Hành trình của tấm huy chương

2023 là một năm đầy ấn tượng của các vận động viên (VĐV) Việt Nam với nhiều thành tích nổi bật như vị trí nhất toàn đoàn SEA Games 32, ĐT bóng đá nữ được “hít thở” bầu không khí World Cup, và đặc biệt là “cơn địa chấn” tại ASIAD 19 mang tên Phạm Quang Huy.

Tấm HCV lịch sử của xạ thủ sinh năm 1996 đã giúp bắn súng trở thành bộ môn duy nhất của thể thao Việt Nam cho đến nay đã sưu tập đủ vàng ở các đấu trường danh giá nhất là ASIAD, Cúp Thế giới và Olympic. Huy chương là dấu ấn, nhưng hành trình chạm tới vinh quang mới là niềm hạnh phúc đích thực: hạnh phúc khi vượt qua chính mình và vươn lên từ thất bại.

Thức dậy vào lúc 6 rưỡi sáng, 7h tập trung cùng đội tuyển, 8h bắt đầu tập luyện, kéo dài đến khoảng 16h, xen giữa là 2 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi và ăn trưa. Đó là thời gian biểu hằng ngày của Phạm Quang Huy - xạ thủ giành HCV 10m súng ngắn hơi nam ASIAD 19, không có nhiều thay đổi sau đỉnh vinh quang tại châu lục.

Vẫn là những khẩu súng và trang thiết bị tập luyện quen thuộc tại trường bắn súng Quốc gia, Huy tập trung cao độ cho một mục tiêu duy nhất là hồng tâm, như những gì anh đã làm suốt 12 năm qua.

Phạm Quang Huy - xạ thủ giành HCV 10m súng ngắn hơi nam ASIAD 19

Quang Huy là con trai cả của cặp vợ chồng xạ thủ nổi tiếng Phạm Cao Sơn - Đặng Thị Hằng. Thời còn thi đấu, ông Sơn từng giành 11 HCV SEA Games, hiện ông là Trưởng bộ môn Bắn súng của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng. Bà Hằng cũng là xạ thủ quốc gia nội dung súng trường, còn em trai của Huy là Phạm Đăng Quang cũng đã bắt đầu tiếp bước cha anh, trở thành một VĐV bắn súng trẻ.

Sinh ra ở thành phố cảng nhưng Quang Huy đến Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội từ năm một tuổi để sống cùng cha mẹ. Không chỉ ngấm không khí tập luyện và thi đấu từ bé, bắn súng còn len lỏi vào tâm trí Quang Huy từ những câu chuyện trong bữa cơm thường ngày đến mơ ước nối nghiệp gia đình.

"Từ khi em chào đời cũng đã được bố mẹ đưa lên trên Hà Nội để được bên bố mẹ nhiều hơn. Cũng từ đấy mà em được tiếp xúc với các VĐV, quan sát và cảm thấy rất thú vị, vì con trai mà, nhất là trẻ con thì thích súng ống. Em nhìn thấy rất thích và mong sau này khi đủ tuổi, đủ chín chắn, đủ thể lực thì sẽ tham gia môn này", Huy chia sẻ. 

Khác với các môn thể thao đối kháng hay tập thể, VĐV bắn súng chỉ đơn độc trước bia và tập trung cho một động tác duy nhất - giơ tay, ngắm bắn và hạ xuống

2012 chính thức đánh dấu sự gắn kết của Phạm Quang Huy với bộ môn súng đạn. Năm lớp 11, được sự ủng hộ của cha mẹ, Quang Huy chuyển từ trường THPT Einstein - Hải Phòng sang học giáo dục thường xuyên để tập trung vào chuyên môn, một quyết định dũng cảm, một sự hy sinh đáng giá cho “trái ngọt” sau này.

"Lúc đầu cũng khá là khó khăn vì phải tập giữ tạ, giữ gạch để làm quen với trọng lượng súng. Cũng may là trong thời gian ngắn thôi em đã làm quen được và bắt đầu cầm súng. Vài tháng sau, em được đi thi đấu, cũng được huy chương đồng đội đầu tiên và cảm thấy đam mê, nhiệt huyết hơn", Huy nói.

Được cầm súng để tập luyện thay vì rèn cơ tay hàng tiếng đồng hồ với những vật vô tri như chai nước, viên gạch,… đem lại hứng thú cho các VĐV lúc đầu. Nhưng sự nhàm chán cũng đến không lâu sau đó, bởi khác với các môn thể thao đối kháng (có đối thủ thi đấu trực tiếp) hay tập thể (có đồng đội cùng tập kỹ, chiến thuật), VĐV bắn súng chỉ đơn độc trước bia và tập trung cho một động tác duy nhất: giơ tay, ngắm bắn và hạ xuống.

"Lịch của VĐV bọn em thì khá nhàm chán, ngày nào cũng chỉ từng ý việc lặp đi, lặp lại. Khi lên trường bắn thì khởi động, sau đó tập khan nửa tiếng để cho thuần kỹ thuật cơ bản nhất, sẽ phải ôn lại trong suy nghĩ để cơ bắp làm quen, sau đấy thì sẽ bắt đầu bắn đạn. Một phát bắn diễn ra trong vòng từ 15 đến 30 giây, thì gần như là phải giơ liên tục, giơ lên bắn rồi hạ xuống, lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Nó không chỉ là công việc trong vài ngày, vài tuần, vài năm, mà thậm chí đi theo cả cuộc đời VĐV chỉ có một động tác ý thôi".

Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh luôn là quá trình khổ luyện hàng chục năm mà có lẽ chỉ những người trong nghề mới thực sự thấu hiểu

Vượt qua sự nhàm chán ấy có lẽ là một trong những chiến thắng đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi xạ thủ. Với Phạm Quang Huy, ngọn lửa đam mê được duy trì nhờ khao khát hoàn thiện bản thân sau mỗi viên đạn và mơ ước vươn lên những đỉnh vinh quang:

"Nó chỉ diễn ra bên trong não bộ mình thôi, mình phải nghĩ rất nhiều. Mình phải theo dõi liên tục trong từng tích tắc, trong từng phát bắn để tìm ra lỗi sai. Nếu muốn biết tại sao nó bắn ra ngoài, lý do gì khiến cho mình làm sai thì phải có sự tập trung cao độ. Mà đôi khi phát hiện ra rồi chưa chắc đã cải thiện được, thì lúc đấy phải nghiên cứu, thử nghiệm từng viên một, thậm chí hàng năm trời mới sửa được. Một VĐV chuyên nghiệp thì mình luôn phải suy nghĩ, thúc đẩy kỹ năng của mình tốt hơn nữa để nâng cao thành tích. Khi mình đã yêu rồi, kể cả cho ngồi mấy ngày trong một công việc duy nhất thì vẫn thấy thích thú".

Bên cạnh các bài tập chuyên môn, tập thể lực là bài bổ sung không thể thiếu với một VĐV bắn súng để đảm bảo cho cơ thể bền bỉ, dẻo dai và cơ bắp phản hồi tốt. Đó là những bài tập chạy bền sao cho từ khi bắt đầu đến kết thúc, nhịp tim, hơi thở, sự tỉnh táo gần như giữ nguyên. Đó là những bài tập giữ khối lượng sao cho giơ súng hàng giờ đồng hồ mà cánh tay không bị xê dịch. Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh luôn là quá trình khổ luyện hàng chục năm mà có lẽ chỉ những người trong nghề mới thực sự thấu hiểu.

Nhưng khổ luyện không đồng nghĩa lúc nào cũng thành công. Đôi khi thất bại là một thử thách cần thiết để VĐV đứng dậy mạnh mẽ hơn:

"Giai đoạn khó khăn đầu tiên của em là thi đấu tại SEA Games trên sân nhà Việt Nam. Trước đấy em tập rất là tốt, mọi người gần như ai cũng nghĩ là em có HCV đầu tiên ngay trong giải đầu tiên, nhưng khi bước chân vào thì hơi bị ngợp ngay tại trường bắn mình thi hằng ngày. Sự thật không được như mình tưởng tượng, cũng khá là choáng và sốc. Sau đó, em cũng mất đi những cái mình làm tốt, mất rất nhiều thời gian và đi tập huấn mới xốc lại tinh thần, chuẩn bị cho mình một kế hoạch khác".

