cô là người giữ sứ mệnh quan trọng, chúng ta đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải vững vàng về kiến thức, phải tạo ra được cảm hứng cho học sinh và là tấm gương chuẩn mực về đạo đức, lối sống. Nhưng có lẽ chúng ta đã quên rằng khi rời bục giảng, ngoài trách nhiệm với công việc, với học trò, giáo viên còn phải gánh trên vai trách nhiệm cơm áo, gạo tiền và cả những mớ cảm xúc hỗn độn như bao người. Họ cũng cần nhận được sự cảm thông, giúp sức kịp thời khi gặp vấn đề và cần được khích lệ đúng lúc khi làm tốt.

Vậy nên, cùng với những yêu cầu đặt ra cho nghề giáo, đã đến lúc ngành giáo dục, mà cụ thể hơn là ban giám hiệu các trường cần quan tâm sâu sát và có những giải pháp để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, đồng hành cùng thầy cô vượt qua những khó khăn, áp lực trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là đang bào chữa cho các thầy, cô có cách cư xử lệch chuẩn, mà ngược lại, những hành vi sai phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo cần phải được lên án và xử lý thật nghiêm khắt để làm gương.

Một lần nữa phải khẳng định, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo là vô cùng quan trong trong sự nghiệp giáo dục. Vì thế, cùng với kiến thức chuyên môn, các thầy cô cũng cần được đào tạo các kỹ năng giải quyết tình huống, khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân để luôn giữ được sự ôn hòa trong mối quan hệ với các đồng nghiệp, quan hệ với học sinh và cả phụ huynh.

Có như vậy, nhà trường và gia đình mới có được sự phối hợp nhịp nhàng, sự kết nối mật thiết, cùng tạo ra môi trường phát triển tốt nhất cho học sinh.