Ngoài việc hạ rào, giải phóng bãi đỗ xe trên vỉa hè, người dân trong khu vực cũng mong muốn nhiều điều hơn nữa ở bên trong công viên này.
Hàng ngày, anh Hoàng Trung Hiếu, cư trú tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đi bộ 2 cây số đến công viên Tuổi trẻ Thủ đô để tập thể dục thể thao. Nếu như trước đây, anh phải đi bộ dưới lòng đường và phải đi bằng 2 cổng ở phố Thanh Nhàn, phố Võ Thị Sáu, thì hiện nay, anh có thể đi bộ trên vỉa hè, được tiếp cận công viên từ mọi hướng. Các bãi đỗ xe ô tô và rào công viên đã được giải phóng.
“Cứ mở ra thì thông thoáng, thuận tiện đi lại, khung cảnh không bị tù túng nữa. Nếu có dự án cải tạo thì tốt quá. Công viên này nó xuống cấp quá rồi, tồi tàn, mọi thứ cần cải tạo rất nhiều. Làm càng sớm càng tốt để đúng nghĩa là một công viên”.
Đang đứng chờ xe buýt trên phố Thanh Nhàn, bà Lê Thị Đức tỏ ra phấn khởi vì vỉa hè quanh công viên đã được bố trí cả cây cảnh và hoa, trở thành nơi cho người đi bộ thay vì bãi đỗ xe nhếch nhác trước đây.
“Thế thì tốt quá rồi. Làm thế này trông thông thoáng, vườn hoa đẹp mắt hơn. Có chỗ cho các bà già, ông già tập tành buổi sáng, còn buổi tối thì thanh niên. Ở phía trong vẫn chưa xong, chưa biết khi nào thì xong”.
Là người rất yêu mến công viên và những khoảng xanh, ông Đoàn Quang Vinh (ở phố Lạc Trung) mong muốn công viên Tuổi trẻ Thủ đô được hồi sinh thực sự sau nhiều năm đánh mất chức năng. Theo ông Vinh, một nghịch lý là hạ hàng rào và giải phóng bãi đỗ xe lại càng làm lộ ra không gian bên trong công viên đã bị xâm hại phần lớn diện tích.
Nếu đi từ hai cổng chính của công viên, người đi bộ đều sẽ chỉ nhìn thấy các công trình tư nhân đang án ngữ và thực hiện nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí. Các phần hạ tầng thực sự dành cho cộng đồng như đường đi bộ, đi xe đạp, vườn cây, vỉa hè, các trang thiết bị đều xuống cấp. Những hàng cây bị đổ trong công viên sau siêu bão số 3 năm 2024 cũng chưa được di dời.
“Không gian nên cởi mở như thế. Người dân người ta muốn vào công viên thì đỡ ngại, tiếp cận rất tốt. Nhưng ở bên trong công viên Tuổi trẻ này thì còn lộm cộm lắm. Tôi vẫn mong những gì mà không thuộc về công viên, như nhà hàng, dịch vụ nọ kia thì thôi, nên bỏ nó đi. Công viên phải ra công viên, làm cái gì thì ra cái nấy. Chứ đừng có nửa nọ nửa kia”.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Sông, ở ngõ Quỳnh, tỏ ra đầy tiếc nuối cho một không gian xanh tại “khu đất vàng” bị bỏ không lãng phí nhiều năm. Ông kỳ vọng những chính sách mới của thành phố sẽ giúp hồi sinh công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
“Đầu tiên, mắt mình nhìn vào phải nói là đẹp, không gian rất tuyệt vời. Nếu được cải tổ từ các dự án của quận, phường làm đúng như thế thì tốt quá. Chiều chiều đánh cầu lông, đá bóng rồi đi bộ cho người dân. Trước kia vào đây đông lắm, nhưng hạ tầng xuống cấp, rồi tập kết gỗ kia vướng víu người ta cũng vãng đi. Bản thân tôi còn phải đi xe máy lên công viên Lê Nin, công viên Thống Nhất, chứ trước hay đi ở đây. Hiện công viên này bị khai thác manh mún, nhỏ lẻ, cho tư nhân thôi, không được mỹ quan lắm”.
Dự kiến, công viên Tuổi trẻ Thủ đô sẽ được đổi tên thành công viên Võ Thị Sáu. Công năng của công viên sẽ chuyển từ công viên chuyên đề dành riêng cho thanh thiếu niên thành không gian văn hóa thể dục thể thao phục vụ toàn thể người dân.
Dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô được thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, quy mô 26,4 ha. Trong quá trình khai thác vận hành, dự án xuất hiện 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng. Hiện nay, UBND quận Hai Bà Trưng đã được giao quản lý toàn diện công viên.
Để giải quyết vướng mắc về mặt bằng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng đang xem xét điều chỉnh chi tiết quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng đưa khu dân cư phía đông công viên ra khỏi phạm vi quy hoạch. Với động thái này, công viên được kỳ vọng sẽ được “hồi sinh”, trở thành lá phổi xanh của Thủ đô./.