Khát vọng xây dựng vùng cây giống và hoa kiểng mang tầm quốc gia

Được phê duyệt từ tháng 7/2022 với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng, sau khoảng 1 năm triển khai thực hiện, Đề án “Phát triển cây giống, hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia” đã ghi nhận những kết quả bước đầu...

Một buổi sáng tháng 8, cũng như bao ngày, chị Nguyễn Thị Thúy, ngụ tại ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thức dậy sớm để chuẩn bị ra vườn. Công việc quen thuộc của chị trong gần 30 năm qua là chăm sóc cho những cây giống trong vườn. Giữa tiếng cười nói của anh chị em tại địa phương, tay chị thoăn thoắt vô bầu đất cho cây, chuẩn bị cung ứng ra thị trường.

Từ 2 công đất trong những ngày đầu gắn bó với công việc này, sau một khoảng thời gian làm lụng, có dư, chị Thúy tích góp và phát triển diện tích trồng cây giống lên thành 5 công, luân phiên ươm trồng sầu riêng, mít, chôm chôm, vú sữa. Đến khoảng thời gian cận Tết, chị lại tranh thủ trồng thêm cúc mâm xôi, vạn thọ để bán: Mấy năm nay thì cũng đỡ hơn lúc trước. Lúc trước thì cây không có giá. Mấy năm nay cây có giá, bán rộng ra. Hồi đó thì người ta chỉ mua để trồng ở gần đây thôi, còn giờ thì thương lái mua đưa ra tới vùng khác. Thương lái ở Cái Mơn, Tiền Giang, ở Cần Thơ cũng có.

Chị Thúy chia sẻ, để có được cây giống đưa ra thị trường thì trước hết là bước ươm hạt giống, rồi khi cây mọc lên thì đưa cây xuống đất. Sầu riêng thì trồng khoảng 2 năm, mít trồng khoảng 1 năm là có thể mang đi ghép. Sau khi ghép cây khoảng 1-2 tháng (hoặc hơn – tùy loại cây) thì có thể bán cho thương lái. Gần đây, cây sầu riêng giống bán cho thương lái có giá khoảng 80.000 – 90.000 đồng/cây (tới tay người trồng khoảng 100.000 đồng/cây), mít thì giá khoảng mười mấy ngàn đến 20.000 đồng/cây, mít ruột đỏ có thời điểm giá cây giống lên tới hơn 30.000 đồng/cây. Giá cả cũng biến động tùy thời điểm...

Vườn ươm cây giống sầu riêng

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Từ năm 2005, huyện Chợ Lách đã đạt kỷ lục là nơi sản xuất cây giống, cây ăn quả. Từ đó đến nay, quy mô sản xuất liên tục tăng, nhiều nhất là vào thời điểm hạn mặn năm 2019 – 2020. Tình hạn hạn mặn năm đó khiến cây ăn trái không thể phát triển, người dân mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất cây giống và hoa kiểng...

Số liệu thống kê đến cuối năm 2022 cho thấy diện tích sản xuất cây giống trên địa bàn huyện tăng đáng kể. Hiện nay, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 8.000 hộ sản xuất cây giống trên diện tích 3.500ha. Sản lượng cây giống hiện nay là 58 triệu cây giống/năm.

Nói về Đề án đang được tỉnh nhà triển khai nhằm nâng chất cho các sản phẩm cây giống, hoa kiểng và tiếp tục phát triển nghề truyền thống tại địa phương, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết: Đề án của tỉnh cũng là đề án mà huyện đã xây dựng trước đó, xây dựng huyện Chợ Lách thành nơi sản xuất mang tầm quốc gia.

Chính về vậy, ở Chợ Lách cũng có Nghị quyết ban hành Đề án. Đề án này cùng Đề án của tỉnh chung mục tiêu: thứ nhất là làm sao sản xuất cây giống đạt chuẩn của Luật Trồng trọt và Nghị định 94; thứ hai là đảm bảo về chất lượng, số lượng và cung ứng cho thị trường cả nước; thứ ba là phải chuyển sang cơ sở dữ liệu số trong sản xuất giống; thứ tư là phải tổ chức festival cây giống và hoa kiểng ở Chợ Lách, Bến Tre mang tầm quốc gia.