Khổ luyện không đồng nghĩa lúc nào cũng thành công, đôi khi thất bại là một thử thách cần thiết để VĐV đứng dậy mạnh mẽ hơn

Không chỉ có kỳ vọng và áp lực, mỗi xạ thủ phải quen dần với việc luật thi đấu được điều chỉnh theo hướng “tăng độ khó cho games”: khán giả thay vì phải im lặng thì nay được phép hò reo cổ vũ trong các nội dung chung kết; kính đeo của VĐV không còn được lắp chắn hai bên để tránh phân tán; hay bảng điện tử thông báo kết quả ngay trước mắt nhảy số, đổi xếp hạng liên tục sau mỗi lượt bắn… Để giữ được sự tập trung - yếu tố quan trọng nhất trong bộ môn bắn súng, Quang Huy thường nhắm mắt lại để tịnh tâm sau mỗi đường đạn:

"Khi người ta thiền thì người ta sẽ tập trung vào cái cơ bản nhất là hơi thở, cảm nhận hơi thở của mình đi vào rồi đi ra. Bắn súng cũng thế, mình điều khiển các cơ bắp, dây thần kinh sao cho mình đưa ra kỹ thuật êm dịu và chuẩn nhất, cũng như cảm nhận hơi thở của mình đều đặn. Hít vào thở ra có dung lượng đều giống nhau, khi ngưng thở cũng phải có dung tích trong cơ thể giống nhau, thì sẽ đảm bảo độ giống nhau giữa các phát bắn. Và điều đó cho mình một cái độ tĩnh trong cơ thể, ổn định nhịp tim, ổn định sự tỉnh táo".

Với sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình, bạn bè, sự hỗ trợ hết mình từ các HLV và đồng đội, Phạm Quang Huy đã đứng dậy sau vấp ngã để hoàn thành hành trình đầu tiên trong sự nghiệp một cách đầy hạnh phúc: HCV lịch sử tại Á vận hội:

"Cũng may mắn là ASIAD lại khá êm dịu, khi mà tập rồi đi thi và vào chung kết, mọi thứ đều diễn ra như theo những gì mà em đã chuẩn bị. Khi bắn viên cuối cùng trong phần thi chung kết thì những khoảnh khắc đầu tiên em chưa nhận ra mình vừa đạt HCV đâu, bởi vì trong đầu em vẫn đang trong chế độ coi như mình đang tập thôi chứ không phải thi đấu. Nó là HCV đầu tiên của Việt Nam trong giải này, cũng là HCV đầu tiên cho bắn súng trong một kỳ ASIAD, rất là hạnh phúc".

Phạm Quang Huy đã đứng dậy sau vấp ngã để hoàn thành hành trình đầu tiên trong sự nghiệp một cách đầy hạnh phúc - HCV lịch sử tại Á vận hội

Năm 2023 khép lại gần như hoàn hảo với Phạm Quang Huy bằng danh hiệu VĐV tiêu biểu toàn quốc và Cúp Chiến thắng. Sau những giải đấu, kỳ tập huấn hay tập trung đội tuyển dài ngày, xạ thủ 28 tuổi dành quỹ thời gian ít ỏi quý giá cho người thân và những kế hoạch tương lai:

"Sau những giải đấu quan trọng thì em thường hay đi chụp ảnh cho người yêu hoặc chụp ảnh đường phố, mình có thể có những góc nhìn cũng như không gian khác bắn súng để không bị gò bó quá. Cũng có thể chơi games một chút cho phản xạ của mình tốt hơn. Em cũng dành thời gian đi học tại trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh để chuẩn bị cho tương lai sau này làm HLV, tiếp tục truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình cho các thế hệ sau. Cũng may là nhà trường đang có chương trình hỗ trợ cho các VĐV học online vào buổi tối".

Khép lại Giải Bắn súng vô địch Châu Á - giải đấu lớn đầu tiên trong năm 2024, với 1 HCV và 2 HCB, Phạm Quang Huy cùng các đồng đội tại ĐTQG quay trở lại với guồng quay tập luyện ệt mài, mục tiêu trước mắt là giành vé tham dự Olympic Paris, và xa hơn, là tấm huy chương danh giá nhất ở đấu trường Thế vận hội như người thầy Hoàng Xuân Vinh đã từng đạt được.

Nhiều người ví kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 là “viên đạn cuộc đời”. Đó có thể là viên đạn kỳ tích mà cả cuộc đời mới có được một lần rực sáng. Đó cũng có thể là cả cuộc đời gắn bó, tâm huyết với súng đạn mới có được giây phút vinh quang.

Ở những cuộc đời ấy, tấm huy chương là một bến đỗ trong hành trình đầy hạnh phúc của Hoàng Xuân Vinh, Phạm Quang Huy, các thế hệ xạ thủ nói riêng và VĐV Việt Nam nói chung: hành trình theo đuổi đam mê, chinh phục ước mơ và mang về vinh quang cho Tổ quốc./.