Hậu Giang: Nhà máy đường đóng cửa, người trồng mía lao đao

Mới đây, đại hội cổ đông của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đã thống nhất đóng cửa nhà máy Phụng Hiệp trong vụ ép 2023-2024 do gặp khó khăn về nguyên liệu. Thực tế này khiến nhiều nông dân trồng tại Hậu Giang bị ảnh hưởng.

Từng là loại cây trồng chủ lực của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, thế nhưng, thời gian gần đây, giá mía bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến nhiều bà con không còn mặn mà với cây mía mà chuyển sang sản xuất cây ăn trái nhằm cải thiện thu nhập. Hộ còn giữ nghề thì ưu tiên bán mía chục thay vì bán cho nhà máy. Vậy, việc đóng cửa nhà máy Phụng Hiệp trong vụ ép 2023-2024 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống bà con trồng mía tại đây?

Theo thống kê, trong niên vụ mía 2022-2023, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được hơn 3.285ha đạt 102,68% kế hoạch là 3.200 ha, giảm hơn 14% so với cùng kỳ (tập trung tại huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy). Hiện tại bà con mới thu hoạch được khoảng 1.900ha để bán mía chục cho thương lái, với năng suất bình quân đạt khoảng 105 tấn/ha.

Tuy nhiên, năm nay giá mía có chiều hướng giảm mạnh do thời tiết bất lợi, mưa nhiều dẫn đến ngập nước. Đặc biệt là thông tin tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp trong vụ ép mía 2023-2024 đã dẫn đến tình trạng khó khăn cho nông dân trong việc tìm nơi tiêu thụ mía sắp tới. Ngoài ra, giá phân bón tăng cao, trong khi giá mía giảm mạnh do vậy người trồng mía không có lời hoặc lời meo.

Ông Trương Văn Hiền, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho hay: Giá mía hơi thấp. Bây giờ người ta mua từ 1000-1.200 đồng/kg. Đám mía của mình vậy, một số ép nước mía, một số thì họ chạy đường. HTX của xã Hiệp Hưng thì khoảng 50-60 ha. Hiện còn 25ha trồng mía, hộ trồng mía, HTX vẫn còn y nguyên nhưng người ta thay đổi trồng ít lại, có hộ vẫn còn trồng mía nhưng có hộ thay đổi qua chanh, cam,....

Lỗ nặng, nhà máy đường Hậu Giang đóng cửa (ảnh: vietnamnet.vn)

Niên vụ mía 2023-2024 toàn vùng nguyên liệu của CASUCO (bao gồm tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang) xuống giống được hơn 1.500 ha. Đa phần bà con trồng và chăm sóc theo hướng bán mía với khoảng 820 ha. Bán mía nguyên liệu để sản xuất đường là 739 ha.

Tuy nhiên, theo thống kê điều tra của CASUCO đến ngày 20/10 vừa qua, toàn vùng đã thu hoạch được 791 ha (trong đó mía chục đã thu hoạch 516 ha, mía nguyên liệu thu hoạch 275 ha). Mặc dù hiện tại chưa có Nhà máy đường nào trong vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ khởi vụ sản xuất, nhưng lượng mía nguyên liệu thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang (vùng nguyên liệu truyền thống, trọng điểm của CASUCO) đã thu hoạch và chuyển sang bán mía chục là 275 ha (chiếm hơn 37% diện tích mía nguyên liệu) tỷ lệ này là rất lớn.

Như vậy, đến ngày 20/10/2023, tổng diện tích mía còn lại toàn vùng nguyên liệu là 768 ha. Lượng mía nguyên liệu bị tác động tiêu thụ bởi mía chục, ngoài ra còn bị thương lái tranh mua mía đưa đi Long An - Tây Ninh cho các Nhà máy Đông Nam bộ, nên sản lượng mía cung cấp cho Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ không đáp ứng được công suất hàng ngày (2.300-2.500 tấn mía/ngày) và duy trì hoạt động ổn định trong suốt mùa vụ.

Vấn đề này đã xảy ra trong niên vụ mía 2022-2023 vừa qua, Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ huy động được hơn 14.500 tấn mía xô và hoạt động trong thời gian 6,7 ngày, trong khi chờ mía đầu vụ sản xuất là 20 ngày (trước khi khởi vụ) và dừng chờ mía trong giai đoạn sản xuất 2 lần với thời gian 19,5 ngày. Sự khó khăn về nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu sản xuất nêu trên đã gây thiệt hại lớn cho đơn vị.

Từ những nguyên nhân này, Hội đồng quản trị đã trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về hoạt động sản xuất kinh doanh niên vụ 2023 - 2024 của Nhà máy đường Phụng Hiệp và được Đại hội đồng cổ đông quyết nghị thông qua theo Nghị quyết tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp 01 vụ mía 2023-2024.

Phóng viên VOV Giao thông đã trực tiếp liên hệ với ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco và được ông Chung thông tin: Tạm dừng sản xuất vụ này vì theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản thì Đại hội đồng cổ đông đã biểu quyết dừng vụ 2023-2024 để xây dựng vùng nguyên liệu phát triển cho vụ 2024-2025, cho năm sau vì tình hình mía còn lại quá ít, bà con nông dân thì bẻ kèo. Năm rồi kế hoạch lúc đầu 80-100.000 tấn nhưng nhà máy chỉ mua được có 14.000 tấn mía thôi. Năm nay, tới thời điểm này, diện tích mía nguyên liệu còn 450.000 ha, là tương đương 50.000 tấn. Như vậy thì nhà máy sẽ không hoạt động được.