Hiện nay, huyện Chợ Lách đã đạt được một số mục tiêu về vườn cây đầu dòng và đảm bảo một số quy định của Luật Trồng trọt. Sản lượng cây sản xuất ra đáp ứng được mục tiêu của Đề án, cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh ền Trung, Tây Nguyên, một số cây giống còn được chuyển ra đến các tỉnh phía Bắc.

Liên quan đến việc tích hợp dữ liệu, ứng dụng công nghệ số, huyện cũng đang thực hiện, tuy nhiên, cũng có một số khó khăn về nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng hạn mặn. Một vấn đề khác là những cơ sở phục vụ nghiên cứu, sản xuất cây giống còn thiếu thốn. Cần đầu tư trong những lĩnh vực này để phát triển Đề án đúng tầm quốc gia.

Được đổi tên từ Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp nhất với Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, hiện nay Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre được xem là đơn vị “chủ chốt” của tỉnh trong việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển thương hiệu cây giống địa phương. Đồng thời, Trung tâm cũng đóng vai trò đầu mối, phối hợp với UBND huyện Chợ Lách để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia”...

Vườn trồng hoa phục vụ tết tại Chợ Lách

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi về quá trình triển khai thực hiện Đề án cùng ông Nguyễn Quốc Trung – Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre.

PV: Xin chào ông Nguyễn Quốc Trung – Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre! Thưa ông, Đề án “Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia” được phê duyệt và triển khai thực hiện trong bối cảnh như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Trung: Từ chỗ đặc thù tỉnh Bến Tre cũng như huyện Chợ Lách là cái nôi sản xuất cây giống, truyền thống từ ông bà ngày xưa. Để làm đầu mối, kết nối giữa những người dân sản xuất và Nhà nước định hướng... Phát triển Đề án này để làm sao kết nối giữa người dân sản xuất và Nhà nước, để cho ra cây giống có chất lượng cao, cung cấp cho các tỉnh.

PV: Trong quá trình thực hiện Đề án này, sự quan tâm của người dân tại địa phương ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trung: Trong thời gian vừa rồi, Trung tâm đã tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn về Nghị định 94 về quản lý cây giống, được bà con nhiệt tình ủng hộ. Bây giờ có Nghị định 94 về công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, quản lý giống, xuất đi các tỉnh.

Muốn xuất đi tỉnh nào thì phải có chứng nhận của các cây này thì mới được nhập vào, cung cấp giống cho tỉnh đó. Người dân rất ủng hộ.

PV: Xét trên hai phương diện là giá trị kinh tế và giá trị thương hiệu cây giống, hoa kiểng tại địa phương, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Đề án này?

Ông Nguyễn Quốc Trung: Về giá trị kinh thế thì mình làm thế nào để sản xuất cây giống cung cấp cho các địa phương: cây giống đạt chuẩn, thuần... thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt cho người dân.

Thứ hai, mình sản xuất theo nhu cầu của các tỉnh, không để bị dư, không để bị ảnh hưởng đến kinh tế. Còn về giá trị thương hiệu, nói chung các hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp cũng đã quảng bá thương hiệu riêng.

Tuy nhiên, việc quảng bá này không có sự kiểm soát. Về phía cơ quan Nhà nước muốn có một kênh chính thống, kiểm soát nguồn gốc cây giống để đưa trên trang web, giới thiệu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp.

PV: Một số định hướng tiếp theo để có thể triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia” là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trung: Thứ nhất là tiếp tục gắn kết các doanh nghiệp, HTX. Thứ hai là thành một một phòng Lab để kiểm định tính thuần, độ sạch bệnh của cây, sản xuất một số cây cấy mô. Vừa qua, Trung tâm cũng đã sản xuất giống hoa cúc mâm xôi cấy mô.

Trung tâm cũng đã triển khai mô hình cho người dân trồng cho Tết sắp tới đây... Hướng lâu dài là phải kiểm định được độ thuần, sạch bệnh của cây. Một vấn đề nữa là gắn kết các hộ dân lại với nhau. 

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ cùng chương trình!