Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới

Tính đến hết tháng 9/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Song, vấn đề vốn sản xuất, rủi ro dịch bệnh, sự thiếu liên kết trong chuỗi ngành hàng,... đang là những “điểm nghẽn” khiến ngành thủy sản vẫn “chật vật” trong việc giữ vững vị trí tốp thế giới.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật trong cả lĩnh vực nuôi trồng và khai thác, nhưng thủy sản Việt Nam hiện vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, nguồn lợi hải sản khai thác biển suy giảm, trong khi giá xăng dầu tăng cao thời gian dài, lợi nhuận tàu cá giảm hoặc thua lỗ.

Do đó, đòi hỏi phải có sự cấu trúc lại theo hướng giảm đánh bắt, chuẩn hóa quy trình khai thác, chuyển đổi từ khai khác sang tăng năng suất, giảm giá thành và tăng sản lượng nuôi trồng. 

Có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, bà Ông Thị Tang cho biết 02 năm qua là thời điểm rất khó khăn với bà con nơi đây. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và biến động thị trường xuất khẩu, toàn bộ số cá nuôi của gia đình bà cũng như nhiều hộ nuôi lân cận không thể tiêu thụ và bị thua lỗ lớn.

Vừa thả hơn 40 ngàn con cá giống cho vụ nuôi mới, nhưng bà Tang vẫn chưa thể yên tâm: Mấy năm vừa rồi đổ cá nó hao, cá con nó hao dữ lắm. Không đạt 50% nữa. Đợt này thì chưa thấy gì, không biết thế nào nữa.

ảnh nh hoạ (qdnd.vn)

Xã Hòn Nghệ có hơn 500 hộ dân, trong đó có khoảng 180 hộ nuôi cá lồng bè với trên 1000 lồng nuôi, chủ yếu là cá mú và cá bốp. Từ trước đến nay, nguồn cá giống được các hộ dân lấy từ ền Trung về, còn đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Công Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương cho biết: Hồi trước bà con nuôi ít thì rất đạt, còn lúc này người dân nuôi nhiều, nguồn nước dễ bị ô nhiễm nên là chất lượng không đạt cao. Thứ 2 là cá mồi mắc, rồi con giống không rõ nguồn gốc, dẫn đến lợi nhuận không cao, nhiều hộ thua lỗ luôn. Khó khăn hiện nay là mình chưa sắp xếp được các hộ nuôi theo mặt nước quy định.

Đây là một trong nhiều những khó khăn mà các địa phương, ngành thủy sản đang gặp phải và cần có những giải pháp tháo gỡ.

Với 750 km chiều dài bờ biển cùng 800.000 ha bãi triều, ĐBSCL hiện là vùng nuôi trồng, khai thác thủy hải sản quan trọng của cả nước khi đóng góp 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Khai thác, đánh bắt trên biển hiện chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt.

Sau gần 5 năm, vấn để tháo “gỡ thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) vẫn còn nhiều gian nan. Riêng ở lĩnh vực nuôi trồng, tính đến hết tháng 9 năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Dù vậy, vấn đề vốn sản xuất, rủi ro dịch bệnh, sự thiếu liên kết trong chuỗi ngành hàng... đang là những “điểm nghẽn” khiến ngành thủy sản vẫn “chật vật” trong việc giữ vững vị trí tốp thế giới.

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tại Hội thảo “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức mới đây, với xu thế ngày càng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, thì việc đẩy mạnh phát triển thủy sản ở vùng ĐBSCL là một hướng đi đúng, mang tầm chiến lược.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trình bày nhiều vấn đề liên quan đến khả năng hiện thực hóa chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.

Đặc biệt, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý mà doanh nghiệp, người dân gặp phải.  Từ đó đề xuất, hiến kế một số thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường...

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Nuôi tôm thâm canh quy mô nông hộ hiện nay vẫn chiếm cơ cấu lớn nhất. Đây là vấn đề cũng liên quan đến vấn đề môi trường, liên quan đến vấn đề là giá cả. Bởi vì tập quán của nông hộ hiện nay theo chúng tôi khảo sát thì hiện nay rõ ràng họ quan tâm nhiều cái giá bán ra, nó cao thì họ mới làm. Đấy là vấn đề hết sức là khó cho vấn đề để ổn định nguyên liệu, cũng như là giá cạnh tranh cho thị trường hiện nay, nếu chúng ta muốn tăng trưởng, phát triển xuất khẩu hơn nữa.

Việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đề xuất: Đề xuất xây dựng liên kết 6 nhà: Nhà nước quản lý quy hoạch vùng nuôi đầu tư hạ tầng, các nhà khoa học nghiên cứu thực tế đưa ra sản phẩm khoa học chất lượng. Trên cơ sở này ngân hàng đầu tư tín dụng, bảo hiểm cho các đối tượng thủy sản chủ lực như tôm.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cung cấp đầu vào cũng đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành, cùng với đó nông dân cũng có cơ hội tiếp cận khoa học, tiếp cận được nguồn vốn rút ngắn được khâu trung gian qua đó cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

ảnh nh hoạ (sggp.org.vn)

Về vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thuỷ sản Việt Nam cũng nhấn mạnh: Trong chiến lược chúng tôi đang trình là chúng ta sẽ giảm sản lượng khai thác xuống, nhưng giá trị sẽ không giảm, nó thông qua việc ứng dụng KHCN, giảm tốn thất, có chất lượng hơn ở khâu chế biến. Từ đó, đời sống bà con vẫn được đảm bảo.

Người đi trên biển có điều kiện tốt hơn, có thu nhập cao hơn. Chúng tôi cũng mong rằng, chúng ta tổ chức cộng đồng ngư dân lại với nhau, người dân tham gia vào việc quản lý nguồn lợi thủy sản để khai thác được bền vững hiệu quả.

Chúng tôi cũng xác định ĐBSCL cũng là khu vực chúng tôi cũng hướng sự ưu tiên thời gian tới về vấn đề khai thác, chế biến và cả thị trường, để làm sao đảm bảo đời sống, lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp.

Phải nhìn nhận một vấn đề rằng, những thách thức đặt ra cũng là cơ hội để ngành thuỷ sản Việt Nam có cái nhìn tổng quát hơn những bất cập, đang tồn tại, cùng nhau xây dựng giải pháp phát triển mang tính đồng bộ giữa nuôi trồng, khai thác và đánh bắt.

Ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực hay đa dạng thuỷ sản nuôi trồng là một trong những giải pháp trọng tâm. Trong đó đặc biệt chú trọng đến những vấn đề giúp tăng tốc nuôi trồng như quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm nguồn nước, cải thiện chất lượng con giống cùng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản... tạo động lực cho ngành nuôi trồng Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới.