Giáp Tết, đừng chủ quan với “giặc lửa”

Những ngày cuối năm, nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ rất lớn do nhu cầu sản xuất, mua bán, tích trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, cá nhân tăng cao nhằm phục vụ người tiêu dùng. Tại ĐBSCL, thời gian gần đây ghi nhận nhiều vụ cháy nổ tại các nhà dân, các khu chợ, các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn cuối năm, nhu cầu tổ chức tiệc cưới hỏi, mừng khai trương, liên hoan tất niên tăng cao nên các đơn vị tổ chức sự kiện, các nhà hàng nấu ăn lưu động cũng tất bật với lịch làm việc.

Anh Nguyễn Minh Hòa – Bếp trưởng nhóm nấu ăn nhà hàng tiệc cưới A Sinh ở tỉnh Bến Tre những ngày này tranh thủ hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng ở khu vực thành phố Bến Tre và các tỉnh lân cận. Là đầu bếp đã có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng lưu động, anh Hòa luôn cẩn trọng ở mọi khâu chuẩn bị.

Anh Hoà cho biết: Khi anh nhận một cái tiệc, cái gì cái, anh phải tới đó, anh coi trước rồi anh mới đặt vị trí là cái quép, nó nằm ở vị trí nào. Mình phải nói trước với chủ nhà. Còn bếp là của tụi anh không chứ không phải của chủ nhà. Tại vì của mình mình làm mình mới đảm bảo, có chuyện gì mình mới mới xử lý được chứ còn của chủ nhà là anh không có đụng tới.

Với anh Hòa, dịch vụ chất lượng nhóm mang đến cho khách hàng không chỉ là thức ăn ngon; nguyên liệu tươi, sạch; thái độ niềm nở, ân cần của đội ngũ phục vụ mà còn là sự an toàn trong suốt quá trình làm việc. Dẫu phục vụ tiệc lưu động ở xa hay gần, khách lạ hay quen anh đều có những yêu cầu nhất định với khu vực bếp, phòng chống cháy nổ phải luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Anh Hòa cho biết thêm: Mình đem theo, rồi bình gas mình làm mình chọn vị trí thật là an toàn. Rồi mình làm đâu đó mình cũng có cái tư thế để mà mình thủ trước. Như tụi anh đi thì anh lúc nào cũng có đem theo cái bình phòng cháy chữa cháy theo.

Luôn cảnh giác và chủ động phòng ngừa là điều rất cần thiết vì chỉ cần một phút lơ là, chủ quan thì hỏa hoạn, cháy nổ có thể xảy ra và để lại những hậu quả khôn lường. Điển hình như vụ cháy xảy ra tại chợ Châu Long thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang mới đây đã khiến nhiều hơn 100 tiểu thương điêu đứng những ngày giáp Tết.

Tuyên truyền hướng dẫn các tiểu thương kinh doanh tại chợ (Ảnh nh họa: Báo KonTum Online)

Cụ thể, vào khoảng 6h30, ngày 31/12/2023, người dân sống quanh khu chợ này phát hiện lửa bất ngờ bùng phát từ khu vực các ki-ốt bán quần áo cũ nên đã hô hoán và thông báo cho lực lượng chức năng. Khu chợ có khoảng 286 ki-ốt làm bằng khung sắt, mái tôn; mỗi ki-ốt có diện tích 20-30m2, chuyên bán quần áo may sẵn, giày dép, đồ đã qua sử dụng, dễ bắt lửa nên lửa bùng phát rất dữ dội, tốc độ lan nhanh, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm ki-ốt đã bị lửa bao trùm.

Sau 4h dập lửa, đến khoảng 10h cùng ngày, vụ cháy mới cơ bản được khống chế. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng lửa đã thiêu rụi hoàn toàn khoảng 286 ki-ốt của hơn 110 hộ tiểu thương nơi đây, ước thiệt hại hàng tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 21/12/2023, một vụ hỏa hoạn cũng đã xảy ra tại kho chứa hàng của một hộ kinh doanh đồ gia dụng ở khu phố 1, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ngọn lửa nhanh chóng bốc cao và lan ra các căn liền kề, gây thiệt hại cho 6 căn nhà, trong đó có 4 căn bị cháy trơ khung.

