BÊN DÒNG THỜI GIAN
“Bác muốn mua gì thì mua nào”
“Mùi tàu đây, có 2 nghìn rẻ. Rau dền cơm này, sung này, mướp này,...”
Từ sớm, khu chợ này đã rộn rã tiếng chân bước, tiếng chào hỏi bán mua. Hà Nội cũng chuyển dần sang mùa hạ. Mặt trời thức giấc sớm hơn mọi khi gửi theo màu nắng ban sáng dịu nhẹ và mát lành như nắng thu.
Tranh thủ lúc trời còn mát, từ 6 giờ sáng, các bà các mẹ đã tụ tập đông đủ bên hồ Gươm. Họ chia thành nhiều nhóm để tập luyện những bộ môn khác nhau như dưỡng sinh hay yoga. Đều đặn duy trì thói quen thể dục sáng hàng chục năm nay, bà Ngô Thị Nga, 78 tuổi, đã thực sự cảm nhận được “bước chân” của mùa hè:
“Cũng có buổi sớm nắng đã gay gắt nhưng ở mức độ cũng bình thường, không đáng kể. Bởi vì nơi đây (hồ Gươm) là lá phổi của khu này nên không đến nỗi gay gắt”.
Sau buổi tập kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, những người phụ nữ này lại rẽ vào khu chợ quen thuộc để mua sắm thực phẩm cho bữa cơm gia đình. Quá trình chọn lựa nguyên liệu là lúc cô Nguyên nhận ra khẩu vị gia đình mình thay đổi nhiều khi hè sang:
“Đa số thì ăn đồ mát, ví dụ như ăn đồ trộn. Gia đình ở nhà thì mùa hè chỉ ăn canh chua, rau luộc. Ở đây (Hà Nội) có 4 mùa rõ rệt đâm ra dễ ăn uống, mùa nào ra mùa nấy. Mùa đông thì không ăn các loại canh mấy, chỉ ăn đồ xào. Mùa hè đa số ăn chua, ăn đồ luộc”.
Có vẻ, mùa hè Hà Nội còn có thể được nhận biết qua thói quen ăn uống của thực khách. Nắm bắt tâm lý này, chị Hòa, chủ một gánh chè nhỏ trên phố cổ đã tinh tế thay đổi thực đơn của mình. Thay vì những món chè đặc quánh như chè đỗ đen, chè bà cốt, thì gánh chè của chị giờ đây chỉ có tào phớ và các loại chè nước ăn kèm với đá.
"Con ăn gì nào?
Tào phớ ạ! Nhưng mà ít ngọt thôi cô nhá. Bao nhiêu ạ?
15 nghìn con ơi. Con có cho thạch hay trân châu không?...”
“Mùa hè thì tôi bán lạnh, mùa đông thì bán nóng. Mùa hè thì đỗ đen đá, tào phớ đá. Mùa hè thì phải ăn vậy cho nó mát, có đá nó mới mát”.
Để tăng thêm hương vị, nhiều gánh chè đã điểm xuyết thêm vài loại “topping” có tính mát. Thạch đen cũng là món “yểm trợ” chè đỗ đen đá rất cừ. Vị thạch mát dễ chịu đến nỗi khách vẫn chấp nhận cách pha trộn này dù có làm cho màu cốc chè không được đẹp.
Chuông đồng hồ điểm 10 giờ sáng, ấy là lúc sắc độ của nắng hè trở nên gay gắt hơn. Nắng như trút lửa vào từng ngõ hẻm, khiến bầu không khí càng oi ả, ngột ngạt.
Dưới cái nắng chạm đỉnh 40, 45 độ, những người phải làm việc ngoài trời dường như gắt gỏng hơn. Họ che chắn kín mít từ đầu đến chân và đôi lông mày nhăn tít lại. Chú Nguyễn Văn Bá làm nghề chạy xích lô hơn 30 chục năm, cũng là một trong số những người lao động ấy. Giữa trưa hè, chú Bá vội tìm đến bóng cây râm mát gần ngã tư đèn đỏ để trú chân:
“Trưa nắng thì thường chú phải nghỉ trưa, bởi vì nắng mà mình cứ đạp suốt thì không thể đạp nổi. Mình phải có thời gian ăn và nghỉ ngơi tầm 1 - 2 tiếng rồi lại đi làm. Tầm 10 giờ chờ cho đến tầm 3 giờ chiều để nắng giảm đi thì mới tiếp tục làm, mới có khách”.
Vừa dứt lời, chú Bá tiếp tục đạp chiếc xe xích lô lao vào dòng người tấp nập. Cũng như chú, người dân Hà Nội buộc phải tìm nhiều cách để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt này.
“Những lúc mà lên 40 - 45 độ, ai ra đường thì nên trú nắng, hoặc là ở nhà. Tại vì cái nóng của Hà Nội đến mức độ được thời sự đưa tin là chỉ cần để quả trứng lên chảo giữa trưa nắng mà trứng cũng chín. Ông cũng có tuổi rồi nên hạn chế ra ngoài. Nước thì mình nên uống nhiều, uống có tí muối vào sẽ giúp mình chống mất nước”.
