Hôm nay, ngày 29/4 2023, Bộ Giao thông văn tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hoa và tỉnh Bình Thuận chính thức tổ chức khánh thành và thông xe 02 dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Điểm cầu chính diễn ra tại Km0+00 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Điểm cầu còn lại diễn ra tại phía nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thuộc đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45.
Tham dự Lễ khánh thành cao tốc Dầu Giây Phan Thiết ( nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) có Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Đức Hải Phó chủ tịch Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đồng Nai.....
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc đưa 2 tuyến cao tốc vào khánh thành thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ của các địa phương mà còn của cả nước.
Phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà Nước dành dữ quan tâm để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều công trình quan trọng đang tích cực được đầu tư xây dựng để mở ra không gian phát triển cho nhiều địa phương, khu vực, góp phần tiết giảm chi phí logistics, tạo sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, ền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới và đặc biệt là giảm chi phí logistics.
Thủ tướng cho biết, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố; đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km. Việc đưa vào khai thác 2 dụ án với tổng chiều dài hơn 160 km; nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam lên 800 km.
Với 2 dự án Phan Thiết Dầu Giây và Mai Sơn quốc lộ 45 cũng như nhiều dự án khác trong quá trình thi công đã gặp rất nhiều khó khăn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung. Tuy nhiên, với nỗ lực lớn của mình thì ngành giao thông đã vượt nắng thắng mưa, vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là kinh nghiệm quý giá để có thêm động lực phấn đấu, hướng đến các mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Qua 2 dự án này, Thủ tướng đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Trong đó đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan.
Thủ tướng cũng chỉ rõ bài học kinh nghiệm không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp; lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ - mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.
Phải xác định rõ các khó khăn, vướng mắc ở đâu, ai giải quyết, thời hạn giải quyết, những vấn đề giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Dứt khoát không đùn đẩy trách nhiệm, không phải trách nhiệm của mình thì không xử lý.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết, với vai trò cầu nối giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ với khu kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối là rất quan trọng.
Lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo tiến độ dự án. Việc đưa cao tốc Phan Thiết Dấu Giây vào hoạt động là một sự kiện vô cùng ý nghĩa với chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận sẽ tập trung hoàn chỉnh quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 sớm trình Chính Phủ phê duyệt để khai thác tối đa tiềm năng của tỉnh, phát huy tối đa khả năng kết nối hạ tầng giao thông từ nhiều loại hình như đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt, đường hàng không.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5km, Đồng Nai dài 51,5km.
Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, xe cộ ở TP.HCM xuất phát tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông suốt đến TP Phan Thiết (Bình Thuận), rút ngắn thời gian dự kiến từ 4 giờ xuống còn 2 giờ.
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trong đó tỉnh Ninh Bình dài 14,35km, Thanh Hóa dài 49,02km. Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc mở rộng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Khi cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại phía Bắc được nối thông từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Thanh Hóa gồm các dự án thành phần Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn giữa Hà Nội - Bắc Giang và Pháp Vân - Cầu Giẽ có đoạn nối từ cầu Phù Đổng qua cầu Thanh Trì đến Pháp Vân, vành đai 3 Hà Nội), Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45.