Giải pháp nào để cải thiện chất lượng không khí Hà Nội?

Hà Nội cam kết thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí cho thành phố, chủ động xây dựng Hệ thống cảnh báo chất lượng không khí trong thời gian tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí những ngày gần đây có cả yếu tố sương mù và hệ quả của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 02/03/2024, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Trong đó, đã chỉ ra được các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

Đồng thời, Bản kế hoạch cũng đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ và 14 giải pháp, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ rà soát cơ chế chính sách, giải pháp kỹ thuật để giảm phát thải, giải pháp ứng phó với những ngày ô nhiễm nghiêm trọng; nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia của các bên và giáo dục truyền thông, hợp tác quốc tế….

Theo bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội nhấn mạnh: “Với việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, thành phố Hà Nỗi đã có sự cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận, công phu, thể hiện sự cam kết của thành phố Hà Nội trong việc cải thiện chất lượng không khí. Đây là bản Kế hoạch toàn diện, có cơ sở khoa học và đưa ra được các chương trình hành động cụ thể, vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính quản lý".

Đáng chú ý, trong bản Kế hoạch này, Hà Nội đặt ưu tiên xây dựng hệ thống cảnh báo về ô nhiễm không khí cho thủ đô trong giai đoạn 2024-2025. Hệ thống này đặc biệt quan trọng, vì có thể giúp người dân dễ dàng ứng phó với ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học chủ động tìm ra được những giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng không khí.

Hiện, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đang tập trung và xây dựng hệ thống cảnh báo về ô nhiễm không khí và bản hướng dẫn để thực hiện. Nhiều địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Tài Nguyên môi trường, trong đó có Hà Nội

“Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, Hà Nội sẽ không thể chờ đợi mà sẽ chủ động xây dựng hệ thống cảnh báo và cơ chế riêng để phòng chống ô nhiễm không khí”, bà Thủy khẳng định. 

TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí những ngày gần đây có cả yếu tố sương mù và hệ quả của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế- xã hội. Hiện tượng sương mù là yếu tố tự nhiên rất khó kiểm soát.

“Muốn cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội cần tập trung vào những giải pháp kiểm soát tốt các nguồn phát thải, đặc biệt là kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, những cơ sở không có các thiết bị xử lý khí thải, không tuân thủ quy định Luật bảo vệ môi trường, người ta không có các thiết bị xử lý khí thải”, ông Tùng kiến nghị.

Giao thông là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có hàng chục triệu phương tiện cá nhân. Dẫn chứng về kinh nghiệm của Thái Lan, Đài Loan trong kiểm soát khí thải phương tiện, ThS. Đinh Trọng Khang, Giám đốc chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho rằng:

“Việt Nam cần sớm xây dựng những chính sách để kiểm soát nguồn phát thải xe máy: cần sớm đưa vào Luật các quy định về kiểm định khí thải xe máy và các tiêu chuẩn về khí thải, tiêu chuẩn về trạm kiểm định, thiết bị, tiêu chuẩn về nhân lực, các chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, các chế tài xử lý các xe vi phạm về khí thải ...Các chính sách càng cụ thể, thì quá trình triển khai thực hiện càng thuận lợi”.

GS Hoàng Xuân Cơ, hiện đang công tác tại Hội kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, Hà Nội có ít các trạm quan trắc chất lượng không khí chuẩn và dữ liệu về chất lượng không khí chưa đầy đủ nên rất khó để đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người dân. Trong khi đó, một số tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương đã đầu tư số lượng trạm chuẩn nhiều hơn.

Bởi vậy trong thời gian tới, để kiểm soát ô nhiễm không khí, đòi hỏi chính quyền thành phố Hà Nội cần quan tâm, đầu tư xây dựng các trạm quan trắc, cũng như huy động các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, phân tích về ô nhiễm không khí.

Chất lượng không khí của Hà Nội suy giảm, ngoài những nguyên nhân nội tại, cũng có những nguyên nhân từ các địa phương xung quanh, thậm chí từ nước ngoài.

Do vậy, GS Hoàng Xuân Cơ đề xuất: "Các địa phương, các tỉnh ngoài việc tự mình có những giải pháp quản lý chất lượng riêng, cũng cần cùng nhau phối hợp, xây dựng những giải pháp mang tính tổng thể và quản lý chất lượng không khí liên vùng”.

Khi tiến hành phân tích theo các mô hình, số liệu đầu vào về phát thải chưa đồng nhất, số liệu khí tượng chưa phù hợp, thiếu số liệu quan trắc ảnh hưởng đến việc kiểm nghiệm các mô hình. Do vậy, ông Kim Văn Chinh cho rằng, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí rất cần thiết để thành phố Hà Nội thực hiện những giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.

TS Nguyễn Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường

TS Nguyễn Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, để Hà Nội có thể cải thiện chất lượng không khí, thì việc quan trọng là phải xác định chính xác nguồn phát thải chính và đưa ra những giải pháp khoa học để “chữa căn nguyên”. Hà Nội cũng cần song song thực hiện cả những giải pháp ngắn hạn, cấp bách và những giải pháp dài hạn, những giải pháp này phải được thực hiện kiện trì và đúng phương pháp khoa học mới có thể giúp thành phố từng bước đạt được những kết quả nhất định.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội diễn ra từ nhiều năm nay. Trong cuộc họp mới đây của thành phố Hà Nội về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ ra, một trong 5 điểm nghẽn phát triển của thành phố là ô nhiễm không khí đáng báo động.

Thời gian tới, chính quyền thành phố Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa để kiểm soát tốt các nguồn thải, từng bước cải thiện chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô và để thành phố Hà Nội phát triển xanh, bền vững trong tương lai.