Giai đoạn giao mùa từ thu sang đông là thời điểm cúc họa nở. Đi ngắm hoa, chụp ảnh cùng hoa dần trở thành một nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Hà Nội.
BÊN DÒNG THỜI GIAN
Cúc họa là một trong những loài hoa vẽ lên bức tranh giao mùa của Hà Nội. Người ta nói cúc họa là loài hoa báo mùa đông đến nhưng tôi lại thấy nó là loài hoa sinh ra để tô điểm thêm cho mùa thu Hà Nội; chỉ khác, cúc họa nở đúng vào thời điểm thu tàn, đông đến, như lời chào lưu luyến với mùa vàng của thủ đô.
Những ngày này, những người chăm sóc thảo nguyên hoa Long Biên (Hà Nội) đều tất bận cho một vụ cúc hoạ mới – chở mùa về qua phố. Chia sẻ của những người thợ chăm hoa tại đây:
"Thời điểm này là hoạ đang trổ bông và tươi tốt đấy. Tiếp tục chúng tôi phải chăm sóc đi tưới để nó xanh tươi hoa, không tưới thì khô héo. Hoa này phải tưới 2 lần sáng và chiều".
"Mọi ngày chúng tôi đi tưới từ lúc 6h tới 8h là chúng tôi nghỉ đi làm việc khác, đi làm cỏ hoặc cuốc xới".
Cúc họa có lẽ sẽ không được chú ý nhiều đến thế nếu xuất hiện ở một nơi khác, một khoảnh khắc khác. Phải là Hà Nội. Khi cơn gió heo may làm lạnh những bờ vai nhỏ, khi cái nắng hanh hao tắt dần nhường chỗ cho gam màu xám, khi ra đường người ta cần khoác thêm chiếc áo ấm hay đơn giản là chiếc khăn quàng cổ… là lúc cúc họa về tô điểm sắc màu cho đường phố Hà thành.
Cũng bởi sự mỏng mảnh trong cái gió cuối thu đầu đông mà những người chăm hoa phải hiểu và thương thế nào để chăm được những bông hoạ vững vàng trong gió sớm như chia sẻ của anh Nguyễn Đình Bộ - quản lý thảo nguyên hoa Long Biên:
"Cúc hoạ thì cánh rất mỏng manh phải chăm chút từ lúc tưới đến khi chăm sóc đều phải có chế độ tỉ mỉ, có chế độ dinh dưỡng cẩn thận để cây bền hoa và đẹp sắc. Từ lúc trồng nhỏ tới nay là 5 tháng nên trồng rất mất thời gian".
Không rõ cúc họa có tại Việt Nam từ lúc nào chỉ biết rằng đã nhiều năm nay, người Hà Nội vẫn chờ thời khắc sang đông để được ngắm nhìn sắc trắng tinh khôi, thuần khiết đó. Nếu có mặt ở chợ hoa vào khoảng thời gian giữa tháng 11, bạn sẽ được đắm chìm trong một “rừng cúc họa ”.
Chính bởi sự vội đến vội đi của cúc họa mà người bán tranh thủ bán, người mua cũng tranh thủ mua để kịp thưởng ngoạn cái mong manh, cái thuần khiết mang tên cúc họa . Những người con gái Hà Thành cũng tranh thủ để lưu lại vẻ đẹp của loại hoa được coi là “đặc sản” mùa thu Hà Nội:
"Đây là lần đầu tiên mình chụp với cúc hoạ . Mình thấy hoa này rất đẹp và nó như tượng trưng một phần nào đấy của mùa thu Hà Nội".
"Tôi thích chụp cúc hoạ vì nó là đặc sản của Hà Nội. Và cũng đúng mùa sinh nhật tôi, mùa thu, mẹ tôi đặt tên tôi là Thu Hằng. Mỗi một mùa cúc hoạ tuổi thì tăng lên nhưng cứ về với cúc hoạ thì tôi nghĩ mình ở tuổi 16 chứ không phải 61.
Rất yêu mùa này nên năm nào tôi cũng đi chụp cúc hoạ . Lúc nào rảnh rỗi cũng hay mở clip hoặc bức ảnh chụp cúc hoạ mỗi mùa để xem mình có già đi không xấu đi không. Nhưng chỉ thấy già đi thôi chứ không xấu".
"Chúng tôi đã từng học với nhau từ vỡ lòng, cấp 1, cấp 2, và cấp 3 là trường Phan Đình Phùng. Cho đến giờ là cùng với nhau 60 năm nên năm nào chúng tôi cũng rủ nhau một hội bạn từ thửo còn thơ nhau đi chụp cúc hoạ ".
Mỗi loài hoa đặc trưng đều có một vẻ đẹp riêng, là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh chung về Hà Nội. Thế nhưng với nhiều người, hoa cúc hoạ vẫn là nét chấm phá vô cùng đặc biệt, làm nên một Hà Nội rất đỗi bình dị thân thương.
SỐNG Ở HÀ NỘI
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã dời Hoa Lư, mảnh đất cuối non đầu suối ra vùng đồng bằng tươi tốt, có thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” Hđể xây kinh đô mới và đặt tên là Thăng Long. Đất Thăng Long có sông bao quanh nhưng không có núi. Vậy tại sao ngày nay ở khu vực Hoàng thành cũ lại có một quả núi đất gọi là núi Sưa?
Theo quan niệm cổ xưa của người Phương Đông, khi xây nhà người ta cũng phải xem phong thủy. Nếu dựng chùa, đình, ếu và đặc biệt là xây dựng kinh đô thì phong thủy càng được coi trọng. Phong thủy của một công trình lớn thường là phía trước mặt có núi, đồi hay mô đất cao che chắn. Hai bên có vật gì đó đóng vai thần hộ vệ và phía sau công trình bắt buộc phải có khối cao làm hậu chẩm.
Tất cả bao quanh công trình có ý nghĩa tâm linh ngăn chặn không cho thế lực hắc ám xâm phạm. Với kinh thành, theo phong thủy bên trong phải có sông hay suối chảy qua gọi là long mạch mới vượng khí, các điện, cung cũng có gò đất che chắn, nếu tự nhiên không có thì phải làm nhân tạo.
Tuân theo các nguyên tắc phong thủy, Hoàng thành Thăng Long có long mạch là sông Tô Lịch, song không có núi tự nhiên nên vua Lý Công Uẩn đã cho đắp núi đất gồm: Núi Voi (khu vực Nhà máy bia Hà Nội hiện nay), thời Trần núi này để buộc voi chiến.
Góc phía Đông Bắc thành có ba ngọn núi đất hợp lại gọi là Tam Sơn. Phía Tây Bắc có Khán Sơn. Một ngọn núi khác là Sưa Sơn (trong Vườn Bách Thảo hiện nay) trên đỉnh có một ngôi đền nhỏ có tấm biển ghi dòng chữ: “Sưa sơn lăng ếu”, tức là “ngôi ếu trên núi Sưa”, thờ Huyền Thiên Hắc đế.
Sưa là một loài cây gỗ quý, trước đây được trồng trên núi này, vì thế có tên là núi Sưa. Ở vị trí Điện Kính Thiên ngày nay chỉ còn lại đôi rồng đá. Thời Lý, Trần nơi này là núi Nùng. Nùng có nghĩa là mượt mà tươi tốt.
Người xưa quan niệm: “Cao nhất xích vi sơn” nghĩa là cao một thước cũng là núi. Nhưng “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” nghĩa là núi thiêng không bởi cao mà có thần trên đó là thiêng.
Dã sử và chính sử chép, núi Nùng nằm ở giữa làng Long Đỗ, ngôi làng gốc của Thăng Long Hà Nội hôm nay.Trên đỉnh núi Nùng có “lỗ thông hơi” phát ra hơi thở nên người xưa cho là thiêng nên gọi là “Nùng sơn chính khí” tức là khí chất thiêng liêng của Hà Nội cổ. Trên núi Nùng có ngôi đền thờ thần Long Đỗ vì thế thần Long Đỗ trở thành thành hoàng làng. Làng lớn dần, thành huyện, thành phủ thì thần Long Đỗ trở thành “Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân”.
Năm 1010 trở thành kinh đô thì thần Long Đỗ được vua Lý phong là “Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương” tức là không còn là thành hoàng của một vùng đất mà thần của nước Đại Việt. Triều Lý lấy núi làm đài chính điện. Đến thời Lê đền được dời ra ngoài Cửa Đông thành đền Bạch Mã (nay ở số 78 phố Hàng Buồm) và nhà Lê cho hạ núi xây điện Kính Thiên.
Khi vua Gia Long lập ra nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế năm 1802 cho xây lại thành mới năm 1805 nhỏ hơn Hoàng thành thời Lê gọi là Bắc thành vẫn giữ lại các quả núi. Vào dịp tết Trùng Cửu (9-9 Âm lịch) các Nho sĩ Bắc Hà vẫn lên núi Khán Sơn uống Hoàng hoa tửu và đọc thơ. Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp phá thành Hà Nội đồng thời cũng cho san núi nên ngày nay chỉ còn lại núi Sưa.
TIN YÊU
- UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024). Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (29, 30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).
- Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội bao gồm nhiều hoạt động thú vị như: Khu vực ẩm thực quốc tế giới thiệu những món ăn đặc trưng của các quốc gia và không gian trưng bày vật dụng, sản phẩm tiêu biểu của các nước; khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống và hoạt động trình diễn của các nghệ nhân sẽ tái hiện không gian đậm chất làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội.
- Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề 'Hương sắc Thăng Long'. Đây là nơi hội tụ của các nhà thư pháp trên khắp mọi ền đất nước và cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu mến nghệ thuật thư pháp, góp phần tạo nên sức sống của hoạt động thư pháp trong đời sống hiện nay, phục vụ cho cộng đồng.
- Vài tháng gần đây, Vườn thú Hà Nội bỗng trở nên nhộn nhịp với sự xuất hiện của một chú hà mã sơ sinh. Hình ảnh đáng yêu của chú hà mã chân ngắn cũn, lẽo đẽo theo mẹ gây bão mạng, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ đến với Vườn thú.