Hà Nội sống và yêu: Chuyện về những ngôi biệt thự cổ

Biệt thự cổ là di sản tinh thần của người Hà Nội, mỗi viên gạch, mỗi đường nét trạm trổ đều mang trong mình ký ức về một Hà Nội thời "vang bóng”. Trớ trêu thay, nét kiến trúc hiếm hoi ấy đang dần lạc lõng giữa lòng phố thị hiện đại như những mẩu chuyện nhỏ sau đây...

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Cái nắng đầu hè như nhuộm thêm sắc vàng cho ngôi biệt thự cổ ở số 18 Phan Đình Phùng. Bề thế là vậy. Nhưng thời gian đã tàn nhẫn in dấu lên những mảng tường bong tróc lộ gạch đỏ, những viên gạch bị khoét sâu, những khung cửa sắt hoen gỉ mục nát…

Căn biệt thự 2 tầng này là nơi sinh sống của gần chục hộ gia đình từ những năm 54. Từng ấy năm tháng, người ở người đi, người bán người thuê, người đóng cửa để đấy.

Thật hiếm có ai gắn bó cả đời người với ngôi biệt thự như ông Trần Thế Tâm (65 tuổi): "Nguồn gốc của ngôi biệt thự này là của những nhà tư sản Pháp. Sau khi giải phóng Thủ đô năm 54 thì những người tư sản hiến cho nhà nước một phần, người ta ở một phần. Đời bố mẹ chú là người dân đến đây thuê của nhà nước, ở đến bây giờ”.

Phố Phan Đình Phùng, một trong những tuyến phố đẹp nhất thủ đô, không chỉ bởi luôn rợp bóng mát cây xanh mà con phố này còn "sở hữu" rất nhiều biệt thự cổ còn khá nguyên vẹn (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Từ đầu thế kỷ 20, những căn biệt thự kiểu Pháp đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh kiến trúc Hà Nội. Khi xây dựng, người Pháp đã khéo léo điều chỉnh thiết kế ban đầu để phù hợp với khí hậu ền Bắc Việt Nam. Hệ thống cửa sổ gỗ lim, mái lợp ngói và trần nhà cao giúp những ngôi biệt thự này luôn thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Nhưng không ai ngờ rằng, giờ đây, những công trình độc đáo ấy chỉ còn là "một thời vang bóng”:

“Hàng trăm năm nay, căn biệt thự xuống cấp nghiêm trọng quá rồi, muốn sử dụng được thì phải sửa chữa. Tầng một trước kia hầu như chỉ là cửa nhỏ thôi, bây giờ nhu cầu sử dụng phải đập ra để mở cửa hàng. Nhưng tầng 2 vẫn giữ nguyên, hoàn toàn là nhà Pháp cổ. Người ta có cơi nới ra làm cửa kính các thứ chỉ để rộng phần sử dụng nữa thôi”.

Đó là câu chuyện của ông Phan Tuấn Minh về ngôi biệt thự số 144B Quán Thánh. Tầng một của tòa nhà nay đã được tận dụng làm quán nước, với tường sơn xanh đỏ, đèn trang trí lấp lánh. Sự đổi thay này khiến những người nặng lòng với Hà Nội xưa như cụ Nguyễn Phương Đông phải trăn trở:

“Phố nhà cổ, nhà Tây nói chung là một bước tiến về về kiến trúc, về kết cấu đô thị; là nơi ăn, nơi ở của mỗi một giai tầng trong xã hội. Nó có những ưu thế, lợi ích nhất định cho cư dân sống ở ngôi nhà đó, thường gắn với những điều kiện kinh tế.

Hiện nay, đa phần nhà cổ ở Hà Nội đều mang tính chất vừa phục vụ cuộc sống, vừa gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Sau quá trình dài sinh sống, nếp sống của từng nhóm dân cư thay đổi, thành ra kết cấu nhà cũng thay đổi theo cho phù hợp với đời sống hằng ngày. Đa phần rất ít nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn, những phần kiến trúc cơ bản thì người ta vẫn cố giữ nhưng khó”.

Biệt thự cổ nằm sâu trong ngõ trên phố Tăng Bạt Hổ (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Còn với những du khách như chị Nguyễn Mai Phương, sự đổi thay ấy hóa ra lại là một trải nghiệm thú vị: "Mình rất thích cảm giác đắm chìm trong không gian xưa cũ của các quán cà phê biệt thự cổ. Lạ ở chỗ các quán này dù đông, nhưng ít khi ồn ào. Có lẽ bởi ai đến đây cũng mong muốn tìm kiếm sự yên bình, tách biệt khỏi sự hối hả, nhộn nhịp bên ngoài và suy ngẫm về cuộc sống”.

Nhưng chị Phương cũng phải thừa nhận rằng những ngôi biệt thự cổ đang dần trở nên lạc lõng giữa phố thị hiện đại. Nhìn những mảng tường bong tróc, khung cửa sắt hoen gỉ, lòng người không khỏi xót xa: Rồi mai đây, những giá trị lịch sử, văn hóa sẽ đi đâu về đâu? 

“Tất nhiên là ở đây đông đúc, chật chội và xập xệ hơn. Nhưng mình sống ở đây từ bé, nó quen cái nếp sống như thế rồi. Mà kể cả bảo đi chỗ khác chú cũng không thích, quen mất rồi. Chứ còn ở đây thì chật lắm”.

“Để nguyên nhà cổ mà người không còn thì nó chỉ là nhà lưu niệm thôi. Kết cấu, kiến trúc, vật liệu của ngôi biệt thự là dấu ấn mà đất nước, gia đình giữ lại cho cả một quá trình phát triển đô thị”.

“Nhà chúng tôi ở trong ngôi biệt thự cổ này ít nhất đã 3 đời. Có nhà quân số lên đến 6, 7 người. Sau đứa nào lớn có sức thì ra ngoài, còn không có điều kiện thì vẫn ở lại. Những người già ở đây từ những năm 45-54 đến giờ thì họ không muốn đi…".

Dù cũ kỹ và nhiều phần đã bị hư hỏng theo thời gian, nhưng những ngôi biệt thự cổ vẫn có nét quyến rũ, và hấp dẫn (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Bẵng đi vài năm từ khi ý tưởng bảo tồn bằng phương án di dân ra đời,  câu chuyện đi hay ở, sửa hay giữ vẫn là dấu chấm hỏi lửng lơ. 

Với những ai đã gắn bó cả cuộc đời mình nơi đây, không gian biệt thự cổ không chỉ là di sản văn hóa mà còn là hồn cốt của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Mỗi viên gạch, mái ngói đều như những trang nhật ký thầm lặng lưu giữ khoảnh khắc đẹp đẽ của một thời đã qua…

SỐNG Ở HÀ NỘI

Khoảng 20 chục năm nay, ban công biến mất dần khi biệt thự, nhà mặt phố bị đập xây mới. Với các nhà mặt phố, đa phần không có ban công. Để có thêm diện tích sử dụng, họ  đổ dầm bê tông ra không gian công cộng sau đó xây tường hoặc sử dụng kính ốp phẳng.

Điều đó đang khiến bộ mặt đô thị có dáng dấp thế nào? Góc nhìn về Ban Công sẽ được gửi tới qua bài viết sau của Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Ban công là phiên âm từ balcon trong tiếng Pháp có nghĩa là phần làm nhô ra của ngôi nhà. Thế nhưng chỉ cái phần nhô ra nhỏ bé lại đã phản ánh rất nhiều mặt của xã hội.

Ban công là phiên âm từ balcon trong tiếng Pháp có nghĩa là phần làm nhô ra của ngôi nhà. Thế nhưng chỉ cái phần nhô ra nhỏ bé lại đã phản ánh rất nhiều mặt của xã hội (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Trong kiến trúc cổ Phương Đông, trong những ngôi nhà  cao tầng  có ban công, tiếng Hán gọi là lộ đài. Người ta sử dụng con sơn đưa phần nhô ra không gian. Thế nhưng các triều đại  phong kiến Việt Nam đã cấm nhà dân hai bên mặt đường các đô thị trong đó có Thăng Long làm nhà gác  cao bằng vai kiệu trương quan đi tuần nên các nhà ở đô thị không có ban công.

Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi vua đã cho sửa luật do vua Gia Long ban hành, ra qui định mới: "Nhà trong từng trường hợp nào cũng không được xây trên nền hai cấp hay chồng hai mái. Cấm làm nhà có gác cao bằng  kiệu vua" và "Cấm không được trổ cửa sổ ra bên đường".

Quy định này có nghĩa cho phép làm nhà gác song  không được phép làm ban công vì gia chủ đừng ở ban công sẽ  cao hơn kiệu vua. Nếu gia chủ vi phạm  là   bất kính, bị khép vào  tội khi quân.

