Hôm nay kết thúc 2,5 tháng lấy ý kiến Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Hôm nay (15/3) là ngày kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Sau 2 tháng rưỡi triển khai khẩn trương, nghiêm túc, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ảnh nh họa: VnEconomy

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến nay đã có hơn 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ.

Qua tổng hợp nội dung tại các hội nghị, hội thảo, phần lớn ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy định chung; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Một số ý kiến của người dân về lần lấy ý kiến dự thảo lần này:

"Xin ý kiến nhân dân như thế này là rất tốt, và phải thường xuyên làm như thế. Không chỉ luật đất đai mà còn với các dự thảo luật khác nữa. Bởi vì người dân mới là chủ thể thực hiện các luật đấy. Mình xin ý kiến của nhân dân có nghĩa là mình sẽ tạo được sự đồng thuận tốt".

"Vì tính chất đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai, nhân dân rất quan tâm đến dự thảo luật này. Vì giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, mà chết vì đất. Với tính chất cấp bách của quan trọng đó, tôi tin rằng Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những ý kiến của nhân dân vì luật này liên quan đến mọi người dân và đến sự phát triển lâu dài của đất nước".

Tính đến nay, toàn bộ 63/63 hệ thống MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của MTTQ trong tham gia xây dựng pháp luật, đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân trong việc cùng Nhà nước ban hành dự án luật quan trọng này. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, PCT Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết:

"Sự tham gia của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo luật Đất đai lần này rất phong phú, rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Còn riêng đối với Mặt trận Trung ương, Ban Thường trực và các Hội đồng tư vấn chúng tôi tổ chức 14 hội nghị. Cùng với Hội nghị của 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức. Đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý hết sức sâu rộng và có ý nghĩa trong các tầng lớp nhân dân".

Không chỉ những hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức sôi nổi mà thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các phương tiện thông tin đại chúng, việc góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được tiến hành nghiêm túc, bài bản.

Tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một trong những kênh tiếp nhận góp ý văn bản góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đến thời điểm này, đã nhận được hơn 2 nghìn ý kiến đóng góp. Cán bộ tại bộ phận tiếp nhận đã làm việc thêm giờ để đảm bảo không bỏ sót góp ý nào của người dân. Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ cho biết:

"Một cuộc hội thảo, tọa đàm có thể 10-12 ý kiến. Nhưng ở đây chúng tôi thông qua các hình thức đa phương tiện, các nền tảng thì khoảng 1 nghìn 800 những ý kiến có trí tuệ. Đây là những trí tuệ của nhân dân đóng góp để làm sao xây dựng được luật, để thực sự là một luật của ý Đảng lòng dân".

Ngoài góp ý trực tiếp, trực tuyến, người dân còn góp ý qua hình thức văn bản. Có thể nói, đợt lấy ý kiến này đã thực tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu quan điểm:

"Tổ chức xin ý kiến của nhân dân đã triển khai khám sát tinh thần của nghị quyết, tổ chức hết sức nghiêm túc khoa học kỹ lưỡng, nhiều hình thức phong phú, mỗi địa phương có một cách thức làm khác nhau nhưng đã tập trung được các đối tượng để xin ý kiến cho dự án luật".

Dựa trên những ý kiến góp ý, tổ biên tập dự án sẽ nghiên cứu giải trình tiếp thu chỉnh lý để hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật trước ngày 27/3; trình chính phủ báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo luật đã được chỉnh lý hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4; báo cáo chính phủ để trình UBTVQH trước ngày 5/4.

Trên cơ sở đó, Bộ TNMT sẽ tham mưu cho chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo UBTVQH để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 trước ngày 25/4/2023.