Kẹt xe, không phải lý do để giành giật từng mét đường một cách thiếu văn hoá

Chỉ trong cùng 1 buổi chiều trên cùng 1 tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã xuất hiện 2 hình ảnh trái ngược về văn hóa giao thông. Đó là việc dòng xe tránh đường để xe cứu thương đi qua, ngược lại cũng có 1 số tài xế cố tình tháo dỡ dải p

 

Hàng trăm ô tô nhường đường cho xe cứu thương trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Trong chiều 1/12/2019 vừa qua, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây bị ùn xe nghiêm trọng theo hướng từ Đồng Nai đi TPHCM vì ảnh hưởng từ 1 vụ va chạm liên hoàn giữa 4 phương tiện. Chính trong vụ ùn tắc này đã xuất hiện 2 hình ảnh khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về văn hóa và cách ứng xử của các tài xế khi tham gia giao thông. Trong khi 2 hàng dài phương tiện đã tránh sang 2 bên để nhường lối đi cho 1 xe cứu thương kịp thời đưa người đến bệnh viện thì cách đó không xa, một nhóm tài xế lại tìm cách tháo gỡ dải phân cách giữa bằng tole hộ lan hòng tìm cách thoát thân.

Phóng viên VOVGT đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, đơn vị quản lý tuyến đường này:

PV: Thưa bà, về hành vi của một số tài xế tìm cách tháo gỡ dải phân cách giữa để tìm lối thoát khỏi tình trạng kẹt xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chiều ngày 1/12 vừa qua, đơn vị quản lý có ý kiến như thế nào về việc này? 

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương: Thay mặt đơn vị khai thác đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, chúng tôi có lời cảm ơn cộng đồng đã cùng lên án hành vi tháo dải phân cách giữa bằng tole hộ lan tại km 15+500 để quay đầu khi bị kẹt xe. Hành động này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông trên đường cao tốc.

Sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp này chúng tôi đã tiến hành kiểm tra hệ thống, vì là hệ thống thu phí kín nên chúng tôi có đầy đủ thông tin về các xe vào ra cũng như có hướng đi không hợp lý.

Sau khi xác định xong chúng tôi đã gửi thông tin cho cơ quan chức năng là Cục cảnh sát giao thông C08, họ cũng đã tiếp nhận xác nh và mời các tài xế liên quan lên làm việc. Sau khi hoàn tất sẽ thông báo rộng rãi về phương án xử lý các tài xế này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Đây là một trong những tình huống khi hiếm hoi xảy ra trên các đường cao tốc nước ta, nhưng nhiều người cũng lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu cho các hành vi tương tự. Chúng ta có chia sẻ gì và khuyến cáo ra sao dành cho các bác tài khi gặp ùn tắc giao thông? 

Một số lái xe tự ý tháo dỡ hộ lan để quay đầu xe trên cao tốc khi xảy ra ùn tắc chiều 1/12. Ảnh: FB

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương:  Dư luận rất lo ngại hành vi này sẽ xảy ra trong tương lai ở tất cả các tuyến cao tốc trong cả nước. Về phía đơn vị quản lý khai thác, chúng tôi thấy rằng, khi tai nạn xảy ra trên diện rộng và thời gian xử lý tai nạn kéo dài đương nhiên việc kẹt xe đường cao tốc sẽ xảy ra. Bởi vì, đường cao tốc không có lối rẽ.

Tuy nhiên, chúng tôi có số hotline luôn luôn tiếp nhận thông tin trong bất kì trường hợp nào. Đặc biệt là có xe cấp cứu trên tuyến cao tốc và bị kẹt xe. Chúng tôi tiếp nhận thông tin và chúng tôi sẽ có cách xử lý, chúng tôi có những điểm quay đầu như vậy. Việc mở dãy phân cách để quay đầu của trường hợp khẩn cấp cần có sự hướng dẫn của cảnh sát giao thông và lực lượng quản lý khai thác.

PV: Cũng trong buổi chiều hôm ấy và trên tuyến đường do đơn vị quản lý, ngoài việc một số tài xế tìm cách gỡ dải phân cách để thoát thân thì hàng trăm lái xe khác đã tránh đường cho 1 chiếc xe cứu thương kịp đưa người đến bệnh viện. Bà bình luận như thế nào về việc này?

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương:  Tôi thực sự ngưỡng mộ sự đoàn kết của các bác tài nói chung qua các hội nhóm trên mạng xã hội trong thời gian qua, thể hiện rõ nhất trong trường hợp nhường đường cho xe cứu thương vừa rồi. Trong tất cả các phương án dự phòng, chúng tôi đều có 1 phương án là nhường đường, rẽ hướng cho xe cứu thương để có biện pháp đi nhanh nhất

PV: Điều đáng nói, ngoài các tài xế tránh đường thì vẫn còn không ít người chiếm dụng làn đường khẩn cấp, nơi để các phương tiện di chuyển khi có việc khẩn cấp. Việc này đã tồn tại rất lâu nhưng chưa được xử lý rốt ráo đúng không thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương: Việc chiếm dụng làn đường khẩn cấp thật ra xảy ra rất nhiều và rất lâu rồi. Tuy nhiên, việc này gần như phụ thuộc vào ý thức của các bác tài. Lực lượng CSGT trên tuyến thường rất mỏng và số trường hợp bị bắt giữ và bị xử phạt do đi vào làn đường khẩn cấp rất ít và mang tính răn đe thấp; cho nên việc tuân thủ, đi vào làn đường khẩn cấp trên cao tốc phụ thuộc vào nhận thức, thái độ của các bạn lái xe trên đường.

Tuy nhiên, tôi cũng rất thông cảm với việc khi kẹt xe, giao thông rất hỗn loạn, các bác tài phải giành giựt nhau từng m2 trên đường cao tốc để đi. Từ bây giờ đến tết càng ngày xe cộ càng đông; như vậy, nguy cơ tai nạn càng cao do không giữ khoảng cách an toàn.

Rõ ràng, nếu xảy ra tai nạn, không chỉ đơn thuần thiệt hại về tài sản, về con người; mà còn thiệt hại về thời gian, nhiều thứ khác của xã hội. Cho nên chỉ bằng hành động nhỏ của mình là tuân thủ luật giao thông, các bác tài sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều đối tượng trong xã hội và rất là mong các bác tài ý thức về việc đó.

PV: Sau những vụ việc vừa rồi thì rõ ràng ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng dẫn đến cách hành xử khác nhau của các tài xế. Liệu chúng ta có nên tăng cường thêm các phương thức tuyên truyền cho các tài xế trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương: Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của tài xế là 1 trong những hoạt động rất là quan trọng trong hoạt động quản lý khai thác đường cao tốc cuả đơn vị. Trong các dịp lễ tết, các dịp cao điểm chúng tôi đều phát những tời rơi, phát những thông tin hướng dẫn hoặc là đơn thuần những bảng thông tin điện tử chúng tôi cũng thường thay đăn ví dụ như: “đã uống rượu bia thì không lái xe” hoặc là “đường đông xe lưu ý đi cẩn thận, giữ khoảng cách an toàn” vẫn luôn có những động thái như vậy về phía đơn vị quản lý đường cao tốc.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong muốn được hợp tác với các đơn vị báo đài, các đơn vị truyền thông để tác động đến ý thức của người lái xe

PV: Xin cám ơn bà!