Hà Nội: Kiểm soát toàn bộ cửa hàng kinh doanh trái cây, cách nào thực hiện?

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025”, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2025, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh, được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đặt mục tiêu quản lý toàn bộ cửa hàng kinh doanh trái cây, mà từ đầu năm 2023, việc quản lý và cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đã được đặt ra.

Vậy, cần làm gì để quản lý hiệu quả các cửa hàng kinh doanh trái cây? Giải pháp nào để xử lý hữu hiệu các trường hợp vi phạm? PV VOV Giao thông đối thoại với ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch quản lý các cửa hàng kinh doanh hoa quả tươi với mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ các cửa hàng kinh doanh hoa quả sẽ phải được quản lý và đăng ký kinh doanh; có biển “cửa hàng bán hoa quả sạch và an toàn”. Ông có ý kiến như thế nào về mục tiêu này?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi ở Hà Nội, theo dõi hoạt động kinh doanh thương mại thì thấy thế này: Chúng ta có rất nhiều chủ trương rất đúng, nhưng trong thực tế lại xảy ra tình trạng mất an toàn, không phải riêng hoa quả, mà cả các loại thực phẩm khác.

Bây giờ đặt vấn đề riêng với hoa quả, đến năm 2025 thì chỉ còn một năm nữa thôi, muốn làm vấn đề này, có mấy vấn đề chính: Thứ nhất, anh phải quản lý từ khi trồng trọt cho đến nhập khẩu, rồi phân phối, bán ra ở từng địa chỉ một, theo chuỗi phân phối; mua bán phải có hóa đơn, chứng từ; niêm yết giá công khai, hoa quả có nguồn gốc xuất xứ.

Ảnh: Hanoimoi.com

Thứ hai, chúng ta có hàng nghìn siêu thị, hàng chục vạn tiểu thương, như thế, lực lượng làm như thế nào? Theo tôi, nên làm trước hết ở những địa điểm trung tâm buôn bán, tiêu thụ hoa quả lớn nhất, rồi nhân ra, chứ chúng ta không thể làm ngay một lúc được. Sức chúng ta không có, người không có, cơ sở vật chất không có, ý thức chưa được nâng cao.

Thứ ba, phải mỏ rộng các cuộc giáo dục, tuyên truyền, cam kết từ phường, khóm cho đến Sở Công thương. Làm dần đi và từ các điểm, chúng ta nhân rộng ra các điểm khác. Làm đến đâu chúng ta rút kinh nghiệm đến đó.

Cuối cùng là vấn đề kỷ cương, tức là phải khen thưởng những người làm ăn tốt, phải nhân rộng các siêu thị tốt ra; đồng thời kỷ luật, phạt, thậm chí đình chỉ kinh doanh đối với những người đã được giáo dục, nhắc nhở mà lại làm ăn không đảm bảo. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh, cuộc đấu tranh này, chúng ta đừng mong ngày một ngày hai, mà chúng ta phải kiên trì, kiên quyết; các cán bộ đi làm việc này phải nh bạch, trách nhiệm, công khai, phối hợp liên ngành, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm…

PV: Nhưng trên thực tế có rất nhiều cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu, mà hiện nay chúng ta rất khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Với kế hoạch này, theo ông cần có biện pháp như thế nào để có thể kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ?

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Ông Vũ Vinh Phú: Bây giờ ra chợ Long Biên, bản thân người bán hoa quả cũng không biết nguồn gốc hoa quả thế nào. Do vậy phải quản lý theo chuỗi, quản lý từ biên giới. Đừng để những hòm táo, hòm lê từ biên giới tỏa ra hàng nghìn tiểu thương, lúc đó mới đi quản thì hoa quả đã tiêu thụ hết rồi. Bởi vậy, quản lý phải từ gốc.

Hiện nay tôi cho rằng cách làm của quản lý thị trường với y tế là không ổn, “bắt cóc bỏ đĩa”… Phải quản lý từ biên giới, hải quan chứ không phải vào sâu đến Hà Nội mới quản. Như thế là quá muộn, giống “thả gà ra đuổi”.

PV: Như ông vừa nêu, trên địa bàn toàn Thành phố có hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh hoa quả tươi. Vậy, theo ông, làm thế nào để quản lý, xử lý nếu họ vi phạm?

Ông Vũ Vinh Phú: Phải gắn với chính quyền địa phương, phường phải đăng ký. Phường, thôn là người sát cơ sở nhất, họ phải đăng ký, báo cáo lên trên, sau đó học tập, giáo dục, cam kết và học tập các quy định. Học thật kỹ. học để hành và từ đó cho bán thí điểm.

Đừng làm rộng hết ra hàng vạn tiểu thương Hà Nội, không có đâu. Làm từng cụm Đồng Xuân chẳng hạn, cụm Hoàn Kiếm, tốt thì nhân rộng tiếp ra quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng… Và tôi nhắc lại, cán bộ đi làm là quan trọng, y tế, quản lý thị trường… Tất cả là con người, là cán bộ, phải có sự trong sạch của con người, lúc đó mới làm được.

PV: Xin cảm ơn ông.