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội và lập thành phố nhượng địa. Vì là thành phố nhượng địa nên Hà Nội tuân thủ theo luật của nước Pháp. Chính quyền cho cải tạo khu vực phố cổ, xây khu phố mới kiểu đô thị châu Âu ở phía Đông và Nam hồ Gươm.

Nghĩa là gia chủ có tiền sẽ được phép xây nhà  cao tầng theo chiều cao được qui định. Và những ngôi nhà  gác xuất hiện, trên tầng hai có ban công xinh xắn đã xóa bỏ  quan niệm phong kiến độc đoán ở Hà Nội. Ban công là nét tạo hình  trong kiến trúc cổ điển châu Âu và trở nên  phổ biến hơn sau khi bi kịch "Romeo và Juliet" của W.Shakespeare viết năm 1597 được công diễn.

Trong một lớp kịch có cảnh nàng Juliet trên ban công còn chàng  Romeo đứng ở dưới tâm tình. Trong nghệ thuật kiến trúc, ban công là một không gian lãng mạn nhất trong một ngôi nhà.Từ đây,chủ nhân thoải mái hòa nhập với tự nhiên,đón một cơn gió mát mùa  hè,cái giá buốt của mùa đông có thể  quan sát tất cả những gì diễn ra ở phía trước mặt và dưới họ.

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Trong nửa đầu thế kỷ 20, không một đô thị nào ở Việt Nam mà ban công với lan can được trang trí họa tiết vô cùng đa dạng như ở Hà Nội. 

Theo thời gian, và tùy  thẩm mỹ chủ nhân, chất liệu trang trí có thể là gỗ,vữa,sắt,xi măng. Những họa tiết không chỉ nói lên thị hiếu thẩm mỹ mà còn cả thân phận và địa vị xã hội của gia chủ. Không chỉ là trang trí, ban công cũng là nơi gia chủ phô bày quan niệm của họ về nhân sinh khi cho uốn sắt hay đắp vữa chữ: Phúc – Lộc – Thọ.

Lại có gia chủ không giấu giếm khát vọng khi mô phỏng đồng tiền cổ. Còn một kiểu họa tiết gọi là  kết thừng, đó là dạng họa tiết mang tính trang sức và biểu tượng cao. Có người  cho rằng đây là họa tiết kết hợp ý tưởng đoàn tụ của người phương Đông với sự khéo léo trong sử dụng vật liệu sắt của người phương Tây.

Thế nhưng khoảng 20 chục năm nay, ban công biến mất dần khi  biệt thự, nhà  mặt phố bị đập xây mới. Với các nhà mặt phố, đa phần không có ban công. Để có thêm diện tích sử dụng, họ  đổ dầm bê tông ra không gian công cộng sau đó xây tường hoặc sử dụng kính ốp phẳng.

Điều đó vừa vi phạm luật xây dựng vừa  làm cho bộ  mặt phố tẻ nhạt, đơn điệu đô thị. Có điều rất lạ, việc lấn chiếm không gian không hề bị cơ quan chức năng xử lý.    

Ấn tượng triển lãm ảnh 'Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới' (Ảnh: Làng nghề Việt Nam)

TIN YÊU

- Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan và kéo dài đến hết tháng 5/2024 tại số 28A Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, TP Hà Nội).

- Triển lãm ảnh “Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” diễn ra từ ngày 26-4 đến ngày 31-5 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhiều tác phẩm đã đưa người xem sống lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng của 56 ngày đêm chấn động địa cầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Triển lãm còn khắc họa sống động về đại thắng mùa xuân năm 1975 thông qua những hình ảnh tái hiện về trận chiến hào hùng tại chiến trường khốc liệt.

- Điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội vừa được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Việc làng nghề Lệ Mật trở thành điểm du lịch đầu tiên của quận Long Biên sẽ là tiền đề quan trọng để quận phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có tiếp tục phát triển du lịch trên địa bàn, góp phần tạo sự phát triển bền vững của quận.

- Với gần 200 cuộc ra quân trong hơn 1 năm hoạt động, nhóm Hà Nội Xanh đã trả lại màu xanh cho gần 100 con sông tại Hà Nội. Dự án không chỉ hướng tới một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, mà còn lan tỏa thông điệp về việc tạo nên môi trường lành mạnh, đáng sống.