Giá lúa mì bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 8 năm qua

Kết thúc phiên giao dịch đầu tháng 11, các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều nhau giữa nhóm đậu tương với ngô và lúa mì.

NÔNG SẢN

Giá đậu tương đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể khi chỉ thấp hơn chưa đến 1 cents so với mức tham chiếu. Trong khi diện tích trồng đậu tương liên tục tăng ở Brazil, thì diện tích trồng đậu tương ở Argentina lại giảm trong những năm gần đây, do lợi nhuận trồng ngô đang hấp dẫn hơn so với trồng đậu tương.

Khô đậu và dầu đậu tiếp tục biến động trái chiều nhau khi giá đậu tương đi ngang. Mặc dù giá dầu cọ giảm do tác động từ các số liệu xuất khẩu tiêu cực của nước này trong tháng 10, tuy nhiên mức tăng của dầu thô và nguồn cung thiếu hút vẫn tác động tích cực đến giá dầu đậu. Qua đó, khiến cho khô đậu gặp sức ép bán lớn và không giữ được mức hỗ trợ quan trọng 330 USD.

Sắc xanh được duy trì đối với ngô và đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 4 mặt hàng này đánh dấu 7 tăng phiên liên tiếp. Theo hãng tin S&P Global Platt, mức giá ethanol đang ở mức cao kỷ lục do nhu cầu tiêu thụ của người dân đã quay trở lại như lúc trước khi xảy ra đại dịch COVID, trong khi sản lượng lại sụt giảm. Dự kiến giá ethanol sẽ còn tăng khoảng 5 – 13% trong 15 ngày tới.

Giá mì tiếp tục nối dài đà tăng của cuối tháng, với mức tăng vọt hơn 3% và đạt mức cao nhất kể từ năm 2013 cho tới nay. Trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp trên toàn cầu, việc chính phủ Nga tiếp tục tăng mức thuế xuất khẩu lúa mì lên mức cao nhất niên vụ đã khiến cho một loạt các nước nhập khẩu chính phải đẩy mạnh việc mua vào, để hạn chế rủi ro giá có thể tiếp tục tăng phi mã trong tương lai.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, bất chấp việc Trung Quốc mở bán kho dự trữ. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.57% lên 84.05 USD/thùng, giá Brent tăng tăng 1.18% lên 84.71 USD/thùng.

Lo ngại về nguồn cung dầu ngày một tăng khi thị trường kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ không bắt kịp với nhu cầu. Sự thành công của quá trình tiêm chủng vắc-xin chống COVID-19 đang thúc đẩy các nước châu Á mở cửa trở lại sau một thời gian dài phong toả, trong khi Mỹ và châu Âu thúc đẩy các chuyến du lịch quốc tế. Theo ước tính, sự gia tăng trong các chuyến bay vào kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu tăng ít nhất 200,000 - 250,000 thùng/ngày.

Trong khi đó, các nước sản xuất chính lại không gia tăng sản lượng đủ. Theo khảo sát của Reuters, trong tháng trước các thành viên OPEC tiếp tục sản xuất dưới hạn ngạch được cho phép, khiến tỷ lệ tuân thủ tiếp tục tăng từ mức 114% lên 118%, nguyên nhân là do nhóm nước tại châu Phi, như Nigeria, gặp khó khăn trong việc gia tăng sản xuất.

Giá khí tự nhiên tiếp tục suy yếu do dự báo tồn kho tăng lên mức 3.6 nghìn tỷ feet khối trong đầu tháng 11, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Mỹ trong mùa đông.