Hậu Giang: Cần giải pháp khẩn cấp cho “vành đai lở” Châu Thành

Thời gian qua, huyện Châu Thành (Hậu Giang) liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông với tính chất, mức độ ngày càng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, kinh tế-xã hội của cả vùng và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đã đến lúc cần giải pháp căn cơ, toàn diện để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực "vành đai sạt lở” này.

Số liệu thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có 27 tuyến kênh nguy cơ sạt lở, sụt lún cao, với chiều dài 73.400m. Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vào mùa mưa.

Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ kênh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Trước tình hình này, địa phương đã vận động người dân trồng cây, làm kè để hạn chế sạt lở. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động bà con sống ven sông di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản.

Ông Nguyễn Thành Vấn, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nơi sạt lở đang rình rập cho biết, nếu sạt lở vào ba ngày có thể cảnh giác, phản ứng được trong trường hợp xảy ra vào ban đêm thì rất nguy hiểm:  "Gần đây coi như sạt lở hoài. Coi như cặp sông xáng, xa xa cũng có điểm sạt lở 20-25m. Sạt sụp bứt đường lộ luôn, nhà mình cặp mé sông, có nguy cơ sạt lở."

Sạt lở ở Hậu Giang đang diễn biến phức tạp

Báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện xảy ra 20 điểm sạt lở, sụt lún bờ kênh, với tổng chiều dài 522m, diện tích mất đất hơn 2.700m2, ước thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng. Để đảm bảo cho việc sản xuất cũng như điều kiện đi lại của người dân, huyện đã chi từ nguồn ngân sách gần 1,2 tỷ đồng khắc phục 18 điểm sạt lở, 2 điểm còn lại người dân tự khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, chia sẻ về nguyên nhân sạt lở và giải pháp mà địa phương đang tích cực triển khai: "Với ảnh hưởng thứ nhất do triều cường. Thứ 2 nữa là do dòng chảy. Thứ 3 nữa là địa chất huyện Châu Thành chúng ta tương đối yếu, việc sạt lở xảy ra rất là nhiều. Về giải pháp vận động, tuyên truyền người dân gia cố lại các nơi có nguy cơ sạt lở, kè sinh thái."

Trong bối cảnh sạt lở ngày càng gia tăng, trái với quy luật, việc thực hiện đề án di dời người dân ở các nơi có nguy cơ cao đến nơi ở an toàn là rất cần thiết.

Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Văn Hòa, ven sông Mái Dầm bị sạt lở làm ảnh hưởng một phần nên khi được địa phương di dời vào Khu dân cư vượt lũ xã Đông Phước, huyện Châu Thành khiến ông vui mừng vì không còn nơm nớp lo sợ mỗi đêm: "Nhà cất ven sông, cấp 4 đó. Sạt nửa căn đi xuống sông, ngay chân đầu doi, ngã 4 cầu Dừa, bứt xuống luôn mà rồi mình mới dỡ về."

Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 610m, diện tích mất đất gần 3.000m2, ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng đồng. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 21 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở giảm 375,46m, diện tích mất đất giảm hơn 2.500m2, ước thiệt hại giảm 123 triệu đồng. 

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, thông tin, kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng chống sạt lở sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ trên 10.000 hộ dân đến nơi ở an toàn giai đoạn 2021-2025. Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người dân đến nơi ở mới an toàn trong thời gian tới:

"Ở góc độ địa phương, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, kiểm tra các điểm xung yếu, cắm biển báo, tuyên truyền để người dân biết, tránh xa các điểm sạt lở. Khi thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, có hướng dời những tuyến đường này vào trong, giảm áp lực tải trọng bờ kênh để giảm nguy cơ sạt lở."

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2016 đến nay, ở ĐBSCL đã xuất hiện 779 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 1.100km. Đáng lo là mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng; nếu như trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm, ĐBSCL bị mất hơn 350ha đất. Dù còn rất nhiều khó khăn do số hộ cần di dời lớn trong khi nguồn kinh phí hạn chế nhưng các địa phương đã nỗ lực hết mình, tất cả vì sự an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản của người dân.

Hy vọng tình trạng sạt lở sẽ từng bước được cải thiện, người dân không còn nơm nớp lo sợ khi mùa mưa, bão về.