“Hà Nội đông dân, nóng oi bức lắm. Lúc nào cũng nóng, không khí xe cộ nhiều, ngồi không cũng nhiễm nóng. Để đỡ nóng thì không nên ra ngoài nhiều, ở nhà có quạt mát. Càng ra ngoài càng nóng, trong nhà bao giờ cũng đỡ hơn”.
“Mùa hè phải dùng nước nhiều, uống nước nhiều. Ăn thì không ăn được mấy nhưng mà nước thì phải uống”.
Sắc màu cuối trong ngày mà mùa hè để lại cho Thủ đô chính là sắc đỏ của hoàng hôn. Chiều về, cái nắng gay gắt dần dịu lại, mặt trời lặn khuất sau những tòa nhà chọc trời và nhuộm đỏ mọi cảnh vật. Đây là thời điểm lý tưởng để các bạn trẻ ghé thăm Hồ Tây và lưu giữ những bức ảnh hoàng hôn lãng mạn, đầy chất thơ.
“Đối với mình, Hồ Tây là nơi ngắm hoàng hôn đẹp và thơ mộng nhất. Cái khoảnh khắc mà mặt trời từ từ lặn xuống rồi chuyển màu từ vàng cam đến sắc tìm đỏ thực sự khiến mình rung động. Thi thoảng, không có việc gì thì mình lại rủ bạn bè ra đây để thư giãn và làm dịu đi những căng thẳng cuộc sống”.
Vẻ đẹp hoàng hôn trên hồ Tây không chỉ làm bạn Đỗ Yến Thảo say mê mà còn níu chân biết bao người dân Hà Nội, thậm chí cả những người con đã gắn bó cả đời với mảnh đất này như ông Nguyễn Văn Lộc, 80 tuổi.
“Ở đây rất thoáng nên làm cho người ta cảm thấy thoải mái, sảng khoái lắm. Còn về hoàng hôn, nói ở góc độ nào đấy thì ngắm mặt trời rất là đẹp và cảm nhận thấy có một cái gì đấy cứ lâng lâng trong người. Bởi hồ Tây không như các nơi khác bị chắn hoặc che bởi những công trình cao, cây cao, không gian tương đối rộng mở”.
Vừa kể, ông vừa dõi mắt nhìn theo những cánh diều chao liệng trên bầu trời ở khu đô thị gần đấy. Cảnh hoàng hôn ngày hè như đưa ông trở về với những ký ức đẹp đẽ thuở ấu thơ, về những cánh diều đầy màu sắc nâng giấc mơ tuổi thơ bay cao, bay xa.
“Vào thời gian tuổi trẻ thì ông cũng hay đi ra ngoài bờ sông thả diều, đá bóng hoặc chơi các môn thể thao nói chung. Khi mà ra đến ngoài bờ sông ý, ven sông Hồng mà đứng thả diều thì gió lồng lộng, cũng sung sướng. Sau này, có thêm cháu nội cháu ngoại thì ông cũng tạo hình ảnh diều cho các cháu cảm nhận thấy. Nhưng thành phố cũng không có chỗ thả, vướng cây vướng cối hoặc dây điện, bị hạn chế về không gian”.
Những cánh diều bay cao, cao mãi, ve vuốt tâm hồn người Hà Nội. Cánh diều khép lại ngày hè, vỗ về những mệt mỏi, oi bức của nắng ban trưa.
Có người nói vui rằng, Hà Nội vào hè chẳng khác nào người con gái đỏng đảnh, khó chiều. Bởi hiếm có mùa nào khiến tâm trạng con người thay đổi liên tục như thế. Từ những tia nắng mát dịu khẽ đánh thức thành phố, đến cái oi ả, ngột ngạt kéo dài nhiều giờ đồng hồ, khiến người ta mỏi mệt.
Rồi khi hoàng hôn buông xuống, Hà Nội lại trở nên dịu dàng, lãng mạn đến lạ. Âu đó cũng là cách mà mùa hè Hà Nội tạo dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người…
SỐNG Ở HÀ NỘI
Trên mảnh đất nhiều di tích như Kẻ Sở- Xuân La, động Thông Thiền vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà sử học, khảo cổ học. Với một sinh ra và lớn ở Hà Nội và niềm đam mê khảo cứu về mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã tìm ra những điều gì về Bí ẩn động thông thiền?
Phường Xuân La, quận Tây Hồ có hai di tích cổ nằm sát bên nhau là chùa Khai Nguyên và đình Quán La. Đình Quán La và chùa Khai Nguyên được xây trên một quả núi đất gọi là Thất tinh.
Đình thờ thành hoàng làng là Duệ Trang cùng hai người em bà, gọi là hai Chầu Bà - những người đã có công khai phá đất đai vùng này và dạy dân cày cấy. Hiện tại đình còn lưu giữ 18 sắc phong thời Lê Trung hưng thế kỷ 17.
