Hiện tượng bạo hành như ở Mái ấm Hoa Hồng không phải là hiếm gặp?

Ngay trong ngày bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh bạo hành bé hơn 6 tháng tuổi bị tuyên án tù chung thân thì cũng là lúc hình ảnh ngược đãi, bạo hành trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, quận 12 tiếp tục được phơi bày, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ, bức xúc.

Việt Nam có 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, nhưng tại sao những vụ việc đau lòng như vậy diễn ra âm thầm và ngày càng nghiêm trọng?

Sáng 4/9, chị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) đang bắt đầu một ngày mới thì nhận được chia sẻ hình ảnh, clip về vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng từ một người bạn.

Chị Mai cho rằng, không chỉ mình chị, mà nhiều người sẽ không đủ kiên nhẫn để xem hết đoạn clip: “Thật sự mà nói, không thể kìm được nước mắt. Sau đó, mình đưa cho một vài người bạn xem. Trong đó, một vài cậu thanh niên, vừa nhìn qua vài giây cũng quay mặt đi, vài người khóc”.

Mái ấm Hoa Hồng (Q.12, TP.HCM) nơi xảy ra các vụ bạo hành trẻ (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Là người thường xuyên đến các Mái ấm để chăm sóc trẻ và thực hiện hoạt động thiện nguyện, chị Mai nói, hiện tượng xảy ra ở Mái ấm Hoa hồng không phải là hiếm gặp mà diễn ra khá phổ biến, nhưng “nhẹ” hơn:

“Tình trạng bạo hành khi có nhà hảo tâm đến có thể là nhẹ hơn, các bảo mẫu có đánh, nạt nộ, la lối, thậm chí đút cho các con ăn một cách bạo lực, tôi nhìn thấy rất nhiều lần. Mình tự hỏi rằng, tại sao có tình trạng này xảy ra mà chính quyền địa phương không biết? Sự quản lý của chính quyền địa phương ở đâu? Khi chuyện xảy ra, địa phương đã có sự vào cuộc nhanh. Nhưng đợi sự việc xảy ra rồi mới đi giải quyết vấn đề, như vậy các bé đã có quá trình bị bạo hành quá lâu rồi”. 

Ngay trong chiều 4/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Công an TP.HCM và các cơ quan chức năng họp báo thông tin về việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, quận 12, bị bạo hành.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: “Vụ việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng ở quận 12 bị bạo hành là rất nghiêm trọng, đáng tiếc; những tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý nghiêm. Mái ấm Hoa Hồng được nhận tối đa 39 trẻ nhưng đã tiếp nhận 85 trẻ, trong đó có 15 trẻ sơ sinh (dưới một tuổi) chưa đầy đủ giấy tờ. Cơ sở do quận 12 cấp phép nên việc tiếp nhận này do cơ sở chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương. Hiện nay tổ công tác chúng tôi đang phối hợp cùng địa phương xác nh lần lượt từng trẻ”.

Ngay trong ngày 4/9, cán bộ Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn đã hỗ trợ đưa trẻ về các cơ sở bảo trợ công lập. Trong đó, Trung nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp: 15 trẻ sơ sinh; Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình: 34 trẻ và Làng thiếu niên Thủ Đức: 36 trẻ (Ảnh: tphcm.chinhphu.vn)

Hiện toàn bộ 85 trẻ em đã được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội công lập là Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp nhằm bảo vệ, ổn định tinh thần cho các bé.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời là cần thiết nhưng đáng tiếc, đây không phải là vụ việc mới, không phải lần đầu phát hiện. Trước đây, các vụ bạo hành ở các Mái ấm, cơ sở chăm sóc trẻ, nhà trẻ, ... đã từng xảy ra và làm cho cộng đồng rúng động.

Bởi vậy, quan trọng hơn là cần những giải pháp toàn diện và lâu dài: “Những em bé bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng là những em bé hoàn toàn không có sức phản kháng, nên thực sự ai cũng rất đau lòng. Chúng ta đều biết nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật và dễ bị tổn thương là công việc khó khăn. Đây không chỉ là việc từ thiện, từ tâm, ai cũng làm được mà còn là công việc xã hội chuyên nghiệp đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ chuẩn mực, chuyên nghiệp”.

Bà Linh nhấn mạnh, những người chăm sóc trẻ cần có kiến thức về quyền trẻ em, các phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc và cả kỷ luật tích cực với trẻ. Cần hiểu rằng mọi hình thức đánh, mắng là vi phạm quyền trẻ em và vi phạm pháp luật.

Bà Linh mong muốn đây là hồi chuông cảnh tỉnh để cơ quan chức năng có những hành động ráo riết hơn trong việc củng cố quản lý, nâng cao năng lực làm việc chuyên nghiệp và tăng cường giám sát tại các mái ấm, nhà mở, các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ... nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của trẻ.