Rất nhiều những vụ cháy nổ xảy ra thời gian gần đây khiến nhiều người hoang mang. Chị Võ Ngọc Sương - một tiểu thương đã gần 20 năm kinh doanh ở chợ Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ lo lắng và luôn cẩn trọng trong thói quen sinh hoạt và hoạt động mua bán hàng ngày. Chị Ngọc Sương chia sẻ:

Băng: Thường năm, nhân dịp Tết thì buôn bán nhộn nhịp, hàng hóa thì nó đông đúc cho nên an toàn phòng cháy chữa cháy mọi nhà đều cũng tuân theo. Mỗi nhà đều có một bình chữa cháy, để khi có gì mình xử lý cho nó đúng lúc và kịp thời. Mình cũng làm cầu dao ngắt điện nó cũng an toàn. Khi mình đi ra khỏi nhà thì mình kéo cầu dao xuống để giữ an toàn chung, ở chợ thì ai cũng phải làm như vậy.

Thông tin về công tác phòng chống cháy nổ giai đoạn cuối năm, Trung tá Trần Quốc Thái – Phó Trưởng phòng Phòng CS PCCC & CNCH công an tỉnh Bến Tre cho biết: Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tham mưu UBND Tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các biện pháp đảm bảo an toàn chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán và mùa khô

Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở thuộc diện quản lý; bố trí lực lượng, phương tiện trực bảo vệ Tết tại các lễ hội, các sự kiện chính trị xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh; đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại đơn vị.

Bên cạnh đó, phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ tham mưu thành lập đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng cháy cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ quan, tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng. So với năm 2022, số vụ cháy tăng 206 vụ. Những số liệu thống kê này một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác và vai trò của chính mình trong nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, vì an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư.

***

Một khi có hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra thì chắc chắn có thiệt hại, nhẹ thì tài sản mất mát, hư hao còn nghiêm trọng hơn thì ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, phòng chống cháy nổ là điều chúng ta luôn nhắc nhau trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng điều đáng nói là vẫn có rất nhiều vụ việc xảy ra bắt nguồn từ sự bất cẩn, chủ quan của người dân.

Năm 2023, người dân nhiều lần hoang mang trước tin tức về các vụ cháy xảy ra liên tiếp trên khắp cả nước. Đáng tiếc là trong số đó có những trường hợp bắt nguồn từ những nguyên nhân rất đơn giản như việc vô tình vứt tàn thuốc lá vào hố rác, quên tắt đèn, tắt quạt trước khi ra khỏi nhà… Những việc làm tưởng chừng như vô hại nhưng để lại hậu quả khôn lường. Nói như vậy để thấy rằng dù không ai muốn mời “bà hỏa” ghé nhà nhưng vẫn có nhiều người rất chủ quan và thiếu kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Cuối năm, thời tiết hanh khô là điều kiện dễ xảy ra các vụ hỏa hoạn, nhất là ở những khu vực đông dân cư, những kho dự trữ nhiều hàng hóa, vật dụng dễ cháy. Các gia đình cũng tranh thủ mua sắm nhiều vật dụng, trang hoàng nhà cửa đón Tết; các cửa hàng thì được dịp tập kết hàng hóa chờ phục vụ người tiêu dùng trong giai đoạn thị trường mua sắm sôi động nhất trong năm. Vì vậy, giai đoạn cận Tết, nhiệm vụ phòng chống cháy nổ lại càng trở nên cấp bách.

Trước hiểm họa cháy, nổ thường trực, tại các địa phương, nhất là các thành phố lớn, lực lượng cảnh sát PCCC cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay thiếu sót, vi phạm an toàn nếu có, đặc biệt là ở những cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ như: các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tồn trữ nhiều chất cháy; các công trình cao tầng; trung tâm thương mại, chợ; nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tập trung đông người, nơi tổ chức lễ hội…

Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chủ động lực lượng và phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Một lần nữa phải khẳng định, phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm không của riêng ai mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Vậy nên, cùng với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể và mỗi người dân cần luôn chủ động và tham gia hiệu quả vào trận tuyến đấu tranh với “giặc lửa” vì một cái Tết an toàn, đầm ấm, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc.