BÊN DÒNG THỜI GIAN
"Bác tên là Phùng Thị Kim - ở thôn 2 Bát Tràng. Bây giờ cháu muốn nặn gốm thì từ vị trí bàn xoay này cháu muốn nặn bát, cốc hay lọ nhỏ đựng bút hoặc cốc uống nước thì mình có thể nặn được dưới sự hướng dẫn của bác.
Để tay như này thì mình có thể nặn bát ăn cơm. Bây giờ không thích bát ăn cơm mà cốc uống nước thì ta để hai ngón tay và ôm lên như thế này thì thành cốc uống nước. Cách để tay khác nhau sẽ ra sản phẩm khác nhau".
"Đây là lần đầu mình được nặn gốm và mình thấy vui. Cái này giúp mình giải trí sau thời gian làm việc cũng khá tốt. Vào trong này toàn là gốm thấy rất đẹp".
"Hôm nay mình đang có lịch nghỉ và kiếm chỗ đi thăm quan trải nghiệm. Mình thấy đây là trải nghiệm khá thú vị khi mà được cầm đất nặn ra các hình thù mình muốn. Đây là lần đầu nên mình vẫn đang phải nhờ các cô hướng dẫn. Xíu nữa mình sẽ nhờ cô hướng dẫn mình thăm quan các điểm bảo tàng với vào trong các xưởng xem quy trình người dân làm ra thành phẩm như thế nào".
Nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 10km, làng gốm cổ Bát Tràng là địa chỉ du lịch giới thiệu tinh hoa nghề truyền thống làm gốm lâu đời và nổi tiếng.
Xen qua những nếp nhà hoài cổ và những con ngõ hun hút đã nhuốm màu thời gian, ta như được lạc vào một thế giới nơi thời gian ngưng đọng, ở đó, mái đình xưa bên bờ sông Hồng vẫn hiên ngang đón chờ khách vãng lai, thi thoảng có tiếng trẻ con kêu đùa ríu rít.
Đặc biệt hơn cả là một nếp sống nền nã đầy quy củ, một nguyên tắc làng nghề truyền dạy mà ngôi làng ấy nhất mực tuân theo.
Người dân làng Bát Tràng ngoài việc phát triển làng nghề để tạo ra những sản phẩm thương mại tạo kinh tế cho các hộ gia đình, thì họ còn biết cách kể câu chuyện gốm của làng nghề qua các trải nghiệm du lịch. Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn – Chủ tịch CLB nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng bộc bạch:
"Chúng ta đang ngồi đây là điểm đón du lịch của thành phố và người khách du lịch về bát tràng vừa tìm hiểu về gốm mà còn về tìm hiểu về văn học và lịch sử của làng gốm chúng tôi. Qua những cái quá trình phát triển khi người du lịch thì các cháu về đây thì các cháu được trải nghiệm làm gốm. Nghĩa là mình cũng là một người thợ.
Mà khách du lịch quốc tế về đây cũng rất mong muốn được hòa mình vào cái dòng chảy của gốm Bát Tràng hiện tại, ra một sân chơi mà tự vuốt nặn vẽ. Đấy là tự tự mình cảm nhận được tự mình trải nghiệm được làm gốm của làng nghề bát tràng. Đấy là những cái mà chúng tôi rất tự hào về cái phát triển du lịch chung".
Như chia sẻ của Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn, làng gốm Bát Tràng có một dòng chảy không ngừng. Qua từng thời kỳ, bên cạnh việc giữ gìn tinh hoa trong nghề làm gốm, các nghệ nhân còn học hỏi những điểm mới của khoa học kỹ thuật để giúp sản phẩm gốm mang hơi thở đương đại, đến gần hơn với công chúng.
Đến đây, bạn sẽ dễ dàng tìm hiểu văn hoá lịch sử làng nghề bởi những “hướng dẫn viên du lịch” của làng. Với truyền thống làng văn – làng nghề, mỗi thế hệ sinh ra và lớn lên ở Bát Tràng hiểu rất rõ về cái gốc của mình và sẵn lòng chia sẻ với du khách thăm quan.
Điều đó được thể hiện rất rõ trong định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch của UBND xã Bát Tràng như chia sẻ của ông Phạm Huy Khôi – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội:
"Trong thời gian tới để đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương xã Bát Tràng cũng như kế hoạch phát triển du lịch của Bát Tràng theo đề án bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn xã Bát Tràng thì chúng tôi cũng đang xây dựng một đề án cũng như các sản phẩm du lịch hướng tới cộng đồng nhiều hơn.
Có nghĩa là có những khu trải nghiệm mang tính chất cộng đồng, mang tính chất lớn hơn để cho du khách đến đây có thể trải nghiệm bất kỳ lúc nào và bất cứ lúc nào, thời điểm nào thời gian nào cũng được trải nghiệm những sản phẩm của Bát Tràng".
Câu chuyện về gốm sứ không phải là câu chuyện mới, nhưng gốm Bát Tràng không chỉ còn là cái tên cho môt làng nghề, mà còn là một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là cái đẹp mà nó còn bao hàm cả nội dung và thông điệp mà người thợ muốn truyền tải.
Đến với Bát Tràng chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu với nghề gốm của mỗi người dân làng qua cách họ nâng niu trân trọng những giá trị cha ông để lại…
SỐNG Ở HÀ NỘI
Tối 7/9, tâm bão số 3 quét qua Hà Nội giật cấp 12 với sức gió trên 100km/h, chỉ trong mấy tiếng, cuồng phong đã làm bay mái nhà lợp tôn, đổ cột đèn, biển phố, đèn tín hiệu giao thông nhưng thiệt hại lớn nhất là 40.000 cây xanh bị đổ.
Hãy cùng nhìn lại hành trình của những cây xanh trong phố qua bài viết sau của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.
Cây được trồng quanh Hồ Gươm, một số tuyến phố mới xây dựng ở phía đồng hồ từ cuối thế kỷ 19 với hai mục đích, thứ nhất là tạo bóng mát cho thành phố vốn nằm trong vùng khí hậu nóng bức của ền Bắc vào mùa hè. Cái nóng gay gắt đến mức khi đèn tín hiệu giao thông màu đỏ, người điều khiển xe máy không dừng ở vạch mà thường đỗ xe dưới bóng cây.
Mục đích thứ hai là tạo cảnh quan đô thị. Để đạt được hai mục đích, chính quyền đã đưa ra nhiều tiêu chí khi trồng cây trên phố là: tán rộng, lá rụng vào các mùa trong năm để công nhân vệ sinh không vất vả và thành phố bốn mùa xanh. Để đô thị tươi tắn, họ chọn các giống cây có hoa vào các mùa khác nhau, lại lựa các giống có cỡ lá to và nhỏ cho không gian đa sắc bớt đơn điệu.
Để cây phát triển, hạn chế đổ gẫy khi gió to đặc biệt là những trận bão lớn, các nhà chuyên môn chú trọng chọn các cây khi lớn có gốc to, bộ rễ rộng. Rễ ăn sâu vào đất, gốc cây bè ra sẽ giúp cây trụ vững. Người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã ví dân như gốc rễ của cây khi ông thực hiện chính sách giảm thuế má và bớt các khoản đóng góp cho dân. Để bộ rễ ăn sâu, cây được trồng từ khi còn nhỏ.
Nhưng thật khó biết, khó lường sức mạnh của thiên nhiên. Đầu thế kỷ 20, một trận bão tràn qua Hà Nội đã làm đổ nhiều cây quanh Hồ Hoàn Kiếm, phố Lý Thái Tổ, Lê Phụng Hiểu và các phố khác. Trận bão năm 1969, 1971 ngoài làm đổ nhà, lúa và hoa màu chìm trong biển nước còn xô đổ nhiều cây trong nội đô.
Trận bão năm 1997 đã làm gẫy đổ hơn 500 cây lớn nhỏ trong đó có những cây sấu, xà cừ gần trăm tuổi. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay Hà Nội có nhiều trận bão đi qua hoặc bị ảnh hưởng của hoàn lưu nhưng siêu bão số 3 gây hậu quả nặng nề nhất. Cây đổ nằm ngổn ngang trên các phố, trong các công viên, công sở đè lên ô tô, ngả vào nhà khiến nhiều người tiếc nuối.
Người Hà Nội yêu cây vì Hà Nội vì lớn lên đã thấy cây ngay trước nhà, hàng ngày đi học, đi làm đều thấy cây nay không còn thấy thiếu vắng. Và tình yêu nhân lên khi ngày nay cây xanh góp phần chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Nhưng vì sao cây đổ? Đó là do sức mạnh của cuồng phong, do cây bị sâu rỗng bên trong mà đơn vị chức năng không phát hiện ra, do không có thiết bị kiểm tra vì nhiều giống ở nước ngoài rễ cọc song nhập về Việt Nam rễ lại ăn ngang.
Từ các cây đổ đã lộ ra các thiếu sót lớn như nhiều cây chỉ có rễ ngang không có rễ cọc. Với cây mới trồng, hố đào quá nông, không nạo vét vữa xây dựng phía dưới và ẩu đến mức để nguyên cả ni lông bọc bộ rễ. Cho dù có đỡ cây bằng cọc cũng khó mà đứng vững trước những trận gió bão không lớn.
Việt Nam nằm trong vành đai bão Thái Bình Dương nên từ nay đến cuối năm và những năm tới Hà Nội khó có thể tránh được bão. Vì thế 40.000 cây bị đổ trong cơn bão số 3 là bài học đắt giá cho các đơn vị chức năng.
TIN YÊU
- 50 tác phẩm đặc sắc bằng chất liệu màu nước từ những hình ảnh đời thường quen thuộc, phong cảnh thiên nhiên đến con người Thủ đô đang được trưng bày tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Từ nay tới ngày 22/9/2024 tại tầng 3, 16 Ngô Quyền, Hà Nội diễn ra triển lãm tranh “Hoà âm mùa thu”. “Xem tranh – chữa lành” là tinh thần của triển lãm hướng tới việc mang lại năng lượng tích cực có thể hàn gắn các mối quan hệ đổ vỡ, có thể giảm đi trạng thái căng thẳng mệt mỏi, có thể khiến bạn thấy mình đã thật hữu ích cho cộng đồng. Triển lãm được tổ chức bởi CSAGA và Hội mỹ thuật Việt Nam.
- Khi ghé thăm phố Bảo Khánh (Hà Nội), nhiều du khách sẽ được nghe câu chuyện thú vị về phở. Đặc biệt, sẽ có nhiều người bất ngờ với tấm biển có đề chữ 'Phở treo', một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng.