Hà Nội sống và yêu: Bánh rán Việt Nam

Vài năm trở lại đây, ẩm thực của Việt Nam đã được nhiều du khách nước ngoài, các tạp chí quốc tế khen ngợi, một số món ăn đã được vinh danh, lọt vào top những món ngon hàng đầu thế giới.

Trong đó, bánh rán Việt Nam cũng đã được CNN bình chọn, đánh giá và lọt top 30 món ăn chiên rán thơm ngon nhất thế giới. Những quán bánh rán ở Thủ đô có điều gì lưu luyến thực khách tới vậy? 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Bánh rán là thức quà gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ và là món ăn vặt bình dân được người Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên bánh rán ở mỗi vùng, mỗi tỉnh, thành phố lại có một hương vị riêng, cách chế biến khác nhau, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố với cách làm bánh rán đặc biệt.

5 giờ 30 sáng, cửa hàng bán bánh rán của bà Cúc trên phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã mở để chuẩn bị cho ra mẻ bánh đầu tiên trong ngày:

"Tôi mở cửa hàng gần 30 năm rồi. 5 giờ tôi đã dâỵ hàng họ như thế này, cứ bình thường bán rải rác trong ngày, nhiều lứa tuổi, nhất là lớp trẻ rất thích ăn nên dễ bán lắm".

Ảnh nh họa: CNN

Vẫn là những nguyên liệu từ xưa tới nay như bột gạo, đậu xanh, đường thêm chút vừng. Những chiếc bánh rán nhỏ bé, vàng ruộm, tròn xoe vẫn được mọi người yêu thích bao năm nay:

"Để mà nói tôi bán rất nhiều, có ngày nhiều ngày ít, trung bình 3 ngày cuối tuần thì bán nhiều hơn vì ngày nghỉ họ hay đi ăn, cho con cái đi chơi và mua bánh. Khách quen không bao giờ bỏ. Họ ăn tới mức độ là bảo ăn từ hồi phổ thông tới bây giờ vẫn ăn.

Có người có chồng có bao nhiêu đứa con rồi vẫn tới đây. Khách nước ngoài, các em học sinh đến rồi cơ quan nhà nước cũng gọi điện đến để ship cho người ta. Tôi làm 3 loại: 1 loại bánh đường, bánh mật và 1 loại bi lúc lắc. Tôi làm từ trước tới nay đều tròn, không có bánh dẹt.

Có thể những người ở quê lấy về bán buôn lại vẫn đến đây lấy, người ta gọi trước đặt hàng. Kể cả mình làm hay nhân viên làm đều phải vệ sinh sạch sẽ chứ đeo găng tay không làm được vì bột dính lắm".

Trong chiếc tủ kính nhỏ xinh tưởng chừng như khiêm nhường kia là ba loại bánh gồm: bánh rán tẩm mật, tẩm đường và bánh rán vừng luôn tỏa mùi thơm phức, nóng hổi và có sức hút không nhỏ với nhiều thực khách. 7h sáng đã có người mua bánh rán nhà bà Cúc, thường là khách quen lâu năm:

"Em ăn ở đây lâu rồi vì nó hợp khẩu vị nhất, ăn rất ráo không ngấy. Em hay ăn bánh rán bi còn chồng em thích bánh rán mật và không ăn hàng khác. Nó tròn, vỏ ngoài giòn nhưng nhân nếp mềm".

"Nhà cô ở Mã Mây, thỉnh thoảng cô vẫn ra đây nhưng ăn bánh nhà bác này ngon, dẻo mềm. Nhà cô cứ đi đâu là hay mua quà mang đi".

Cách cửa hàng của bà Cúc không xa, cửa hàng của bà Ngô Hạnh Thi cũng đã bán ngót nghét 15 năm nay. Để phục vụ cả khách lạ và khách quen, nhà bà cũng phải làm không ngơi tay:

"Tôi làm 15 năm nay rồi, sáng ra cũng nhào bột để đưa cho siêu thị, cả khách ở xa cũng lấy như Tuyên Quang, Mộc Châu, Nam Định, Hải Phòng lác đác họ về đặt. Tôi bán hàng ngày từ 1000 cái đổ xuống. Lượng bánh tiêu thụ nhiều nhất là tháng 10,11,12. Tôi bán đến 7-8h tối".

Ảnh nh họa: CNN

Buôn có bạn, bán có phường, vậy nên chỉ có một đoạn đầu phố Hàng Chiếu đã tập trung khá nhiều hàng bánh rán. Được cái hàng nào mở ra cũng rất đông khách. Cứ thỉnh thoảng. Người ta lại thấy trên mạng xã hội hay trong các hội nhóm ăn uống ở Hà Nội.

Truyền tay nhau một chiếc clip làm món bánh rán mật vô cùng hấp dẫn. Những chiếc bánh tròn được bọc bởi lớp đường màu cánh gián vàng óng trông vô cùng hấp dẫn. Một vài bạn trẻ đùa rằng: Đây là hàng bánh rán “ngọt hơn người yêu cũ của bạn” bởi chỉ bán bánh rán ngọt. Con phố Hàng Chiếu – cũng vì lẽ ấy mà người ta đặt cái tên “Phố bánh rán”:

"Cứ đi qua đây thì mình mua".

"Em hay mua mật hơn nhưng thường em sẽ mua nhiều".

"Thật ra em thích ở đây vì không ngọt gắt và em thích nhân ở đây hơn".

"Ngày xưa bọn chú là hầu như hãn hữu lắm bố mẹ cho 1000 ra Ngõ Gạch để mua bánh rán. Bánh rán là hàng ăn vặt đâm ra có thể tầm giờ nào cũng ăn được. Nhưng hay nhất là sau giờ ăn sáng, người ta uống chén trà, cafe xong đi ăn. Nhưng bánh rán là quà ăn vặt nên ăn giờ nào cũng được".

Khi ở Hà Nội, có dịp ngang phố cổ, hay bất cứ khi nào thèm ăn đồ ngọt, các bạn hãy thử ghé qua hàng bánh rán này. Cùng xếp hàng chờ đợi để cầm trên tay nhưng bịch bán rán nóng hổi, hương vị ngọt ngào tan chảy của những chiếc bánh rán đường, bán rán mật có lẽ sẽ khiến bạn nhung nhớ không thôi.

Chợ Đồng Xuân xưa (Ảnh tư liệu: Thanh Niên)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Trong suốt thế kỷ 20  Hà Nội lưu truyền câu “kẻ cắp chợ Đồng Xuân” hay “nhanh như kẻ cắp chợ Đồng Xuân”. Câu này như lời khẳng định chợ Đồng Xuân có nhiều kẻ cắp và khi đi chợ này cần cảnh giác. Thực hư là thế nào?

Chợ Đồng Xuân hình thành năm 1889, khi chính quyền thành phố Hà Nội thời đó lấp khúc sông Tô Lịch chảy qua Tổng Đồng Xuân để làm chợ. Ban đầu chợ họp trên bãi đất có hàng rào tre xung quanh. Năm 1890 họ dựng khung sắt và lợp mái bằng tôn. S

au đó họ bỏ rào tre bao tường gạch xung quanh. Từ khi hình thành cho đến cuối thế kỷ 20,  Đồng Xuân là một trong những  chợ truyền thống có mái che lớn thứ hai sau chợ Bến Thành ở TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu chợ không có nhà vệ sinh, đàn bà Pháp đã  kêu lên thành phố  nên năm 1892 chính quyền đã cho xây nhà vệ sinh ở phía phố Hàng Khoai.

Đây là nhà vệ sinh công cộng đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên nó chỉ dành cho phụ nữ Pháp nên người ta gọi là  nhà vệ sinh Đầm. Người Việt bán hàng hay đến đây mua sắm  muốn đi vệ sinh  phải ra phía đông chợ (khu vực phố Cao Thắng ngày nay) tè bậy sau mấy gốc cây duối.

Chợ là nơi giao thương nhưng qua  hàng hóa bán trong chợ cũng phản ánh trình độ  sản xuất, nền kinh tế và độ mở thương mại của quốc gia đó. Chợ Đồng Xuân bán đủ các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, đặc sản của các vùng ền.

Để đáp ứng nhu cầu của kiều dân Pháp, các nhà buôn còn  nhập khẩu các loại rau củ xứ ôn đới,  hàng hóa tiêu dùng nhập từ Hồng Công, Thượng Hải, thậm chí nhập cả táo  từ Mỹ. Là chợ truyền thống  nhưng cách bán hàng ở chợ Đồng Xuân có điểm khác, các nhà buôn lớn có sạp to đều thuê giúp việc bán hàng, họ  ngồi một chỗ thu tiền.

Ảnh tư liệu: Du lịch, Go!

Những người bán dùng tiếng lóng để nhận diện khách và trao đổi với nhau bạn hàng khi họ muốn   tăng giá,  Tây họ gọi là “cú”, người vùng biển họ gọi là “rươi”, người  khu 4 gọi là “cu chớ”, vùng núi gọi là  “thâm”…Trong chợ có hai nhóm chuyên cắp rổ đi theo khách mua, khách mua gì bỏ vào rổ rồi  cắp  ra tận xe và nhận tiền công.

Để phân biệt, một nhóm sơn rổ đựng hàng mầu xanh còn nhóm kia để mộc. Hai nhóm này cạnh tranh khách quyết liệt. Để làm mất uy tín, hai nhóm  thường trộm đồ trong rổ của nhau  vì thế mới sinh ra câu “kẻ cắp chợ Đồng Xuân”.  Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dựa vào trò này  viết  truyện ngắn “Mất  cái ví”. Khi truyện in báo  càng làm cho người ta tin, móc túi ở chợ  Đồng Xuân là có thật.

Thực ra kẻ cắp có gan cũng không dám móc túi vì chợ có viên cảnh sát lượn lờ  quanh các sạp hàng và cách chợ không xa có bót Hàng Đậu. Chợ được sắp xếp gọn gàng, khoảng cách giữa các dãy hàng khá rộng nên  không đến mức chen chúc mua bán. Nếu chúng liều cũng rất khó thực hiện  vì trong nửa đầu thế kỷ 20, đàn ông người Việt cũng như Tây có mốt cắm ví tiền ở túi sau rồi cài  khuy.

Cái ví còn móc  sợi dây xích, dây xích  được  cài vào con đỉa quần Âu, lấy được ví còn vướng dây xích  vì thế việc ăn cắp không dễ dàng. Đàn bà Tây hay Việt giầu có đi chợ cầm ví da trên tay, liều lĩnh  cướp giật khó mà chạy thoát. 

Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn tin chuyện kẻ cắp chợ Đồng Xuân là thật, quả là oan uổng cho ngôi chợ có mái lâu đời bậc nhất Hà Nội.

Triển lãm “25 năm UNESCO và Hà Nội: Từ Hoà bình đến Sáng tạo” (Ảnh: Tạp chí Người Hà Nội Online)

TIN YÊU

- Tính đến hết tháng 10/2024, ngành du lịch Thủ đô đón 23,11 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kích cầu, quảng bá để thu hút khách du lịch trong giai đoạn cuối năm.

- Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Triển lãm '25 năm UNESCO và Hà Nội: Từ hòa bình đến sáng tạo' đang diễn ra tại 63 Tràng Tiền. Triển lãm là dịp để nhìn lại chặng đường 25 năm Hà Nội trở thành thành phố vì hòa bình và 5 năm là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

- Theo Ban Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, đến nay đã có gần 33.000 người tham quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động của lễ hội. Trong đó, tổ hợp triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp) đã đón 10.000 lượt người chỉ trong ngày 10/11 và hơn 8.000 người đã đến tổ hợp triển lãm “Cung Thiếu nhi – Hoài niệm cho tương lai” cùng ngày.

- Trong khuôn khổ của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, không gian của Cung Thiếu nhi đã được tái hiện thành một quần thể nghệ thuật và tổ hợp sáng tạo vô cùng độc đáo. Tại đây diễn ra 41 hoạt động đa dạng từ sắp đặt công trình kiến trúc, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật đến trải nghiệm sáng tạo cộng đồng.