Sự dịch chuyển này không chỉ phản ánh xu hướng tiết kiệm chi tiêu mà còn cho thấy nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo là những yếu tố chính thúc đẩy người tiêu dùng chọn hàng nội địa. Theo đó, một hộp bánh Tết cao cấp của một thương hiệu bánh kẹo trong nước có giá từ 250.000 - 400.000đồng, thấp hơn khoảng 20-30% so với sản phẩm tương tự nhập khẩu. Điều này đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu. Một số người tiêu dùng chia sẻ:
"Tôi toàn hay mua hàng Việt Nam thôi mà thấy chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Ví dụ như hàng bánh kẹo, mứt thì giá cả hợp lý mà ăn cũng chất lượng”.
"Theo quan điểm của tôi thì tôi vẫn cứ thích lấy bánh kẹo Việt Nam bởi vì tôi thấy trong nhiều năm trở lại đây thì bánh kẹo Việt Nam mẫu mã không chỉ đẹp mà chất lượng còn được nâng cao lên nêntôi rất tin tưởng hàng Việt Nam và muốn mình là người Việt Nam thì nên dùng hàng Việt Nam để khuyến khích thị trường trong nước phát triển”.
"Tôi thấy năm nay mặt hàng cũng giảm giá nhiều, nhất là các hãng cạnh tranh nhau nên giảm giá rất nhiều, năm nay mẫu mã đẹp hơn so với năm ngoái. Mua sắm rất thoải mái và khách hàng rất ưng ý. Phần lớn là hàng Việt Nam và tôi mua toàn hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam bây giờ chất lượng cao, khách hàng rất ưng ý, ăn cũng ngon”.
Ghi nhận tại một số siêu thị, cơ sở bán lẻ tại Hà Nội, năm nay trong giỏ hàng của các nhà phân phối thì hàng nội địa đang chiếm ưu thế hơn. Đại diện một số cơ sở bán lẻ cho biết, các sản phẩm nhập ngoại chủ yếu là rượu, bia hay 1 vài mẫu bánh chỉ chiếm phần rất nhỏ và dành cho số ít người tiêu dùng làm quà biếu, còn lại phần lớn nguồn cung hàng hoá phục vụ người dân chủ yếu được nhập từ các doanh nghiệp trong nước. Các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, WinMart đã gia tăng nguồn cung hàng Việt phục vụ Tết, với tỷ lệ chiếm từ 85% đến 90% trên tổng số mặt hàng Tết.
Còn tại các chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm đến 85% tổng số sản phẩm bày bán, với đa dạng mẫu mã từ các loại đặc sản vùng ền như mứt gừng, mứt dừa đến các loại bánh kẹo cao cấp dành cho biếu tặng. Ông Lê Mạnh Phong, Quản lý điều hành khối cửa hàng của một doanh nghiệp bán lẻ khu vực ền Bắc cho biết:
"Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định là tất cả các công tác chuẩn bị, trưng bày hàng hóa của hệ thống chúng tôi đã cơ bản hoàn tất, trong đó ưu tiên là hàng Việt Nam với trên 90% các sản phẩm tết cũng như hàng hóa của chúng tôi là hàng Việt Nam. Chúng tôi vẫn sẵn sàng với kịch bản là tăng trưởng 10%".
Việc thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa nâng cao chất lượng, đưa ra thị trường nhiều mẫu mã sản phẩm mới hợp lý với người tiêu dùng. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Theo thống kê từ Hiệp hội Bánh kẹo Việt Nam, năm 2023, sản lượng bánh kẹo Tết của các thương hiệu nội địa tăng 20% so với năm trước, với hàng loạt dòng sản phẩm mới ra mắt hướng đến phân khúc trung và cao cấp.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hàng Việt ngày càng có lợi thế nhờ đáp ứng được cả ba yếu tố: giá cả cạnh tranh, chất lượng cải thiện và mẫu mã phù hợp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc ưu tiên hàng Việt không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước.
Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương nhận định: "Theo dõi về sản xuất và nhu cầu thị trường, hệ thống phân phối thì tôi thấy là tết năm nay hàng hóa tương đối phong phú, nhất là hàng công nghệ, bách hóa, công nghệ phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc quần áo rất thoải mái.
Còn đối với nông sản thực phẩm, chúng ta là một đất nước sản xuất rất dồi dào, chất lượng đảm bảo cho nên nguồn cung rất dồi dào, chính chỉ số giá CPI 11 tháng vừa qua trên 3% đã nói lên điều đó. Và rõ ràng chúng ta không lo về vấn đề nguồn cung hàng hóa, quan trọng là chúng ta tổ chức hệ thống phân phối như thế nào, kết nối giữa sản xuất và phân phối và đảm bảo bán thuận tiện cho người dân trong dịp tết sắp tới".
Theo dự báo từ Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, doanh thu từ các sản phẩm nội địa có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng và sự chuẩn bị chu đáo từ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các hệ thống bán lẻ lớn cũng cần có thêm các biện pháp nhằm bình ổn giá và kết nối giữa sản xuất và phânphối, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: "Sản xuất hiện nay trên bình diện cả nước ta là rất dồi dào, ta có chính sách khuyến khích sản xuất nhưng phải nói rằng là có 1 nút thắt của sản xuất và phân phối hiện nay là cái sự liên kết giữa sản xuất và phân phối còn yếu, chúng ta còn chia cắt.
Đôi lúc những hệ thống bán lẻ còn độc quyền và còn ép nhau, cho nên lượng hàng và hệ thống bán lẻ hiện đại là chỉ được 20%. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý phải làm trọng tài, chia sẻ với vấn đề này để siêu thị mở rộng cửa đón hàng hóa, nông sản, thực phẩm vào để phục vụ nhân dân với giá cả hợp lý".
Dịp Tết không chỉ là thời điểm mua sắm lớn trong năm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa khẳng định vị thế. Với chất lượng ngày càng được cải thiện và sự ủng hộ mạnh mẽ từ người tiêu dùng, hàng Việt đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu trong mỗi gia đình Việt Nam.