Giải pháp hạn chế điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, đặc biệt trong quá trình thực thi các FTA thế hệ mới. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi các nền kinh tế đang gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Mặt hàng thép thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao. Ảnh: VnEconomy

Chia sẻ tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” ngày 21/12, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Bởi hàng hóa Việt Nam ngày càng xuất khẩu nhiều ra thị trường thế giới, đặc biệt các thị trường có xu hướng tăng cường bảo hộ hàng hóa và chuỗi cung ứng của họ.

"Cứ 5 năm 1 lần thì số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ. Chúng tôi cũng xác định trong thời gian tới với xu hướng như thế này thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài”, ông Chu Thắng Trung nhận định.

Để hạn chế rủi ro khi bị điều tra phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung cho rằng, các doanh nghiệp phải khắc phục tâm lý e ngại khi tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Thay vào đó, doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Cần liên kết với các đối tác, những bên liên quan có thể có chung lợi ích với cả các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam, khi xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với ngành ximăng, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu ximăng sang châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ và Australia đều xuất khẩu.

Trong số đó, Philippines, Trung Quốc và Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu ximăng nhiều nhất. Đặc biệt, Việt Nam là nước xuất khẩu vào Philippines lớn nhất, chiếm khoảng 92% tổng lượng nhập vào Philippines.

Có lẽ vì vậy, các nhà sản xuất ximăng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước. 

“Nếu như Philippines áp dụng thuế chống bán phá giá thì có khả năng có những doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế lên đến 23%, tức là thiệt hại rất lớn cho công tác xuất khẩu” – ông Long nhấn mạnh và cho biết, mặc dù là lần đầu tiên nhưng chúng tôi đã bàn bạc với nhau và cũng đã tập hợp lực lượng để có thể đối phó lại với việc kiện bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất xi măng của Philippines.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật liên quan tới tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó.

Bởi khi điều tra phòng vệ thương mại, mỗi quốc gia sẽ điều tra theo nội luật tức là theo quy định của từng quốc gia, Hoa Kỳ sẽ điều tra theo pháp luật Hoa Kỳ, Philippines sẽ điều tra theo pháp luật của Philippines.

"Các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải hết sức cẩn trọng. Ngoài vấn đề quan tâm đến giá bán của chính mình, quan tâm đến chi phí sản xuất của chính mình thì còn phải quan tâm đến diễn biến liên quan tới các vụ việc hoặc là các biện pháp áp dụng cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ở trên thị trường quốc tế", bà Phương Thảo nhấn mạnh.