Trước cửa đình và cổng chùa vẫn còn cây đa và một cây thị, cả hai cây cổ thụ này được Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam gắn biển cây di sản năm 2010. Từ đầu thế kỷ 20, thân của hai cây đã rỗng nhưng lạ kỳ cây không chết mà đến nay vẫn sống xanh tốt.
Trong kháng chiến chống Pháp, vì cây đa vốn đã cao lại nằm trên núi đất nên du kích xã đã đặt trạm canh trên ngọn, ban ngày du có người ngồi gác, nếu phát hiện lính Pháp từ đồn Bưởi hay trong Thành đưa quân đi càn lập tức họ sẽ báo cho đội du kích vùng chuẩn bị phương án đối phó.
Còn bên trong phần rỗng của cây thị, cứ ngày rằm hay mồng một, nhiều người quanh vùng vào bên trong thắp hương cấu khấn thần phù hộ.
Nhưng bí ẩn nhất là dưới đình Quán La có một cái động, người xưa gọi là động Thông Thiền. Cửa động nằm sau hậu cung nhưng hiện tại đã bị đất và gạch ngói vỡ lấp kín ệng. Trong nửa đầu thế kỷ 20 cửa động chưa bị lấp đứng ở ệng động thấy đen ngòm.
Khoảng năm 1943, Viện Viễn Đông Bác Cổ cho người xuống khảo sát nhưng chỉ vào được gần ba chục mét phải quay ra vì thiếu ô-xy và đèn mang theo không đủ ánh sáng để rọi đường. Năm 1964, một đơn vị thông tin của quân đội đóng quân ở đình đã đặt một máy phát điện gần cửa hang.
Thời gian này cửa động vẫn chưa bị lấp. Có anh bộ đội vì tò mò đã lom khom dùng đèn pin chui vào phát hiện ra các ngách rẽ.
Từ lâu có nhiều giả thiết khác nhau về động này. Theo nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, có thể động do vua Lý Thần Tôn xây. Tuy nhiên cụ Hoàng Đạo Thúy cũng không nói rõ vua Lý Thần Tôn xây động Thông Thiền để làm gì.
Có nhà nghiên cứu khác tiếp ý cụ Thúy lý giải rằng, Lý Thần Tôn xây động vì các vua triều Lý đều mộ đạo Phật và đạo Phật trở thành quốc đạo nên việc xây động mang ý nghĩa tâm linh: “Thông Thiền nghĩa là âm dương hòa hợp thì việc triều chính sẽ hanh thông”.
Song các nhà nghiên cứu của Viễn Đông bác cổ dựa vào động có ngách lại cho rằng, đây là ngôi mộ có niên đại từ đời Hán, ngách dùng để đồ thờ cúng. Một giả thiết khác của kiến trúc sư Nguyễn Lăng đưa ra khi nghiên cứu gạch trùng tu đền và gạch xây ở cửa động có niên đại nhà Tràn nên rút ra kết luận, động này xây từ thời Trần, dùng làm nơi ém quân đánh giặc Nguyên Mông.
Đến khi Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, nghĩa quân đã dùng hang này làm nơi cất giấu lương thực. Giả thiết này cũng không thuyết phục vì gạch bên trong động khác với gạch cửa động, có chạm trổ hình hoa khế và tứ linh (long, ly, quy, phượng), một loại gạch cổ được cho là sản phẩm từ thế kỷ thứ 9. Cho đến ngày nay việc tìm hiểu chỉ dừng lại ở đó.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm di tích này vào năm 1958 và 1965. Năm 1959, Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Nhật Thành thăm Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn ông đến thăm đình.
TIN YÊU
- Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 12/7 đến 16/7 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ có nhiều sự kiện, hoạt động nhằm tôn vinh nghề trồng sen, bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.
- Bên trong vẻ ngoài cũ kỹ, hằn dấu vết thời gian của các khu tập thể cũ, vẫn còn đó những giá trị vô giá, là nơi lưu giữ nhiều ký ức về nếp sinh hoạt cũ gắn liền với lịch sử hơn nửa thế kỷ thăng trầm của đất và người Hà Nội...
- Ký ức về nghệ thuật hát xẩm và đặc biệt là dòng xẩm tàu điện gắn với những bài hát ngợi ca vẻ đến chốn Kinh kỳ được sống lại qua chuỗi sự kiện Say xẩm do các bạn sinh viên chuyên ngành Quản lý giải trí và sự kiện (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tại quán cà phê Phố Hàng (251 đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm).
- Nằm ven bờ sông Hồng có một thư viện nhỏ, ấm cúng tại thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì). Thư viện được đặt tên là Mạnh An (tên tự của danh nhân văn hóa Nguyễn Như Đổ) được góp công, góp sức xây dựng trên tinh thần đồng lòng của các anh em trong cùng một dòng họ. Thư viện lập lên với mong muốn nuôi dưỡng những ước mơ vươn tới tri thức của những đứa trẻ ở địa phương.