Hoa sữa đã về trên phố

Gió heo may về mang theo hương hoa sữa vấn vít lòng người. Hoa sữa điểm tô phố phường bằng màu trắng trong thanh khiết, mong manh. Hoa hứa hẹn một mùa yêu thương, hạnh phúc chớm nở, bắt đầu…

Hoa sữa bắt đầu nở rộ trên khắp nẻo đường Hà Nội (Ảnh: @sonn.solo)

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Một đêm Hà Nội trở gió, người ta bất chợt tỉnh giấc vì một thứ hương hoa nồng nàn, len lỏi tận cửa phòng. Thế là, hoa sữa đã về trên phố…

Dường như mùa thu Hà Nội được nhắc nhớ nhiều hơn bởi hoa sữa. Rải rác hay tập trung trên nhiều con phố, những cây hoa sữa chỉ nở một lần trong năm mang đến cho người Hà Nội xúc cảm lẫn lộn:

“Với mình, hoa sữa ít thì sẽ khá là thơm nhưng mà nhiều quá thì mùi bị đắng, ngửi lâu sẽ hơi khó chịu”

“Thực ra mùi hoa sữa, nhiều người cho là hơi hăng hắc nhưng mình cảm thấy rất là thích. Nó có nét rất riêng, đánh thức nhiều giác quan và làm cho người ta nhớ về nó rất lâu”

“Nói đến mùa thu Hà Nội, nói đến hương hoa sữa thì từ lâu nó đã rất thu hút, khiến người ta phải để ý đến. Hoa sữa mùa thu Hà Nội vẫn có cái gì đó làm ta bồi hồi, xúc động bởi hoa sữa đã đi theo năm tháng và đi vào thơ ca, văn học, âm nhạc, trở thành một đề tài rất lãng mạn, nên thơ…”

Ảnh: Đào Xuân Ba Vì

Không rõ từ bao giờ, hoa sữa đã là một phần làm nên nét thanh lịch Thủ đô, làm nên nỗi nhớ đeo đẳng người con xa xứ. Loài hoa ấy khiến người ta bâng khuâng và day dứt mỗi khi nghĩ về Hà Nội, về một thành phố thấm đẫm hương hoa mỗi độ thu về. Trong run rẩy gió heo may và thơm nồng hoa sữa, ta đi trong mùa thu Hà Nội, đi trong xao xác cánh hoa rơi. 

Ai đã mang loài hoa mùa thu ấy đến Hà Nội? Câu hỏi ấy được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lý giải.

“Người Pháp trồng cây hoa sữa đầu tiên ở phố Quán Thánh. Người ta thấy cây hoa sữa này thân cao, lá tạo ra bóng mát để che cho người đi đường vào mùa hè gay gắt ở ền Bắc nên những năm tiếp theo, hoa sữa được trồng ở các phố như Nguyễn Du và một vài con phố khác.

Và vì thân cây này có nhiều mấu xù xì nên dân gian thường gọi là cây hoa vú trâu. Đầu thế kỷ 20, hoa sữa được trồng rất thưa, cây nọ cách cây kia khoảng 10 - 15m. Vì thế vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hương hoa nở chỉ thoang thoảng, không gay gắt.

Từ lâu, hoa sữa đã trở thành loại cây khá đặc trưng cho đô thị Hà Nội. Vì thế rất nhiều bài thơ, ca khúc về hoa sữa xuất hiện”.

Ở Hà Nội, hầu như phố nào cũng trồng vài cây hoa sữa, nhưng phố Nguyễn Du là nơi thường được nhắc tới mỗi khi nghĩ về loài hoa này. Gắn bó với Hà thành hơn 70 năm tuổi, cũng gắn bó với hương hoa sữa trên phố chừng ấy năm, cụ Từ vẫn không thôi xao xuyến mỗi dịp thu về:

“Riêng mùa thu Hà Nội chỉ có cái đặc biệt nhất là hoa sữa. Con mà đi tất cả các phố, chỉ có đến Nguyễn Du con sẽ thấy hoa sữa nó đẹp như thế nào. Hương hoa sữa dễ chịu, thoang thoảng, không phải là hắc cũng không phải là nhạt. Xem, nghe nó rất thoải mái. Đi đến đường hoa sữa thì thấy hương vị khắc hẳn lên”.

Ảnh: Đào Xuân Ba Vì

Vậy là phố Nguyễn Du, con đường mang tên một thi nhân lừng danh đất Việt đã vô tình hay hữu ý trở thành biểu tượng đường hoa sữa của Hà thành. Hình ảnh con đường, hoa sữa, mặt hồ và mùa thu ấy đã làm nên chất lãng mạn trong bài thơ “Im lặng đêm Hà Nội” của nữ thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên: 

"Thật ra bài này chị làm lâu lắm rồi, từ khi chị ra Hà Nội 1, 2 lần đầu tiên, khoảng năm 87 thì phải. Nhớ lần đó ra HN thấy cây hoa ở trên cao, có một người bạn của chị đi cùng mới trèo lên hái cho chị một cành. Chị cực kỳ vui, lấy đem về khách sạn La Thành, cắm trong cái cốc.

Nửa đêm mùi hoa nồng đến độ như đưa mình chìm vào ảo giác. Lúc ấy bật người dậy, mở hết cửa sổ ra thì cả không gian sương mù tràn vào. Mùi hoa sữa nó ám ảnh kinh khủng. Đó cũng là thời điểm chị làm ra bài thơ ấy. 

Bài thơ về sau được anh Phú Quang phổ nhạc. Nhạc sĩ tâm sự khi anh đọc đến câu cuối cùng “Im lặng đến tê người” thì sững sờ luôn. Anh bảo giống hệt như anh khi ở Sài Gòn nhớ về Hà Nội, ngửi thấy mùi hoa sữa thì anh cũng im lặng đến tê người. Nó có cái đồng cảm như vậy.

Và anh ấy sáng tác dựa trên bài thơ của chị mà không sửa một chữ nào cả. Bài hát ấy may mắn được dân Hà Nội thích. Nó cũng trở thành một giai thoại là mỗi khi ra Hà Nội, mọi người không gọi tên mình là Ngọc Liên nữa mà gọi là: “tê người” đến kia kìa”.

Với mỗi người, mùa hoa sữa về lại mang theo những cảm xúc riêng. Có người kén mùi hoa sữa bởi hương hoa không thanh nhẹ mà đặc quánh, nồng nàn. Còn những kẻ yêu nhau thường ít nhiều vương vít vào mối tình của mình chút hương hoa sữa và nói với nhau những lời tình tứ. 

Người ta gọi hoa sữa là loài hoa của những câu chuyện kể, của những mối tình dang dở, của những vị ngọt đầu đời khó quên, và cả những nỗi đau âm ỉ mang theo suốt cuộc đời:

“Hoa sữa của Hà Nội làm mình liên tưởng đến những kỷ niệm rất là đẹp. Đi dưới hoa trắng rơi cùng với hương thơm của nó tạo nên chút gì đó thanh lịch, lãng mạn và nhớ về ký ức của tuổi thơ”. 

“Hoa sữa đem lại một kỷ niệm rất đáng yêu của Hà Nội. Lúc ấy chị cũng có tình cảm với một bạn ở Hà Nội. Chính anh ấy là người đã nhặt hoa sữa tặng cho chị. Nhưng mối quan hệ ấy không kéo dài. Thời điểm sáng tác bài thơ ấy thì chị và anh ấy đã chia tay rồi. Lúc 3 giờ sáng ngửi thấy mùi hoa sữa thì tự nhiên kỷ niệm tràn về. Và mình làm bài đó rất nhanh, mình nhớ là chỉ trong khoảng 10 phút…”

Cứ lãng du vô định, hương hoa sữa hồn nhiên đi vào cuộc tình và là một nhân chứng đặc biệt với không ít những kẻ đang yêu, đã yêu và sẽ yêu. Cây và hoa thì bất động, nhưng hương lại theo gió vương trên tóc người qua đường, phả vào gió, phả vào tâm can của người Hà Nội, khó thể nào quên…

Ảnh: Tạp chí Người Hà Nội

SỐNG Ở HÀ NỘI

Mùa thu Hà Nội hôm nay có chút khác những mùa thu đã qua. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết thu Hà Nội như nóng hơn. Không khí ô nhiễm làm trời thu không còn “xanh thắm bầu trời người Hà Nội”. Dù thay đổi, nhưng mùa thu Hà Nội vẫn làm xao xuyến tâm hồn người đi xa và cả người ở lại phố.

Một ngày ra đường, phố thoang thoảng mùi hoa sữa, qua Hồ Gươm, Hồ Tây buổi sớm, cảm nhận một chút heo may, và nhìn trên rổ hoa của các chị đứng ở những điểm checkin ánh lên mầu vàng là biết mùa thu đã về.

Xưa, để nói về vòng quay tự nhiên của bốn mùa  trong năm, cổ nhân đã tổng kết: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu hoàng, đông tàn” tức là vạn vật bắt đầu từ mùa xuân, cỏ cây  đâm chồi nảy lộc;  mùa hè thời tiết  nóng ẩm vạn vật phát triển,  cây cối xanh mướt trong kẽ lá đã  đơm trái; mùa thu là thu hoạch hái quả  và mùa  đông khí hậu lạnh lẽo, cây rụng lá chờ xuân để hồi sinh.

Mùa thu có tết Trùng cửu (ngày mồng  9 tháng 9 Âm lịch), các Nho sĩ lên núi uống rượu hoàng hoa tửu, ngâm thơ bình văn. Mùa thu khí hậu mát mẻ, chim chóc làm tổ, nhà nhà  tổ chức cưới hỏi cho con trai, con gái, cỗ bàn linh đình mà không sợ ôi thiu. Đặc biệt mùa này có tết Trung thu, cái tết dành riêng cho con trẻ, từ phố thị đến làng quê. 

Mùa thu không của riêng Hà Nội, nó là mùa của cả một ền khí hậu phía  Bắc nhưng mùa  thu Hà Nội có những khác biệt mà nhiều vùng ền không có. Tháng 8-1945, tại Nhà hát lớn, từ buổi  mít tinh đã biến thành cuộc cách mạng cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật. Và ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình đã diễn ra mọt sự kiện vô  cùng đặc biệt và quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ảnh: VOV

Và mùa thu năm 1945 được gọi là mùa thu lịch sử. Tết trung thu ở đâu cũng có nhưng không đâu bán nhiều đồ chơi cổ truyền như Hà Nội. Phố Hàng Mã bán các loại đồ chơi cổ truyền đủ mầu sắc như: mặt nạ chú Tễu, đèn ông sao, đèn cù, đèn  cá chép, đèn con bướm…

Đầu thế kỷ 20, phố Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Gai  còn có các món đồ chơi bằng  sắt tây lạ và  độc đáo. Trước tết Trung thu, phố Hàng Đường, ngoài bán bánh nướng,  bánh dẻo còn bán  các con giống bằng  bột nếp có thể  ăn được, lại bán cả  con chó làm bằng tép  bưởi, đèn bằng vỏ quả dưa hấu.

Đêm Trung thu nhà nhà bầy mâm cỗ trông trăng trên sân thượng hay vỉa hè, khi trăng tròn thì phá  cỗ, sau đó trẻ con lập thành từng nhóm rước đèn, đeo mặt nạ diễu quanh phố trong ánh sáng rực của xâu hạt bưởi cháy thơm mùi tinh dầu. Rồi tiếng trống tùng tùng, chũm chọe xoèng xoèng  của các đội múa lân cuốn hút trẻ con đi theo tạo nên không khí hoan lạc.

Những ai từng sống ở Hà Nội khi đi xa thường nhớ về mùa thu. Trong bài thơ “Đất nước” nhà  thơ Nguyễn Đình Thi viết khi ông đang ở chiến khu Việt Bắc: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/Gió thổi mùa thu hương cốm mới/Tôi nhớ những ngày thu đã xa/Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may”.

Ca khúc “Nhớ mùa  thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh  Công Sơn là bức tranh tuyệt đẹp “Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng,cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thơm nâu/Hà Nội mùa thu,mùa thu Hà Nội/Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ…”

Mùa thu Hà Nội hôm nay có chút khác những mùa thu đã qua. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết thu Hà Nội như nóng hơn. Không khí ô nhiễm làm trời thu không còn “xanh thắm bầu trời người Hà Nội”. Dù thay đổi, nhưng mùa thu Hà Nội  vẫn làm xao xuyến tâm hồn người đi xa và cả người ở lại phố.

Ảnh: Kinh tế đô thị

TIN YÊU

- Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), UBND TP Hà Nội dự kiến tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề 'Hà Nội và những cửa ô'. Thời gian tổ chức dự kiến vào ngày 9/10/2024; địa điểm tổ chức trưng bày và khai mạc tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

- Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt tổ chức sự kiện 'Đi xe đạp cùng áo dài kết nối di sản Hà Nội lần thứ 2' qua các tuyến phố, những điểm di tích lịch sử - di sản của Hà Nội.

- Với chủ đề 'Thu Hà Nội - mùa thu lịch sử', Festival hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc đáo, quảng bá vẻ đẹp của những danh thắng, di tích và di sản văn hóa nổi bật của Hà Nội. Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 được tổ chức, diễn ra từ ngày 12 - 15.9, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

- Từ nay đến năm 2026, Hà Nội sẽ hoàn thành thiết lập hồ sơ quản lý, số hóa 3D biệt thự Pháp thuộc nhóm 1, đồng thời xây dựng phần mềm quản lý nhà biệt thự Pháp trên địa bàn.