Giải bài toán thất nghiệp trên vựa nông sản Tây Nam Bộ

Được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng và còn dư địa để phát triển mạnh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến nhưng ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng lao động thất nghiệp quá nhiều.

Người ly hương tìm kiếm tương lai nơi đất khách đã đành, còn người bám trụ lại quê nhà vẫn thất nghiệp. Làn sóng cắt giảm lao động tại các công ty, khu công nghiệp ở TP.HCM và Bình Dương buộc lao động phải về quê dẫn đến tình trạng người lao động thất nghiệp lại gia tăng...

Đi dọc ấp 4, xã Vĩnh Xương, người ta dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà khóa cửa im lìm, mạng nhện bủa giăng. Mặc dù nơi đây là đầu nguồn biên giới, đón nguồn lợi thủy sản dồi giàu bậc nhất của ĐBSCL nhưng Vĩnh Xương lại là 1 trong 2 địa phương có số lao động ly hương cao nhất của thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Bà Nguyễn Thị Phẩm (70 tuổi) cho biết, các con của bà và nhiều người trong xóm đều bỏ quê đi làm công nhân. Chỉ có người già và trẻ nhỏ ở lại nhưng cũng thất nghiệp và chờ đồng lương gửi về từ các con.

Bà Nguyễn Thị Phẩm – ngụ xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang bộc bạch nguyên nhân: Ở quê không ai mướn làm hết, rồi đi thành phố kiếm việc. Nhà tôi cũng vậy, đi 3 - 4 năm nay, bây giờ mới về cho cháu nó đi học. Ngày trước ở đây trồng lúa, giờ chuyển qua trồng xoài nhưng xoài cũng rẻ mạt không ai mua. Địa phương có cho vay một lần 5-10 triệu mà không đủ sống.

Số liệu từ UBND xã Vĩnh Xương, toàn địa phương có 3.600 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 600 hecta đất nông nghiệp. Hiện nay, 1.000 hộ dân có đất, chiếm chưa tới 50%. Các hộ còn lại chủ yếu làm thuê, đánh bắt thủy sản. Tính đến hết năm 2022, địa phương có tới 3.000 người ly hương làm ăn xa, chiếm 20% tổng số dân cư toàn xã.

Để cải thiện thất nghiệp, ngoài công tác giới thiệu việc làm thì người lao động cũng cần trang bị kỹ năng cho chính mình, nếu có tư liệu sản xuất phải mạnh dạng đột phá để kiếm thêm thu nhập

Sinh kế tại quê hương không có, buộc phải ly hương, 2020 và 2021 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng triệu người lao động trở về ĐBSCL. Hết dịch, người dân tiếp tục di chuyển đến các vùng khác tìm việc. Nhưng kinh tế 2023 quá khó khăn, không có đơn hàng, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự và một lần nữa người lao động thất nghiệp lại phải hồi hương.

Chị Lê Thị Cẩm Vân – công nhân mất việc tại TP.HCM về cư trú tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp than thở: Tôi về quê mong muốn tìm kiếm công việc phù hợp tại vì tôi 45 tuổi cũng khó vào công ty. Nguyện vọng tìm kiếm một công việc để trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. Hiện nay chồng con tôi cũng mất việc luôn rồi.

Số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của ĐBSCL là 2,76%, chỉ đứng sau Đông Nam Bộ là 2,88%. Tỷ lệ thiếu việc làm ở ĐBSCL là 3,61%, cao nhất cả nước và chưa quay về mốc trước dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao, nhất là nông thôn, trong độ tuổi 15 – 24.

Theo đánh giá của VCCI, di dân vốn là quy luật tự nhiên, nhưng di dân rồi mà lực lượng còn lại vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu công ăn việc làm… là do ĐBSCL đang thiếu cơ hội nội sinh. Việc chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn ĐBSCL chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Phát triển tiểu khu công nghiệp và ngành nghề truyền thống đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, quá trình cơ giới hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế khiến lao động trong khu vực nông nghiệp trở nên dôi dư, trong khi khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm nên không hấp thụ hết. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tác động của xâm nhập mặn, hạn hán,... khiến nhiều lao động nông thôn không còn đất để canh tác, lâm vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm.

Để cải thiện sinh kế và thất nghiệp, các chuyên gia đề xuất ĐBSCL cần lập Thể chế hợp tác vùng. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi và nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất.

Ông Phạm Tấn Công – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Ở góc độ điều thành thị trường, chuỗi giá trị còn bị chia cắt, các cụm ngành sản xuất lớn chưa hoàn chỉnh, thị trường tài chính tín dụng chưa thực sự phát huy để thúc đẩy, hỗ trợ cho các ngành chủ lực phát triển, quá trình nghiên cứu cho thấy đó những là điểm nghẽn về thể chế, quản trị và liên kết vùng. Quá trình này nếu không kịp thời không chỉ làm tiêu hao nguồn lực mà có thể còn làm giảm động lực của bộ máy, không khai thác được lợi thế giữa các địa phương, không nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng ĐBSCL.

Trước mắt, đối với công nhân mất việc, giãn việc phải hồi hương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Đối với lao động thất nghiệp vì không có tay nghề, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo1,5 triệu lao động nông thôn/mỗi năm.

ĐBSCL phần lớn sinh kế bắt nguồn nông nghiệp, mặc dù thách thức từ BĐKH nhưng một bộ phận nông dân bền bỉ vượt khó. Bức ảnh ghi lại cảnh thu hoạch tôm càng xanh tại Cà Mau - sinh kế được nông dân duy trì dù phải đối mặt với khó khăn của BĐKH.

Thống kê năm 2020, lực lượng lao động nông thôn vùng ĐBSCL cán mức 9.9 triệu người. Thực chất, đây là nguồn lực dồi dào cho sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Cải thiện thất nghiệp là khi Vùng tự nâng cao nội lực, tạo cơ hội nội sinh để người lao động có một môi trường ổn định mà gắn bó và cống hiến, từ đó đó góp phần xây dựng kinh tế và cải thiện thu nhập nhập cho bản thân.

***

Qua những con số thống kê từ Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL có thể thấy những thách thức mà vùng kinh tế này đang đối mặt. Một trong số đó được chỉ rõ là tình trạng thất nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này đã được chỉ rõ, đó là do sự di chuyển của người lao động; năng lực, trình độ và nghề nghiệp được đào tạo không phù hợp yêu cầu làm việc; sản xuất gặp khó do suy thoái kinh tế.

Để khắc phục được các nguyên nhân đó, vùng cần phải triển khai thực hiện một loạt các giải pháp về định hướng nghề nghiệp; tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm; phát triển thông tin thị trường lao động; đổi mới công tác dạy nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt và lâu dài; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo lại và tạo điều kiện cho người lao động học tập suốt đời để không lạc hậu trước công nghệ mới.

Bên cạnh đó, phân bố lại dân cư và nguồn lao động cần được thực hiện để giảm bớt áp lực tại các thành thị quá tải và tạo điều kiện cho sự phát triển ở nông thôn. Chúng ta cũng cần thực hiện một chính sách dân số hợp lý, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản để kiểm soát tốc độ tăng dân số và đảm bảo sự cân đối giữa nguồn lao động và việc làm.

Ngoài ra, hợp tác liên kết và thu hút đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề việc làm. Đây có thể bao gồm việc mở rộng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, và đầu tư vào các dự án mới để tạo ra việc làm cho người dân.

Cuối cùng, việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động cũng có thể giúp giải quyết vấn đề việc làm. Việc tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài có thể giúp cải thiện thu nhập và giải quyết tình trạng thất nghiệp trong nước.

Tin rằng, khi các giaỉ pháp được thực hiện đồng bộ, với sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó của người dân vùng Châu thổ Cửu Long, tình trạng thất nghiệp sẽ được cải thiện, từ đó khai thác tốt nguồn nhân lực của đồng bằng cho sự phát triển bền vững của vùng trong thời gian tới.