Giá cà phê tiếp tục vững vàng trên mức đỉnh 10 năm

Sự phân hóa mạnh vẫn duy trì trên thị trường nguyên liệu công nghiệp trong tuần vừa qua. Hai mặt hàng cà phê vẫn là điểm sáng của cả thị trường, với giá Arabica tăng 4.1% lên 242.95 cents/pound, giá Robusta cũng tăng gần 3% lên 2308 USD/tấn.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Giá cà phê hiện vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ. Các lý do chính thúc đẩy đà tăng của thị trường cà phê vẫn là nguồn cung bị thắt chặt khi tiềm năng của vụ mùa 2021/22 bị giảm sút do ảnh hưởng của hạn hán và sương giá trong năm vừa qua. Bên cạnh đó, những khó khăn về hậu cần do thiếu hụt container và cà phê khó cạnh tranh được một suất trên tàu cũng là yếu tố tạo ra lợi thế cho sự gia tăng của giá cà phê.

Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này thể hiện qua việc mức tồn kho trên Sở ICE US liên tục giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 8 tháng còn 1.68 triệu bao. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường cà phê cũng được hưởng lợi khi mà nông dân hạn chế bán hàng và đặt cược cho việc giá cà phê sẽ tiếp tục tăng lên mức cao hơn nữa trong thời gian sắp tới. 

Giá bông giảm gần 4% trong tuần vừa qua còn 111.8 cents/pound. Triển vọng xuất khẩu của thị trường bông trở nên thiếu khả quan khi mà đồng USD bật tăng mạnh mẽ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu của các nước lớn như Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong thời gian tăng trước đây, thị trường bông đã bị đầu cơ quá mạnh và áp lực thanh khoản đang đè nặng lên rất nhiều nhà đầu tư tổ chức. Áp lực tất toán vị thế lớn đã khiến cho giá bông giảm về mức thấp nhất trong một tháng. 

Giá đường cũng đóng cửa trong sắc đỏ, với hợp đồng đường trắng tháng 3/2022 giảm hơn 3% còn 19.35 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn giảm 2.2% còn 501.4 USD/tấn. Thị trường đường bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm mạnh của giá dầu thô, khi mà sản lượng mía sẽ được dùng để tăng nguồn cung đường thay vì nguồn cung ethanol.

NÔNG SẢN

Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 11, các mặt hàng nông sản trển Sở CBOT diễn biến trái chiều nhau. 

Khô đậu tương là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất nhóm nông sản khi đã giảm mạnh đến hơn 4%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Mặc dù giá đậu tương được ảnh hưởng tích cực từ đà phục hồi của giá dầu đậu trong suốt giai đoạn đầu tuần, tuy nhiên áp lực bán từ diễn biến của giá khô đậu, kết hợp với tâm lý bán tháo của toàn thị trường trong phiên cuối tuần trước do tác động bởi cú sập của giá dầu thô, đã khiến giá đậu tương đóng cửa tuần với mức giảm gần 1%. 

Hợp đồng ngô tháng 3 tiếp tục tiến sát mức kháng cự tâm lý 600 cents với mức tăng 2.56%. Bất chấp triển vọng mùa vụ thuận lợi tại Nam Mỹ và cam kết của các công ty phân bón Nga về việc sẽ cung cấp đầy đủ lượng phân bón cho Brazil, thông tin nông dân Argentina trì hoãn hoạt động ngô vụ mới cho tới giai đoạn hai đã làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung và giúp bên mua chiếm thế áp đảo. Sản lượng ethanol của Mỹ đánh dấu 7 tuần liên tiếp có sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày, cũng đã góp phần củng cố tâm lý tích cực của giới đầu tư. Bên cạnh đó, số liệu bán hàng đạt mức cao kỷ lục cả niên vụ của Mỹ trong báo cáo Export Sales cũng góp phần khiến giá tăng mạnh trở lại dù đã gapdown sau ngày nghỉ lễ.

Đối với lúa mì, 2 mặt hàng này kết thúc tuần cũng trong sắc xanh nhưng lại trải qua các mức biến động chênh lệch khá lớn. Lúa mì Kansas đóng cửa với mức tăng mạnh 3.6% nhưng lúa mì Chicago lại mất đi hầu hết mức tăng trong phiên giao dịch sau kì nghỉ lễ và chốt phiên tăng nhẹ 0.7%. Nguồn cung lúa mì thắt chặt vẫn đang là yếu tố gây ra lo ngại cho thị trường và hỗ trợ giá. Tuy nhiên, thời tiết ổn định hơn tại các nước sản xuất chính cùng với triển vọng nhu cầu tiêu thụ lúa mì trong thức ăn chăn nuôi sẽ giảm bớt khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở châu Âu đang cản trở đà tăng của giá.