Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giầy

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu vẫn trong tình trạng ngóng đơn hàng, thu hẹp hoạt động và chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Trong bối cảnh kinh doanh biến động theo hướng kém tích cực các doanh nghiệp đang làm gì để duy trì sản xuất?

 

Đơn hàng xuất khẩu giảm từ 7 -15% so với cùng kỳ của năm 2022, giải pháp chính của Công ty May 10 là tập trung sâu vào công tác tìm kiếm thị trường. Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2023, họ đã có thêm những đối tác đặt hàng để bù đắp cho sự sụt giảm của các thị trường truyền thống. Có thêm thị trường, vấn đề đơn hàng việc làm cho lao động đã ổn hơn.

Ông Thân Đức Việt, TGĐ Tổng Công ty May 10 cho biết thêm:"Chúng tôi tập trung rất sâu vào công tác mở rộng thị trường. Ngoài những đối tác từ Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc như những năm trước, năm nay chúng tôi mở thêm các đối tác đặt hàng mới như thị trường Úc, ngay thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Philipines mở rộng thêm khách hàng, bên cạnh nội tại phải chuẩn bị cho việc sụt giảm đơn hàng và lo cho người lao động".

Dù mỗi doanh nghiệp, ngành hàng có một cách ứng phó khác nhau nhưng có một khó khăn chung là nếu cắt giảm lao động nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc khi đơn hàng quay trở lại. Còn nếu tiếp tục duy trì trong bối cảnh hiện nay cũng là thách thức lớn.

Nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam: "Hiện nay trong nội tại các doanh nghiệp thì chúng tôi thấy các doanh nghiệp đang tái cấu trúc lại, cụ thể là sắp xếp lại để tiết kiệm và giảm chi phí. Một cái nữa là các doanh nghiệp đang tập trung là đổi mới công nghệ thay thế công nghệ cũ ảnh hưởng tới chất lượng cũng như tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất cho quá trình sản xuất".

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, tổng cầu thế giới sụt giảm, sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên buộc nhiều doanh nghiệp phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, khách hàng: "Chúng tôi dự kiến, chắc chắn khó khăn là hết năm. Với biến động bất định khó lường thì chúng tôi rất cần những thông tin từ những thị trường, ví dụ như Mỹ thế nào, EU thế nào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc như thế nào? Chúng tôi rất cần những thông tin để chúng ta có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả".

Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho rằng với những quy định mới, bản thân doanh nghiệp trong nước rất lúng túng cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của Thương vụ:

"Doanh nghiệp cần thông tin về thị trường, khi đi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là hội chợ triển lãm, chúng ta cứ mang sản phẩm chúng ta có, chúng ta chưa biết được thị trường cần gì. Tôi thấy là các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất được sản phẩm mà thị trường cần nhưng do họ không đủ thông tin. Do đó, những thông tin, đặc biệt là thông tin thị trường là các doanh nghiệp rất cần".

Trong giai đoạn này, việc xác định rõ khó khăn trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp có bước đi chủ động, sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp diễn biến mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu xác định sản phẩm chủ lực thích hợp nhất tại từng thời điểm, để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết thêm: "Trên thực tế Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu cũng như dự báo được những nhu cầu về cung cầu của lĩnh vực ngành hàng sản phẩm trên thế giới. Chúng tôi cũng đã thường xuyên trao đổi với hệ thống thương vụ VN ở những thị trường sở tại để xác định nhu cầu cụ thể cũng như tìm ra đầu mối nhập khẩu để kết nối và giới thiệu cho chúng ta".

Bên cạnh công tác mở rộng thị trường mới, các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững bởi hàng loạt yêu cầu mới về môi trường, xã hội và quản trị của các thị trường, cần xây dựng lại chiến lược sản xuất, xác định rõ thị trường và sản phẩm, cải thiện chất lượng hàng hoá cũng như công nghệ sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu.