BÊN DÒNG THỜI GIAN
Từ xa xưa, người kinh kỳ kẻ chợ đã nổi tiếng trong chuyện ăn chuyện mặc. Sự độc đáo của ẩm thực Hà Nội chính là sự kết hợp tinh tế giữa đặc sản cao sang cầu kì cùng những thức quà quê bình dị gần gũi, trong đó bánh giò là món ăn quen thuộc và gắn bó với những người dân thủ đô theo một cách riêng.
Những người làm bánh giò tại một cửa hàng bán bánh giò lâu năm trên con phố Thuỵ Khuê, Hà Nội chia sẻ:
"Ngày xưa bán bánh giò này thì bán rong là nhiều. Hồi xưa bánh giò nhỏ, không có ăn kèm giò chả như bây giờ. Chỉ bánh giò không mang về".
"Cái bánh giò bây giờ nhiều nhân nhiều thịt hơn. Ngày xưa bánh giò không khác mấy, nhưng bây giờ làm phổ biến hơn, bánh giò có nhiều đồ ăn kèm hơn".
Không chỉ có tại các hàng quán ven đường, món bánh bình dân ấy còn được những người bán hàng rong mang đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thủ đô. Không biết tự bao giờ lời rao “ai bánh giò nóng đây” đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân với hình ảnh người bán bánh trên chiếc xe đạp cũ kĩ, đằng sau là chiếc giỏ hàng chứa những chiếc bánh nóng hỏi.
Bà Nguyễn Thị Vinh – người làm bánh giò ở Thuỵ Khuê, Hà Nội nói thêm về sự “tiện ích” của thức quà này: "Bây giờ phổ biến nên có thể người ta thay bữa ăn trưa hoặc bữa ăn tối. Cái món ăn cũng là bột gạo tẻ nên rất nhiều người có thể ăn được, người già trẻ con đều có thể ăn được, không có chất bảo quản nên không độc hại gì đến sức khoẻ cả".
Nhìn chiếc bánh giò đơn sơ là vậy nhưng việc làm ra nó cũng không hề đơn giản. Từ khâu làm bột đến gói bánh đều chứa đựng bao tâm huyết và công phu của những người làm nghề:
"Bột ngâm rồi xong cho lên bếp nguấy bột, đánh cho đến bao giờ bột sủi lên quánh với nhau. Sau đó mình mới đổ ra chậu. Xong đổ bột ra cho nguội, làm nhân thịt trộn thịt thì có mộc nhĩ, hạt tiêu, mì chính, bột canh, hành khô, Bột nguội thì mình cho nhân thịt vào".
"Lá làm bánh giò thì làm bằng lá chuối. Khi mình mua về phải làm sạch lá, tướ lá thành các khổ to nhỏ để gói bánh. Lá chuối có khổ lá lớn, để gói bánh giò thì lá cũng phải rộng để mình gói đc bánh. Công đoạn gói bánh cũng cần sự tỉ mỉ tập trung cao. Quan trọng bàn tay của người gói bánh phải biết lúc nào cầm chặt lúc nào cầm lỏng để cho bánh được vào khuôn".
Nhìn bên ngoài bánh giò tuy không quá hấp dẫn, nhưng khi cầm chiếc bánh lên ta sẽ cảm nhận được hương vị thơm nồng của lá chuối. Nhấm nháp một ếng bánh là có thể cảm nhận được lớp vỏ bánh mềm tan ngay trên đầu lưỡi. Nhân thịt mộc nhĩ thơm lừng hoà quyện với mùi thơm của hành tím, hạt tiêu như đánh thức mọi giác quan.
Và nếu như người trẻ thích có nhiều đồ ăn kèm với bánh giò thì người lớn tuổi lại chỉ cần một chiếc bánh giò truyền thống là đủ. Với những người làm ra chiếc bánh giò, việc được thực khách yêu quý chính là niềm vui và động lực làm nghề mỗi ngày:
"Khách mang đi rất nhiều nên mình phải làm cả ngày cả đêm. Tự tay mình làm ra bao giờ mình cũng ưng ý hơn. Tôi thấy người ta đến ăn bánh giò bảo ôi rồi bánh giò nhà làm rất là ngon, tôi cảm thấy rất tự hào luôn".
"Bánh giò thì là một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng của Hà Nội. Qua đó thì cũng thể hiện đc những phẩm chất của con người Hà Nội rất tỉ mỉ, khéo tay để tạo ra món ăn ngon và đậm đà bản sắc của người Hà Nội đến vậy".
Mỗi chiếc bánh giò là không gian ẩm thực chứa đựng tâm huyết, tình yêu của người làm nghề, vừa mang trong mình cốt cách thanh lịch của người Hà thành. Đó là lý do mà bánh giò – một thức quà quê bình dị vẫn được yêu thích giữa một rừng quà ngon ệng và bắt mắt ở mảnh đất kinh kỳ.
