Gắn sao cho đặc sản

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX, đơn vị tại ĐBSCL được nâng tầm tạo ra giá trị gia tăng, mang về nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển KT-XH nông thôn.

Với lợi thế cây lành, trái ngọt, các địa phương ÐBSCL đã xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản, thực phẩm được gắn sao OCOP góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Lâu nay, chứng nhận OCOP được xem như “giấy thông hành” để đưa sản phẩm vào các siêu thị và cửa hàng tiện ích, vì vậy, các địa phương ĐBSCL đã lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Tại tỉnh Sóc Trăng, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, địa phương đã có 189 sản phẩm OCOP được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm được các địa phương, chủ thể sản xuất chú trọng, quan tâm. Đơn cử như Hành tím Vĩnh Châu đã phát huy lợi thế không chỉ bán tươi mà còn được chế biến sâu để nâng tầm giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ làm gia vị, hành tím Vĩnh Châu còn được chế biến thành mứt, hiện sản phẩm mứt hành tím Cô Mới của thành phố Sóc Trăng đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện cơ sở đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cho sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chị Phạm Thị Mới - chủ Cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản Cô Mới, cho biết: Tới thời điểm bây giờ, đơn hàng vẫn đều. Bán hầu như đơn hàng trên cả nước. Sắp tới, nếu có thể được thì bản thân mình cũng muốn nghiên cứu nhiều hơn nữa những cái món làm từ hành, từ tỏi, những cái có mùi hăng cay ăn là đặc sản của địa phương hiện tại đầu ra nó còn thấp, mình cũng muốn góp một phần nào đó cho sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương.

Mứt củ hành tím Cô Mới (Sóc Trăng) đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Còn tại Hậu Giang, bà Võ Thị Phương Trang, cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở huyện Phụng Hiệp, cho biết, đơn vị là một trong những cơ sở có nhiều sản phẩm nổi bật mang đặc trưng của vùng. Hiện cơ sở có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh do địa phương công nhận, trong đó, có 3 sản phẩm đạt OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL.

Nói về bí quyết thành công của mình, bà Trang, chia sẻ: Đối với một cơ sở sản xuất, một doanh nghiệp thì sản phẩm của mình điều quan trọng nhất vẫn là bao bì, mẫu mã. Kế đến là cái đảm bảo chất lượng khi người ta thấy đẹp, thấy thích, có hứng thú rồi người ta mua về dùng thử mà sản phẩm mình không ngon, thì khách hàng sẽ không quay lại.

Có thể nói, việc gắn sao OCOP đã thổi luồng gió mới vào hoạt động làm ăn, mua bán của bà con nông dân. Từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đến nay, nhiều cơ sở, HTX đã đầu tư bài bản và hoạt động hiệu quả hơn, sản xuất bền vững trên nền tảng từ các sản phẩm OCOP đã được công nhận, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. HTX Tân Long ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang với sản phẩm mang thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là một nh chứng.

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, bày tỏ: Sản phẩm làm ra có giá trị, sống bây giờ người ta ăn phải cho ngon, mặc phải cho đẹp thành ra bây giờ chất lượng sản phẩm làm ra phải đáp ứng với người tiêu thụ chứ không phải chúng ta có những gì chúng ta bán, thị trường không cần thì lúc đó sản phẩm mình làm ra không có giá trị.

Theo thống kê của ngành chức năng Hậu Giang, đến nay, tỉnh đã có 251 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 92 sản phẩm đạt 4 sao và 159 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP thể hiện được sự thay đổi tư duy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đối với từng sản phẩm, chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt 3 sao hoặc 4 sao, tiếp tục quan tâm hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Hỗ trợ về trang thiết bị máy móc theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng như: khuyến công hàng năm của tỉnh và một số chương trình lồng ghép trên địa bàn tỉnh như: Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu năm 2021-2025 thì cũng lồng ghép, hỗ trợ cho HTX, trong đó cũng ưu tiên cho HTX mà tham gia nhiều sản phẩm về OCOP.

Số liệu từ Bộ NN-PTNT, khu vực ĐBSCL hiện có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 922 chủ thể OCOP. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tin dùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ chưa được như mong muốn.

Vì vậy, để giúp các sản phẩm OCOP bay xa hơn nữa trong thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, các chuyên gia cho rằng các chủ thể OCOP và sản phẩm OCOP nên tập trung vào khâu đóng gói, bao bì mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tập trung vào chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng người tiêu dùng.