Hà Nội sống và yêu: Cung Thiếu nhi, ngôi nhà của tuổi thơ

Với nhiều người Thủ đô, Cung Thiếu nhi (36 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội) hơn 40 năm qua là điểm đến quen thuộc, thân thương và cũng là cả "bầu trời tuổi thơ", nơi từng ươm mầm các tài năng nghệ thuật của Hà Nội cũng như của cả nước.

Cuộc sống có nhiều thay đổi, trẻ em Thủ đô cũng có cơ hội tiếp cận những trò chơi, thú chơi mới… Nhưng với nhiều người Hà Nội, “ấu trĩ viên” năm xưa là một di sản kiến trúc hiện đại và là ký ức tuổi trẻ Hà Nội…

BÊN DÒNG THỜI GIAN

“Giấc mơ đẹp thì ít khi tìm đến. Còn ký ức đẹp, là thứ mình có thể tự tạo ra”. Từ Ấu Trĩ Viên năm xưa đến Cung Thiếu nhi hôm nay, bao thế hệ tuổi thơ Hà Nội đã trưởng thành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng nước nhà… Chia sẻ của bà Thanh Diệp – Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội:

"Sau khi giải phóng thủ đô, trong bộn bề khó khăn của đất nước nhưng Bác Hồ đã quan tâm tới thế hệ tương lai của đất nước. Đã dành khu đất này – trung tâm nhất của thủ đô là trái tim của cả nước để cho các cháu có điều kiện vui chơi phát triển".

Cung thiếu nhi khi mới hoàn thành (1978-1980) - Ảnh: TL

Cung thiếu nhi Hà Nội ở số 36, 38 Lý Thái Tổ gồm những công trình kiến trúc rất đặc trưng của Hà Nội là biệt thự pháp và kiến trúc kiểu Xô viết. Nơi chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đại diện chính phủ Pháp ký hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946. Nơi ươm mầm chắp cánh và lưu giữ nhiều tầng ký ức của tuổi thơ Hà Nội.

Bây giờ, mỗi lần đi qua đây là hình ảnh những bức tường cũ kỹ nứt vỡ theo thời gian, những mảng cỏ cây ít được chăm sóc, những cầu trượt đu quay dỉ sét chỏng trơ… Khác hẳn vẻ hiện đại của một thiết chế văn hoá đầu tiên của Việt Nam trong những ngày đất nước còn chiến tranh.

Nó cũng không còn là nơi vui chơi tập trung của thiếu nhi thủ đô mỗi dịp 1-6 như trong ký ức của NSUT Hồng Kỳ - người đã gắn bó cả tuổi thơ của mình tại cung thiếu nhi Hà Nội:

"Tôi cảm động và tôi nhớ lại những hình ảnh chúng tôi được biểu diễn cho bác Hồ vào những đợt mùng 1-6 hoặc trung thu. Bác đến tận đây chỉ nửa tiếng hoặc 45 phút, và tôi đã được hát cho bác nghe. Tôi chỉ mong rằng tất cả những cái thuộc về lịch sử của Hà Nội, của cung thiếu nhi Hà Nội, của ấu trĩ viên cũ vẫn được gìn giữ".

Ảnh: Reatimes

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng từng sinh hoạt ở đây khi ông mới 12 tuổi. Với ông cung thiếu nhi Hà Nội không chỉ có giá trị lịch sử mà nó còn là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt cùng với các di sản kiến trúc khác của Hồ Gươm:

"Cung thiếu nhi Hà Nội nằm trong 1 tổng thể kiến trúc cảnh quan có lẽ đẹp nhất nhì Hà Nội bây giờ. Kết nối từ Hồ Gươm tới ngân hàng quốc gia VN. Hai bên vườn hoa đó là các công trình có tỷ lệ phù hợp, có những chi tiết trang trí nhã nhặn, mang đậm giá trị ký ức về nghệ thuật, lịch sử hình thành phát triển nước VNDCCH, bây giờ là nước CHXHCN Việt Nam. Do vậy lưu giữ cung thiếu nhi Hà Nội thể hiện cái tầm nhìn của một thành phố, một quốc gia".

Còn kí ức của ca sĩ Ngọc Khuê vẫn hiện hữu như ngày nào, tòa nhà Pháp cổ trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng vẫn hiện hữu như ngày nào, nhưng dường như sự hiện hữu đó không còn được như xưa:

"Khuê còn nhờ ngày xưa khi được sinh hoạt ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Bố đạp xe đưa Khuê đến Cung thiếu nhi Hà Nội học. Có những chương trình phải tập rất muộn rất khuya bố mẹ phải ở cạnh con. Không chỉ riêng gia đình Khuê mà cả các đội viên khác…"

Ảnh: Reatimes

Trong hồi ức của những cán bộ làm việc tại đây, mỗi dấu mốc thay đổi về kiến trúc, về công năng sử dụng của Cung vẫn trở đi trở lại mỗi khi nhớ về hay đi qua con phố Lý Thái Tổ, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bích – Nguyên phó giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội:

"Khi nhà 6 tầng được xây lên đã bỏ đi một bể bơi rất to và một vườn cây, có hoạt động trẻ em. Nên giữ ở trung tâm Bờ Hồ, Hà Nội này một ngôi nhà cổ là nơi sinh hoạt của các em, là trái tim, là tình cảm, là nơi lịch sử giữ gìn tuổi thơ của bao thế hệ".

Là người tâm huyết với bảo tồn đô thị, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng từng sinh hoạt tại cung thiếu nhi Hà Nội, sau đó là con ông và giờ là cháu ông. Điều mà ông trăn trở là khi cung thiếu nhi Hà Nội mới được xây dựng ở Cầu Giấy đi vào hoạt động, thì cung thiếu nhi cũ sẽ ra sao? Ông cảm thấy bất an cho số phận của một địa chỉ văn hoá lịch sử đặc biệt này:

"Phải rất thận trọng vì 8000m2 ở đấy là khu đất vàng. Người ta sẵn sàng biến nó trở thành cái gì đó để ra tiền. Và tôi cũng có kiến nghị rồi, Hà Nội rất thiếu khu vui chơi cho trẻ cho nên phải giữ lại và đây là công trình di sản đặc biệt.

Chúng ta đã mất rất nhiều di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế mà chúng ta quên đi một điều là tiền không mua được văn hoá, tiền không mua được di sản, nhưng di sản sẽ tham gia vào phát triển kinh tế. Và một điều quan trọng nữa là tham gia vào định hình cho một thế hệ".

Những em bé Hà Nội hôm nay có nhiều điều kiện để giải trí. Còn trong thời kỳ khó khăn chiến tranh bao cấp, cung văn hoá thiếu nhi Hà Nội chính là ngôi nhà văn hoá duy nhất của những em bé Hà Nội.

Và hơn nửa thế kỷ gắn bó – nó đã trở thành di sản ký ức của người Hà Nội…

Hà Nội có một lịch sử hỏa hoạn, đời vua nào cũng xảy ra cháy lớn (Ảnh Hoàng Thành Thăng Long: Khoa học đời sống)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Rạng sáng ngày 25/5, một vụ cháy kinh hoàng xảy ra trong một con ngõ hẹp ở phố Trung Kinh, phường Trung Hòa cướp đi sinh mạng của 14 con người vô tội.

Gần một năm trước, tháng 9/2023, chung cư ni số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình bị cháy trong đêm làm chết và bị thương trên 100 người. Hà Nội xưa cũng từng xảy ra nhiều vụ hoả hoạn. Cách họ từng xử trí ra sao? 

Hà Nội có một lịch sử hỏa hoạn, đời vua nào cũng xảy ra cháy lớn. Năm 1278 kinh đô Thăng Long  cháy lớn khiến vua Trần Thánh Tông đã thân hành xuống tận nơi. Thất vọng trước việc chậm chạp dập lưa cứu người, vua lệnh tập hợp tất cả  đàn ông rồi sai quan sờ đầu.

Người nào tóc tai ướt đẫm, vướng bồ hóng tức là đã  tham gia chữa cháy sẽ được thưởng công, ngược lại người đầu tóc sạch sẽ chúng tỏ đứng xem đám cháy sẽ bị phạt rất nặng. Xưa Hà Nội thường xuyên xảy ra cháy vì nhà chủ yếu là  tre lợp lá, bất cẩn chuyện củi lửa là sinh hỏa hoạn mà nhà lại san sát chậm cứu là cả dãy phố bị thiêu rụi.

Vì cháy quá nhiều của cải gom góp tích lũy theo lửa thành tro nên dân chúng Thăng Long phải xây đền thần hỏa ở trước cửa đông của kinh thành. Ngày một, ngày rằm, người trong phố đại diện thắp hương cầu khấn thần lửa thương dân chúng đừng gây hỏa  hoạn. 

Để phòng hỏa, triều đình có lệnh dụ cấm nhà dân trong kinh thành không ủ lửa, thắp đèn khi đi ngủ. Để cứu hỏa, nhà nào cũng phải có chum nước và câu liêm. Nước để dập lửa còn câu liêm để giật  mái nhà bên cạnh làm đường ngăn tránh lửa lan rộng. Quan phủ sẽ điều tra nguyên nhân nếu bất cẩn chủ nhà sẽ bị  phạt còn nếu bị phóng hỏa để trả thù thì quan truy tìm kẻ gây ra tội ác.

Theo sử sách, tuy xảy ra nhiều vụ cháy nhưng số người chết lại rất ít vì triều đình qui trách nhiệm cho trưởng phường, lo sợ trách nhiệm,  họ sai lính lệ đi kiểm tra ngày đêm và bằng mọi gái phải cứu người. 

Luật pháp xưa nghiêm trị những ai gây ra hỏa hoạn (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia)

Khi Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1902 họ đã mang thiết bị sang và lập đơn vị cứu hỏa chuyên nghiệp. Thời bao cấp, ngoài các đội cứu hỏa của công an, các khu phố đều có đội nghiệp dư do dân phòng đảm nhiệm. Họ là dân ở sống tại khu phố được  công an tập huấn nghiệp vụ chữa cháy bằng dụng cụ đơn giản và sơ cứu người.

Khi Mỹ đánh bom Hà Nội các đội dân phòng đã góp phần đáng kể dập tắt lửa do bom gấy ra đồng thời khiêng nạn nhân bị thương đi cấp cứu.Thời bao cấp số vụ cháy ở khu dân cư không nhiều vì các gia đình chấp hành nghiêm qui định phòng hỏa cứu hỏa. Và thường là  cháy nhỏ nên số người không may bị chết hay thương vong cũng ít.

Nhưng hôm nay số vụ cháy lớn trong năm tuy không nhiều song nếu cháy chung cư, khu trọ thì hậu quả thường thảm khốc vì đó là những nơi tập trung đông người. Hầu hết các cửa sổ, ban công đều có rào sắt chống trộm, không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra sự cố không có lối thoát thân.

Nếu ngày xưa người chết vì thiếu ô xy thì nay chết còn vì khói độc. Trong các gia đình đều có đủ các đồ dùng làm bằng vật liệu khi cháy sinh ra khí độc hại.

Hiện nhà nước đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật  về phòng cháy, chữa cháy. Hầu hết các vụ cháy đều do chủ nhà chủ quan và  đơn vị chức năng thiếu kiểm tra. Khi điều tra ra nguyên nhân cũng chẳng ích gì, chỉ xử kẻ gây ra hỏa hoạn nhưng cũng đâu có làm những người vô tội sống lại…

Quang cảnh tái hiện nghi lễ cung đình vào dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)

TIN YÊU

- Trong 5 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.641 nghìn lượt người, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Nhằm bảo tồn, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”. Đây là chương trình trong chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ 2024 và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

- Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa giới thiệu website các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn với tên gọi “360o Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”. Đây là một trong những dự án thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận, đồng thời, góp phần đẩy mạnh quảng bá du lịch văn hóa, giới thiệu các di tích lịch sử cũng như phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn quận.

- Thời gian qua, Hình ảnh nhóm Hà Nội Xanh ệt mài vớt rác, làm sạch nhiều dòng sông tại Hà Nội đã trở nên quen thuộc. Họ mong muốn hồi sinh những 'dòng sông chết' tại thủ đô và khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.