Hơn 4.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm

VOVGT - Sáng nay (5/7), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban ATGT Quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBATGTQG cho rằng, tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra gây thương vong lớn.

Đáng lưu ý là một số vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra, trong đó đoàn tàu SE19 xảy ra 2 vụ tai nạn tại Thanh Hoá ngày 24/5 và Nghệ An ngày 30/6. Cũng theo Phó thủ tướng, tình trạng xe dù, bến cóc xu hướng gia tăng, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM diễn ra thường xuyên.

Theo báo cáo của UBATGTQG, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 9.000 vụ TNGT, làm chết 4.100 người, bị thương hơn 7.000 người. So với 6 tháng đầu năm 2017, TNGT giảm 594 vụ (giảm 6%), giảm 31 người chết, giảm 0,75%, giảm hơn 900 người bị thương (giảm 11%). Mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí, song vẫn còn 20 địa phương có số người chết tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 10 tỉnh tăng trên 20% như: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang…

Phân tích nguyên nhân các vụ TNGT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG cho rằng, phần lớn nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ… Đặc biệt, các vụ TNGT đường sắt gây bức xúc dư luận.

 

"Tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp, số người chết mới chỉ giảm 0,75% đặt ra trong khi vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt liên tiếp xảy ra những vụ TNGT vào cuối tháng 5", ông Khuất Việt Hùng nói.

Hình ảnh chiếc xe khách Đức Chính (Cty Việt Hưng, Hải Dương) nằm lật xuống đèo Lò Xo, ngày 16/6. Ảnh: Lao động

Tại hội nghị, một số ý kiến cũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, TNGT tuy đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song vẫn còn một số địa phương có số người chết tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, bên cạnh nguyên nhân từ ý thức của người điều khiển phương tiện không chấp hành luật lệ an toàn giao thông còn có nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống cơ sở hạ tầng. Điều này được thể hiện rõ qua vụ TNGT xảy ra tại đèo Lò Xo, tỉnh Kon Tum vào đầu tháng 3 vừa qua khiến 3 người chết và gần 20 người bị thương:

 

"Trong vụ Lò Xo, nếu làm hộ lan và đường lánh nạn, đâm vào dải phân cách thì cọc cũng đổ. Cái này phải nghiên cứu yếu tố kỹ thuật để tránh nạn cho các xe, nhưng không có ai chịu trách nhiệm chính. Tai nạn giảm thì vui, nhưng tăng thì không thấy trách nhiệm của ai. Do vậy phải làm rõ", Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đánh giá, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, nhất là tiêu chí giảm số người chết do TNGT. Ngoài ra, trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản.

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu UBATGTQG, các bộ, ngành, địa phương Chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm. Với các địa phương có tỷ lệ TNGT tăng cần kiểm tra, chấn chính kịp thời. Phó Thủ tướng nhấn mạnh:

 

"Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2018 và các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia; địa phương có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2018".

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an và các Bộ, ngành địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để làm tiền đề cho các văn bản quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải thời gian tới.