Ở nhiều tỉnh ở ĐBSCL, nông dân không còn mặn mà với cây mía, điều này kéo theo diện tích mía đang thu hẹp, số nhà máy đường còn hoạt động ít dần. Một số bà con cho biết, nếu như tới đây, giá mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy không cải thiện thì họ tiếp tục bỏ mía, hoặc tiếp tục sản xuất theo dạng bán mía chục do dễ tiêu thụ …

Tuy nhiên, đây là cái lợi trước mắt, nếu nhìn tổng thể và sâu xa hơn thì quan trọng phải có sự liên kết chặt chẽ và có sự ràng buộc hẳn hoi. Điều quan trọng, nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, hình thành những người nông dân chuyên nghiệp để kéo giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và cũng rất cần giải pháp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương để gỡ khó cho ngành mía đường. GS.TS Võ Tòng Xuân, nêu quan điểm:

GS.TS Võ Tòng Xuân: Sản xuất manh mún không bao giờ giàu được, mà sản xuất phải sản xuất lớn, bằng cách mình cùng hợp tác với nhau trong HTX và HTX phải liên kết với đầu ra tức là các doanh nghiệp thì có như vậy chúng ta mới thực hiện được nghị quyết 120 của Chính phủ và đồng thời chúng ta mới thực hiện được ước mơ của tất cả người Việt Nam mình là thành phần nông dân phải là thành phần giàu, thì tôi nghĩ vấn đề mía đường của Việt Nam chúng ta giải quyết thì giải quyết tận cái gốc nó như thế, chứ không thể nào chúng ta giải quyết bằng cái ngọn là cứ bảo hộ, cứ bảo hộ mà dưới này tiếp tục lè ra, không cạnh tranh được.

Có thể thấy, vì thu nhập nên bà con phần lớn bán mía chục thay vì bán cho nhà máy sau nhiều năm lỗ lã là điều dễ hiểu. Nhưng hướng đi này lại vô tình đã phá vỡ mối liên kết hàng chục năm nay giữa nông dân và doanh nghiệp. Và việc tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp 01 vụ mía 2023-2024 là hệ quả tất yếu, được dự báo trước.

Giá mía bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến nhiều bà con không còn mặn mà với cây mía

Sau thông tin nhà máy đường trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ngưng sản xuất vụ ép mía sắp tới thì ngay lập tức rộ lên chuyện thương lái cũng tiến hành giảm giá thu mua mía chục tại địa phương. Thực hư câu chuyện này như thế nào? Ngành nông nghiệp địa phương có giải pháp gì để phát triển ổn định cây mía, đảm bảo đầu ra cho nông dân?

Phóng viên Mekong FM đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp về vấn đề này:

PV: Thưa ông, việc nhà máy đường trên địa bàn tạm dừng hoạt động trong vụ ép 2023-2024 đã ảnh hưởng như thế nào đối với bà con trồng mía trên địa bàn?

Nói chung thì những năm tới ít ảnh hưởng nhưng hiện tại thì có ảnh hưởng một chút. Lí do là hiện nay mía trên địa bàn huyện còn khoảng trên dưới 1000ha. 1000 ha này nếu nhà máy đường không công bố nghị quyết không mua, thương lái vẫn tiêu thụ bình thường. Thương lái người ta đã bỏ cọc rồi, đã đặt cọc rồi, thương lái mua mía chục.

Khi mà nhà máy đường công bố cái nghị quyết đó thì thương lái biết là không còn ai cạnh tranh nữa cho nên bắt đầu người ta làm giá. Người ta nói nông dân phải hạ giá xuống. Trước đây, người ta đặt cọc là 1.800 nhưng mà bây giờ hạ giá xuống còn có 1.400, 1.100, 1.200 thôi. Trường hợp này hơi khó khăn cho người nông dân một tí. Nhưng mà 1.100, 1.200,…nông dân vẫn có lời. Li do là người ta bán mía chục, đầu vô của mía chục nó chỉ có khoảng 500 đồng/kg thôi. Nông dân đang khó khăn thời điểm này.

PV: Được biết định hướng của ngành nông nghiệp Phụng Hiệp là sẽ tính toán thu hẹp diện tích để cây mía phát triển ổn định. Cụ thể như thế nào ạ?

Chúng tôi đã quy hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ lận, tức là 2021 đã quy hoạch, có nghị quyết của Đảng ủy rồi là giảm từ đây tới năm 2025 thì diện tích mía mình còn khoảng 1500 -2000ha để phục vụ cho mía nước.

Nếu nhà máy đường chạy thì đó cũng là diện tích vùng nguyên liệu cho nhà máy đường. Bên nào mạnh thì dân người ta bán bên đó thôi. Còn bây giờ mà nhà máy ngưng mua luôn, ngưng hẳn luôn thì dân người ta vẫn trồng mía nhưng sẽ tính toán lại giá cả đối với thương lái mua mía chục.

PV: Khi bán mía chục, nông dân phụ thuộc thương lái nên dễ bị ép giá. Còn nếu bán trực tiếp cho người mua ép nước mía thì số lượng không nhiều. Ngành nông nghiệp huyện có giải pháp nào cho đầu ra cây mía của địa phương, thưa ông?

Có giải pháp là đề nghị tỉnh can thiệp vào ngành mía đường. Hiện nay, Sóc Trăng còn 1 nhà máy. Do đó, để nhà máy Sóc Trăng có mía chạy thì người ta lên Phụng Hiệp mua luôn, sẽ đảm bảo mía chạy đủ. Thì như vậy sẽ có sức cạnh tranh với lái ở Thành phố Hồ Chí Minh, thương lái không hạ giá với nông dân nữa.

PV: Cảm ơn ông với những thông tin vừa rồi.