Giá thức ăn chăn nuôi giảm, liệu có “cứu” được người nuôi?

Sau một thời gian dài liên tục tăng giá, gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã giảm giá bán thức ăn chăn nuôi.

Thức ăn chăn nuôi là một trong những mặt hàng tăng giá liên tục và tăng rất mạnh thời gian qua. Riêng năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng giá 6 lần khiến người chăn nuôi “khóc ròng”. Mãi gần đây, các ông lớn trong ngành mới có động thái giảm giá. Tùy doanh nghiệp, mã ngành hàng mà mức giảm dao động từ 100 - 1.100 đồng/kg. Nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là “Giá thức ăn chăn nuôi giảm, liệu có “cứu” được người nuôi?”. 

Mới đây, nhiều doanh nghiệp trong nước thông báo giám giá thức ăn chăn nuôi có thể kể đến như: Công ty Gold Coin Feedll Đồng Nai, AFC, Nutreco, New Hope, DABACO – Kinh Bắc, Tân Việt, Tập đoàn Mavin… Tiêu biểu một số sản phẩm có mức giảm khá là thương hiệu DABACO – Kinh Bắc. Các loại sản phẩm thức ăn đậm đặc và cám bò D36,37 giảm 500 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp mã sản phẩm D41,47 300 đồng/kg.

Từ ngày 1/3/2023, Công ty Nutreco cũng giảm giá thức ăn chăn nuôi gồm: cám bò giảm 1.100 đồng/kg; cám đậm đặc: 1.000 đồng/kg. Một số doanh  nghiệp khác cũng áp dụng nhiều hình thức tặng tiền, khuyến mại… Đây là cách làm thiết thực của các doanh nghiệp để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, giúp người dân giữ được đàn để chờ thị trường “sáng” lên.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Hộ chăn nuôi heo tại Vĩnh Long chia sẻ: Cũng có giảm chút ít, đỡ đồng nào hay đồng đó. Nhưng mà tính cả mấy năm liền thua lỗ thì mình cũng khó cứu nổi. Heo, gà giờ nuôi toàn lỗ không à.

Đây là thời điểm rất nhạy cảm với người chăn nuôi, khi mà giá các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, nhưng chỉ khi người chăn nuôi giữ được đàn trong giai đoạn hiện nay, thì thị trường chăn nuôi và chuỗi giá trị ngành chăn nuôi thời gian tới mới có thể giữ được ổn định, tránh tình trạng cung – cầu bất ổn như thời gian qua.

Ảnh nh hoạ: Vietnamplus.vn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, việc giảm giá thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi là tất yếu, tích cực. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt là việc sản xuất và lưu thông của các loại ngũ cốc đã được từng bước khôi phục lại và một phần đáng kể ngô, lúa mì, khô dầu của Nga và Ucraina được lưu thông ra thị trường thế giới. Tuy nhiên giá của các loại ngũ cốc này vẫn sẽ ở mức cao, rất khó có thể trở về mức của thời gian trước tháng 10 năm 2020 được.

Thực tế, giá cả thức ăn có giảm nhưng không đáng kể so với vài năm trước. Ghi nhận tại nhiều địa phương tại ĐBSCL, người dân vẫn “than” vì  đầu ra chậm, giá thành vẫn cao. Ông Nguyễn Văn Trợ, ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có hơn 20 ngàn con gà thịt và gà đẻ trứng. Hiện gia đình ông đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, bởi càng nuôi càng lỗ. Cả gà thịt và trứng gà đều giảm giá sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao.

Ông Trợ cho hay: Giá cả nay rất thấp, người nuôi gà lỗ không chứ không có lãi nữa do giá thức ăn tăng cao quá. Trứng gà thì giảm nhiều, có thể giảm từ 700-800 đồng/trứng. Bây giờ mình phải gánh thôi chứ đâu có cách nào khác đâu.

Nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi khác cũng trong tình cảnh tương tự. Trang trại Nguyễn Hồ tại xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang chuyên nuôi chim cút xuất khẩu sang Nhật, có quy mô nuôi đến 300.000 con cút đẻ trứng, mỗi ngày cung ứng cho thị trường 200.000 trứng. So với trước đây, hiệu quả nuôi con chim cút đã giảm nhiều: Cút thịt bây giờ rất rẻ, giá cám thì đắt quá. Nuôi được bầy cút nó đẻ hoàn thiện rồi mà thua lỗ hoài. Bây giờ mong giá cám giảm xuống thì người chăn nuôi còn đỡ khổ chứ không có cách nào khác.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, quy mô chăn nuôi nông hộ tại nước ta khoảng 2 triệu hộ. Phần lớn, người dân đang phải gánh lỗ kéo dài, nhất là các hộ chăn nuôi từ 100 – 300 con. Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Trong suốt thời gian qua, giá mà nông dân và cả doanh nghiệp sản xuất đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì giá thức ăn vẫn còn cao. Đồng thời, dịch bệnh cũng đe dọa đến ngành chăn nuôi, rồi giá cả dao động mức 50 ngàn, khiến cho tất cả người chăn nuôi chịu lỗ.

Hiện, nhà nước đã hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách giảm thuế nhập khẩu lúa mì và bắp, nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi từ đầu năm ngoái. Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống còn 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi.

Dù Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị của các Hiệp hội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có động thái mới. Trước mắt, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, người dân tận dụng các nguồn nguyên liệu để tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành. Về lâu dài, cần tìm giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường cũng là cách để đẩy xa khoảng cách giữa chi phí đầu vào và giá thành đầu ra.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ: Không cách nào khác phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ nhất là một ngành chăn nuôi tuần hoàn, khép kín, để sử dụng tất cả các phế, phụ phẩm, nâng cao giá trị. Thứ 2 đi vào các khâu kỹ thuật, đẩy mạnh công tác chọn tạo giống, chọn những giống chất lượng cao. Đa dạng hóa sản phẩm, gắn với chuỗi phân phối, để sản phẩm của chúng ta có nhiều phân khúc thị trường hơn, nhu cầu xã hội được đáp ứng hơn. Bộ Nông nghiệp cũng cần tập trung cho xúc tiến thương mại để nông sản nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng ra được thị trường thế giới.

Để ngành chăn nuôi có thêm nhiều chuyển biến tích cực, bền vững, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thực phẩm chăn nuôi nội địa. Kỳ vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.