Giá dầu diễn biến trái chiều, giá khí tự nhiên lấy lại mốc 5 USD

Giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá WTI tăng 0.11% lên 80.88 USD/thùng, giá Brent giảm 0.15% xuống 82.05USD/thùng.

Năng lượng

Giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá WTI tăng 0.11% lên 80.88 USD/thùng, giá Brent giảm 0.15% xuống 82.05USD/thùng. Thiếu đi các thông tin cơ bản mang sức nặng, thị trường chủ yếu biến động dựa trên các chỉ báo kỹ thuật.

Mở đầu tuần mới, giá dầu tiếp tục chịu áp lực tương đối mạnh do các thông tin mới trên thị trường chung chủ yếu mang tính tiêu cực, như sự bùng phát dịch COVID-19 tại châu Âu.

Một số quốc gia như Áo và Hà Lan đã phải áp dụng phong toả trở lại gây ra lo ngại xu hướng này sẽ lan ra khắp khu vực và cả các nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp trong mùa đông năm nay. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến nhu cầu đi lại trong thời gian tới và cản trở nền kinh tế thế giới phục hồi.

Trong Hội nghị và triển lãm quốc tế lớn của ngành dầu khí ADIPEC hôm qua, các thành viên chủ chốt của OPEC+ như Nga và Saudi Arabia một lần nữa nhắc lại thông điệp thận trọng trong thị trường, trong bối cảnh nhu cầu cuối năm chưa rõ ràng, có thể khiến cho kịch bản dư cung diễn ra nhanh chóng.

Giá chỉ phục hồi trở lại trong cuối phiên do thiếu đi các thông tin mới về kế hoạch của Mỹ để bình ổn giá cả trên thị trường xăng dầu thúc đẩy lực mua bắt đáy xuất hiện. WTI phục hồi nhanh hơn so với Brent, do thị trường dầu Mỹ chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ các diễn biến tại thị trường Mỹ.

Khí tự nhiên bật tăng 4.72% lên 5.017 USD/MMBTu do dự báo nhiệt độ sẽ giảm trong vòng 2 tuần tới, thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.

Nông sản

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều. 
Giá đậu tương đóng cửa tăng hơn 1% lên mức  1257.25 cents/giạ. Các yếu tố cơ bản như nhu cầu cũng mang tính "bullish" với giá đậu tương. Theo NOPA, sản lượng ép dầu của Mỹ trong tháng 10 cao hơn 20% so với tháng trước và đang ở mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây.

Giá dầu đậu tương giảm 1.31% khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ giá dầu thô, bất chấp đà tăng của dầu cọ. Được hỗ trợ từ diễn biến trái chiều với dầu đậu, giá khô đậu tương đã tăng mạnh 2.65% khi đóng cửa. 

Giá ngô giảm không đáng kể 0.13% và đóng cửa ở mức 576.50 cent/giạ. Theo Hiệp hội Công nghiệp UNICA, sản lượng ethanol làm từ ngô của Brazil đang ở mức 7.7% tổng sản lượng ethanol. UNICA dự báo sản lượng ethanol làm từ ngô sẽ tăng lên mức 11% tổng sản lượng trong niên vụ 21/22 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm sau khi mà các nhà máy sản xuất ethanol từ ngô xây dựng xong. Thông tin này đã có tác động “bullish” đáng kể tới giá ngô. 

Lúa mì tiếp nối đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp và hướng tới mốc 630. Tại Nga, giá xuất khẩu lúa mì trong nửa sau của tháng 11 vẫn tiếp tục tăng mạnh và không nằm ngoài kỳ vọng của thị trường. Các hãng phân tích lớn đều ghi nhận giá lúa mì đã tăng từ 2 – 5 USD chỉ trong vòng 1 tuần. Chính sách áp thuế cao nhằm hạn chế xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung trong nước vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng và duy trì trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp nước này cho biết.