Trong đó, quận Hoàn Kiếm là một trong những khu vực được chọn để xây dựng cùng phát thải thấp. Việc xây dựng vùng phát thải thấp sẽ đem lại những cơ hội gì?
Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
PV: Được biết Hà Nội đang chuẩn bị triển khai các vùng phát thải thấp để góp phần cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô. Vậy việc xây dựng vùng phát thải thấp sẽ đem lại những cơ hội như thế nào cho quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Hiện nay Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua, trong đó Hà Nội đã ban hành các kế hoạch để triển khai các Nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô. Trong đó UBND Thành phố có giao cho Sở Tài nguyên – Môi trường xây dựng Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố HN”.
Nếu Nghị quyết này được ban hành, sẽ là cơ sở để không những cho quận Hoàn Kiếm, mà cho để các quận huyện khác nghiên cứu vùng phát thải; trong khi nhiều nơi đang bị ô nhiễm (Trong đó có Thủ đô Hà Nội cũng đang bị ô nhiễm, đặc biệt vấn đề về khí thải).
Điều 28 của Luật Thủ đô xác định vùng phát thải thấp, với nhiều nội dung liên quan, trước mắt dùng các biện pháp giảm thải khí thải của phương tiện giao thông. Thực hiện công việc này này sẽ đem lại môi trường trong lành cho không chỉ riêng Hoàn Kiếm mà cho cả Thủ đô Hà Nội nói chung.
Đặc biệt là quận Hoàn Kiếm mấy năm gần đây đã phát triển những không gian đi bộ trong phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Đó là những không gian hạn chế được khí thải trong những ngày cuối tuần, đem lại lợi ích rất tốt và cuộc sống trong lành hơn cho người dân Thủ đô.
PV: Việc triển khai các vùng phát thải thấp sẽ phát sinh những thách thức như thế nào?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Đúng, đây là mục tiêu rất lớn cho Thủ đô Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đặt ra những vấn đề thách thức: thứ nhất là chỉ số khí thải xác định các khu vực này như thế nào, phạm vi ra sao trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện mà trong dự thảo Nghị quyết đã đưa ra.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dự thảo đã xác dịnh 5 tiêu chí, tuy nhiên 5 tiêu chí này để cụ thể hóa cho quận Hoàn Kiếm áp dụng thì nó phải được đề cập rất cụ thể, ví dụ như xác định khu vực nào là khu vực không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí. Hay là các xe cơ giới phải dán tem, nhận diện biển số... nó kéo theo các công nghệ, cũng như các chỉ tiêu tính toán cho các khu vực này.
Đặc biệt một tiêu chí nữa trong dự thảo nghị quyết đó là phải có tỷ lệ đồng thuận của người dân. Hiện nay cái tỷ lệ đồng thuận của người dân thì đang được Sở Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, nhưng cơ bản là tỷ lệ đa số.
Đây là một thách thức, không chỉ cho những người dân trong khu vực, mà cho những đối tượng và người dân đi vào vùng phát thải này, về nhu cầu đỗ xe ra sao, về hệ thống kiểm soát nồng độ khí thải này như thế nào?
PV: Để giải quyết những thách thức này, quận Hoàn Kiếm đã chuẩn bị các điều kiện này ra sao để không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Trước khi Luật Thủ đô được ban hành và có hiệu lực thì quận Hoàn Kiếm đã xác định việc này rất quan trọng, vì quận Hoàn Kiếm là một nơi tập trung rất nhiều các di sản, đặc biệt là phát triển du lịch.
Thời gian qua, trước khi Nghị quyết ban hành thì quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu một số lĩnh vực để giảm thiểu ô nhiễm khí thải. Ví dụ như có một số giải pháp về phân loại rác, hay là đề xuất hạn chế các phương tiện ô tô trên 16 chỗ đi vào khu vực nội đô và phát huy hiệu quả những xe điện mà chúng tôi đã thực hiện (đó là xe điện của công ty Đồng Xuân hiện nay đang hoạt động rất tốt).
Đặc biệt sắp tới chúng tôi đang tuyên truyền làm sao để phát triển xe buýt điện, taxi điện đi vào khu vực nội đô; đề xuất các khu vực trạm sạc để cung cấp cho các dòng xe này; Hay là giảm thiểu năng lượng trên mái nhà….
Đặc biệt quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu Đề án “Mô hình xây dựng xanh, sạch, an toàn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Trong đó có một nhóm lĩnh vực xác định các khu vực phát thải thấp.
PV: Theo ông, triển vọng có thể áp dụng vào năm 2025 đến đâu?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Năm 2025 thì chưa thể thực hiện được ngay, vì nghị quyết này mới đang dược nghiên cứu để có hiệu lực vào đầu năm 2025. Chúng tôi đang phấn đấu là năm 2030 sẽ cụ thể hóa Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, cũng như Đề án “Phát triển kinh tế đô thị” đã được Thành phố phê duyệt để thực hiện từng bước.
Trước mắt sẽ nghiên cứu đề xuất khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận để phát huy giá trị, không gian lịch sử, văn hóa.
PV: Xin cảm ơn ông!