BÊN DÒNG THỜI GIAN
Đi dọc con phố Thuốc Bắc là những cửa hàng san sát nhau bán các đồ kim loại như khoá, dụng cụ cơ khí, két bạc, inox gia dụng… Trước đây, con phố có nghề buôn bán thuốc Bắc nhưng nay đã dời sang phố Lãn Ông cạnh đó.
Nhưng mấy ai biết, con phố này cũng từng là phố nghề làm và bán các loại bút lông thủ công như chia sẻ của nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến:
"Trong thời Lê thì ở đó có một vài gia đình từng làm nghề làm bút lông. Bút lông chủ yếu để viết chữ nho chữ hán ngày xưa, viết câu đối, viết chữ đại tự rồi viết cho chữ tặng chữ những ngày đầu năm mới. Những ai muốn xin chữ thì các thầy đồ cho chữ và dùng các bút này để viết chứ không phải viết chữ Hán nhỏ li ti đâu. Nghề này cho đến cuối thế kỷ 19 đã lụi tàn rồi, còn rất ít nhà làm.
Bởi vì lúc này các bút lông nhập khẩu từ Trung Quốc mang qua làm rất đẹp có nhiều kích cỡ khác nhau cho nên nghề làm bút lông thủ công ở phố hàng bút chỉ còn lại vài gia đình. Người ta cũng làm với chất lượng tốt giá thành rẻ nên tồn tại được".
Cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20, ở con phố Hàng Bồ gần đó, cứ vào dịp cuối năm sẽ họp một chợ chữ. Các nhà nho trải chiếu trên phố viết chữ, tặng chữ, bán sẵn câu đối. Còn người dân phố Hàng Bồ bán bút lông thủ công do người phố làm, bán mực được sản xuất ở Hưng Yên và nghiên mực sản xuất ở Hà Nam.
Khi chữ nho viết theo lối cổ ngày càng ít dần thì nghề làm bút lông thủ công cũng mai một nhiều. Xen kẽ giữa những cửa hàng bán đồ kim loại trên phố Thuốc Bắc ngày nay là cửa tiệm bút lông Kim Dung còn sót lại nghề thủ công này. Chính ông chủ tiệm nay cũng đã ngoài 70 tuổi tâm sự về nghề từng nuôi sống được cả gia đình:
"Nghề này thì đời các cụ sinh ra bác đã làm rồi. Ngày xưa đúng là làm sống được vì ngày xưa không phải bán lẻ như này. Ngày xưa các cụ nhà bác có đăng ký kinh doanh tư nhân thì ký với các công ty bách hoá, công ty tổng hợp đặt mình làm vỉ bút hàng ngày.
Tức là thời kỳ bao cấp kế hoạch hoá mà, người ta phân phối về các trạm thông tin các đoàn đội thì mình làm cho người ta, sau đó người ta phân phối theo tuyến của người ta, chứ còn bán lẻ không có, cửa hàng cũng không mở. Đấy là thời kỳ trước. Sau này các cụ nhà bác già yếu không làm nữa, mà bác đi làm nhà nước rồi.
Thế thì từ khi nhà nước mở cửa mà đúng lúc mình về hưu thì mình bới ra theo nghề các cụ để có thu nhập, giết thời gian rỗi. Chứ ngày xưa nó khác. Bây giờ sản xuất của bác chỉ tăng thu nhập sinh hoạt. Thợ thuyền làm gì có, mình mình làm".
Công đoạn làm bút lông thủ công không quá phức tạp. Chủ yếu đòi hỏi sự kiên trì, khéo tay, làm sao chọn ra những loại lông phù hợp để làm các loại bút khác nhau. Ông chủ tiệm bộc bạch rằng hàng thủ công không thể đẹp bằng hàng Nhật hay hàng Trung Quốc nhưng vẫn còn nghề vì vẫn còn những bà con làng nghề cần đến mình:
"Hàng của mình thật sự ra không thể đẹp bằng hàng Nhật và hàng Trung Quốc được nhưng căn bản cái ngòi thì đảm bảo bằng nhau. Tức là ngòi để vẽ thì nó bằng nhau. Thứ hai là cái bút của mình làm cái mặt nạ sư tử thì phù hợp với người làm thủ công của mình. Thế thì mình mới sống được.
Chứ mình làm bút hiện đại như của Tàu không có khả năng, phải có nhà xưởng công nhân máy móc. Còn đây mình làm thủ công lắp ghép cái A cái B để đáp ứng cho bà con ở các làng nghề. Ví dụ làng Bát Tràng họ vẽ men gốm, những cái của hoạ sĩ vẽ thì họ mua bút của Nhật của Trung còn những cái mà tô điểm chấm vào thì bút của mình đáp ứng được vì bút mình rẻ tiền mà.
Có 5 nghìn/cái nhưng mua bút của Nhật cảu Tàu thì 40-50 nghìn/cái. Người ta mua bút đắt quá thì không thể ra sản phẩm rẻ tiền được".
Xưa nghề thịnh, nguyên liệu mua cũng dễ. Ngày nay, nếu muốn mua lông mã gà cũng không mua được, nhu cầu xã hội cũng chẳng còn mấy. Người làm nghề cũng vì thế chuyển dần sang những loại bút lông làm theo yêu cầu của khách hàng.
Người tìm đến cửa hiệu bút lông Kim Dung ngày nay một phần là khách hàng, phần khác là muốn biết đến một nghề đã từng sống được ở kinh thành Thăng Long xưa, để hiểu thêm về một nghề trong phố…
SỐNG Ở HÀ NỘI
Xuôi theo dòng sông Hồng, từ cầu Trung Hà về đến cầu Long Biên có khá nhiều bãi bồi tự nhiên. Rộng nhất có lẽ là bãi Minh Châu ở huyện Ba Vì hiện có hàng nghìn dân sinh sống. Nhưng thích nhất là Bãi Giữa vì có thể tự do đi lại giữa vườn chuối xanh mướt. Theo thời gian, sự đổi thay ở bãi giữa ra sao?