SỐNG Ở HÀ NỘI
Trong các thành phố ở Việt Nam, kể cả thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố có rất nhiều hẻm cũng không nhiều ngõ ngách như Hà Nội. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về “Ma trận ngõ ngách” qua những khảo cứu của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.
Ngõ là sản phẩm của qui hoạch và bất tuân thực hiện qui hoạch. Cuối thế kỷ 19, khi Hà Nội còn là đô thị kiểu phương Đông, phố hẹp và nhiều ngõ ngách. Khi chính quyền chủ trương thay đổi diện mạo, họ đã qui hoạch và cải tạo thành đô thị theo kiểu của phương Tây thì ngõ ngách giảm hẳn. Ở các phố mới xây lại càng ít ngõ và nếu có cũng khá rộng, xe ô tô nhỏ có thể dễ dàng vào và ra.
Sau năm 1954, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, nhiều làng ngoại ô sáp nhập vào nội đô. Năm 1960, một qui hoạch tổng thể Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã hoàn thành được các chuyên gia đánh giá là khoa học, đáp ứng cho phát triển trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên do hạn hẹp tài chính và sau đó là chiến tranh nên qui hoạch gần như không thực hiện được.
Mang tiếng là thuộc nội đô song vẫn là hình hài như làng quê truyền thống. Đường làng và lối vào xóm ngõ vẫn nhỏ hẹp lát gạch, không có cống thoát nước, có chăng là thêm vài vòi nước công cộng và một vài ngọn đèn chiếu sáng. Cơ cấu hành chính nhỏ nhất khi đó gọi là khối, vài ba làng cũ gộp thành một khối. Sổ hộ khẩu có ghi số nhà, tổ, khối nhưng không có phố. Cái diện mạo làng quê ấy tồn tại cho đến thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 khi chủ trương phố hóa làng được thực hiện.
Thế nhưng sự thay đổi chỉ là đường làng được cải tạo thành đường phố, các lối vào xóm được thay gạch bằng bê tông, đổi tên gọi là ngõ, ngách. Do nhu cầu cấp bách về sinh hoạt, nhà nhà đã xây cao tầng, ai không có điều kiện thì bán đất để xây trong khi qui hoach và chính sách lại ban hành chậm hơn với thực tế cuộc sống. Muốn thực hiện qui hoạch cần nguồn tài chính khổng lồ, thế là bất lực.
Khi thành phố cần mở rộng nội đô đáp ứng cho phát triển đã thành lập quận nhiều mới từ các làng. Và làng lên phố chỉ căn cứ vào số dân để lập phường dù thiếu hạ tầng kỹ thuật song người ta vẫn ban hành những quyết định hành chính. Bài học cũ không hề được rút kinh nghiệm, đường làng hẹp và cong queo thành có phố mang tên làng đó.
Không có vỉa hè, không có cây xanh, đèn chiếu sáng dựng trên đường đi. Hệ thống cống thoát nước phải đưa ra giữa đường. Hai bên nhà cao thấp mọc lên tùy thuộc vào túi tiền gia chủ, các cửa hàng dịch vụ xuất hiện, có khi còn là chợ nhỏ nên phố làng đã chật hẹp lại chật thêm. Và lối vào xóm ngõ xưa đổi thành ngõ ngách.
Mặt ngõ đều là nhà xây chiếm hết không gian công công, ban công nhà bên này sát ban công nhà đối diện, ngõ tối bưng, trưa hè mà không thấy ánh sáng. Có ngõ rất dài, có ngách hun hút thông sang ngõ khác, ngách khác như ma trận. Thực tế có đám hiếu khiêng quan tài phải lựa tí mọt, nhà có người bệnh cần cấp cứu phải khiêng quãng đường quá dài đã bỏ lỡ thời gian vàng, khi hỏa hoạn xe cứu hỏa cũng bất lực.
Hà Nội hiện có 175 phường với gần 1000 phố lớn nhỏ. Số ngõ và ngách cũng tương đương như vậy. Trong thời gian trước mắt và tương lai xa, chắc chắn người dân trong ngõ vẫn phải sống chung với bất cập mà không cách gì thay đổi được. Đó hậu quả của sự thiếu trách nhiệm mà không biết ai phải chịu.
TIN YÊU
- Hà Nội sẽ tổ chức cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2024 với chủ đề "Hà Nội một trái tim hồng" dành cho công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, lao động, học tập tại Hà Nội, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024) và 1014 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Trong giai đoạn 2024 - 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển du lịch Thủ đô đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước, vừa là điểm đến du lịch 'An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn'.
- Theo đánh giá của Michelin, Hà Nội là một điểm đến ẩm thực thú vị đối với du khách quốc tế. Hàng triệu du khách trên khắp thế giới đã bình chọn Hà Nội là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới.
- Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận sẽ bắt đầu hoạt động trước ngày 10-10-2024 với những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ trường thời Lê.