Giá cả được quản lý, lạm phát trong kiểm soát

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá cả thị trường trong nước tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường nên Việt Nam cần thận trọng trong điều hành giá cả thị trường.

Bình quân 7 tháng năm nay, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá cả thị trường trong nước tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường nên Việt Nam cần thận trọng trong điều hành giá cả thị trường. 

Bình quân 7 tháng năm nay, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, sau hơn một tháng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… giá cả hàng hoá cơ bản giữ ổn định, không biến động đáng kể. Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Chị Lan – chủ sạp hoa quả ở chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ thêm: "Giá cả ở chợ thì hầu như không thay đổi nhiều đâu. Mình bán hoa quả thì thấy nhu cầu mua của người dân vẫn đều. Mình nhập hàng từ đầu mối quen nên vẫn được giá tốt. Bản thân mình đi chợ ở khu này để mua thực phẩm cho gia đình thấy giá vẫn thế".

Còn một số người dân, cả những người có thói quen đi chợ hay đi siêu thị cho biết như sau:

"Thời gian vừa rồi từ khi tăng lương tôi đi chợ thì có một số giá cả vẫn bình ổn còn một số giá cả như thịt, gà, cá thì có lên một vài giá".

"Tôi có thói quen đi siêu thị. Tôi thấy giá cả mặt hàng thì cũng có mặt hàng giảm giá hoặc giá rất ổn định, gia đình tôi chỉ mua những gì thật sự cần thiết".

Theo Tổng Cục thống kê, trong tháng 7, giá của nhóm thực phẩm nói chung gần như không có biến động, khi tác động chưa tới 0.1 điểm % vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Trong tháng 7, nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Điểm rất quan trọng đó là nguồn lương thực thực phẩm của Việt Nam rất dồi dào thì sẽ giúp cho chúng ta giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện rất nhiều các rủi ro thách thức về an ninh lương thực toàn cầu. Với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong những năm qua thì chúng tôi cũng tin tưởng rằng mức lạm phát năm nay ở trong mức kế hoạch mà Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được...".

Ảnh: Báo Đấu thầu

Một số yếu tố thuận lợi trong điều hành giá những tháng cuối năm đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát; cung hàng hóa dồi dào, các địa phương triển khai nhiều chương trình khuyến mại. Đơn cử tại Hà Nội hay TP.HCM, cũng tổ chức những chương trình khuyến mại tập trung năm 2024 với hơn rất nhiều thương hiệu tham gia.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp học viện tài chính thì việc tăng lương cũng như các yếu tố khác cũng có tác động đến lạm phát. Nhưng mức của đợt tăng này không quá lớn nên tác động thực tế lên giá cả không lớn. Đặc biệt khi Chính phủ đã có việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho rất nhiều mặt hàng, đồng thời ễn giảm 36 loại thuế phí cho các ngành nghề khác nhau.

Từ đó cũng kìm hãm được đà tăng của lạm phát. PGS.TS Thịnh phân tích: "Chúng ta thấy trong tháng 7 vừa rồi lạm phát cũng có tăng lên. Ở đó rõ ràng là yếu tố tâm lý là chính. Rõ ràng thời gian từ nay tới cuối năm chúng tôi cho rằng lạm phát của chúng ta có chiều hướng biến động ổn định. Có thể có những đợt có mức cao hơn như tháng 9 nhưng tháng 8 này chúng tôi cho rằng có khả năng giảm, tháng 11 có khả năng cũng cao nhưng chỉ đâu đó 0,1%. Tôi cho rằng từ nay tới cuối năm lạm phát có thể nằm trong khoảng 4,1 – 4,2% và nó nằm trong mức mà Quốc hội và Chính phủ cho phép".

Còn PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều biến số khó lường, tình hình địa chính trị trên thế giới sẽ tác động tới giá cả thế giới và tác động trực tiếp đến Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi của nền kinh tế trong nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp để kiểm soát lạm phát:

"Tôi nghĩ Nhà nước phải điều hành hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát. Chính sách tiền tệ phải linh hoạt. Công tác quản lý giá phải đảm bảo hài hòa, có chế tài xử phạt nghiêm nh. Công tác quản lý thị trường cũng như vậy. Tóm lại, tôi thấy có rất nhiều yếu tố thuận lợi mà chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát".

Theo các chuyên gia, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý./.