Không biết Bãi Giữa có từ bao giờ nhưng thời Lý, khi Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long đã di dời làng An Xá phía nam Hồ Tây để lấy đất mở rộng thành ra sống ven sông, từ bãi Phú Thượng kéo xuống khu vực Đầm Trấu và cả vùng Bắc Biên gần cửa sông Đuống ngày nay.
Dù Bãi Giữa rất rộng nhưng vua Lý Công Uẩn không cho lập ấp vì bãi thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào nước lũ và dòng chảy. Năm nào mưa to, lũ lớn cát lở bãi hẹp lại, nhưng năm lũ nhỏ, mưa ít bãi lại phình ra. Một lý do khác là Lý Công Uẩn dùng bãi này làm nơi luyện tập thủy quân.
Nhà Trần cũng tiếp nối nhà Lý và từ Bãi Giữa thủy quân nhà Trần đã bao vây đánh tan quân Nguyên trong trận Đông Bộ đầu tương ứng với đầu phố Hòe Nhai ngày nay. Bãi Giữa là tên Nôm, còn tên chữ là Trung Hà có nghĩa là giữa sông. Dòng sông Hồng khi chảy đến Bãi Giữa thì chia làm hai nhánh, nên khúc sông này còn gọi là Nhị Hà.
Nửa đầu thế kỷ 20, Bãi Giữa trở nên xanh mướt khi dân chúng trồng ngô, khoai lang, sau đó trồng dâu nuôi tằm. Từ đầu đến cuối bãi có một con đường chính, hai bên có các đường xương cá vào các xóm lưa thưa nhà lá. Duy nhất chỉ có một ngôi nhà gạch ở gần chân cầu Long Biên là nhà nuôi tằm của ông Nguyễn Thừa Đạt, người giàu có nhất bãi.
Bãi Giữa đã trở thành điểm du lịch khi chính quyền Pháp cho làm cầu thang từ cầu Long Biên xuống. Từ năm 1947 đến 1954, lo sợ Việt Minh phá cầu Long Biên nên quân Pháp thường xuyên tuần tra trên sông, quanh bãi.
Sau năm 1954, ở đây có hợp tác xã trồng dâu chăn tằm. Những năm nước sông lên to nước chảy xiết làm lỡ bãi, cá lao vào ăn côn trùng, lúc này cánh thuyền chài thả lưới vây bao quanh lần nào kéo lên cũng trúng mẻ lớn.
Sống ở Bãi Giữa có một nhà thơ, ông là Thanh Hào, người được biết đến với nhiều bài thơ hay trong đó có bài “Cái trống trường em” và “Bóng mây” từng được in trong sách giáo khoa tiểu học. Câu thơ trong bài “Bóng mây” giản dị mà chứa chan tình cảm “Hôm nay trời nắng như nung/Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày/Ước gì em hóa thành mây/Em che cho mẹ suốt ngày nắng râm”.
Khi không quân Mỹ chưa đánh bom Hà Nội nhà ông là nơi thường xuyên tụ họp của các nhà văn, nhà thơ. Họ ra đây vì nhà ông có rượu và ông có tài bắt cá sông làm mồi. Và ở đây, họ tha hồ đọc thơ, ca hát không làm phiền ai và cũng thoải mái nói chuyện không thể nói trong phố.
Ngày 29/3/1966, Hà Nội bắt đàu bị máy bay Mỹ đánh bom và cầu Long Biên là trọng điểm. Bom đánh trúng cầu mấy lần và bom rơi xuống bãi và sông nhiều không đếm được. Cuối tháng 12/1972, một quả bom B52 đã rơi xuống Bãi Giữa cướp mất hai đứa con yêu quí của nhà thơ.
Sau khi đổi mới Bãi Giữa thay cây dâu bằng cây chuối. Ở góc bãi thành nơi bơi lội thường xuyên của đàn ông trong phố. Nhưng nay sông cạn nước, nhánh sông phía nội thành giờ chỉ còn là lạch nhỏ nước ô nhiễm. Đã có kiến nghị biến Bài Giữa thành khu giải trí, giá mà biến thành khu rừng giữa sông thì tuyệt hơn.
TIN YÊU
- Theo chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa công bố danh sách 100 thành phố ẩm thực tốt nhất thế giới năm 2024. Hà Nội xếp ở vị trí thứ 40, Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 56, Huế xếp ở vị trí thứ 35..
- Quảng trường trung tâm hành chính huyện Mê Linh, Hà Nội rộng gần 10.000m2 đang được Ban tổ chức khẩn trương lắp đặt, trưng bày đủ các loại hoa, cây cảnh, hứa hẹn mang đến một lễ hội hoa tràn ngập sắc màu... Đây là lần thứ 2 Festival hoa Mê Linh được diễn ra.
- Từ ngày 27 - 29/12 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) diễn ra Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
- Các hoạt động chào năm mới 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 31/12/2024 và 1/1/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), giới thiệu nét văn hóa đầu Xuân với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán truyền thống, đặc trưng các dân tộc.
- Tết Dương lịch năm 2025, thành phố Hà Nội có tổng số 5 điểm bắn pháo hoa với 6 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp. Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút, từ 0h đến 0h15 ngày 1-1-2025. Còn Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thành phố Hà Nội tổ chức tổng số 30 điểm bắn pháo hoa với 31 trận địa (trong đó, 10 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và 21 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp).