Gần 40 năm “chữa bệnh” cho giày dép

Giữa lòng phố thị Sài Gòn nhộn nhịp, ở góc đường Lê Thánh Tôn - Pastuer (quận 1), gần 4 thập kỷ qua, có một người đàn ông nhỏ thó, nước da đen nhẻm, ngày ngày cặm cụi với công việc sửa chữa giày, dép.

Hàng chục năm qua, ông đã “hồi sinh” biết bao đôi giày dép cũ, giúp cho chặng đường mưu sinh của những người lao động nghèo bớt nhọc nhằn vất vả; và giúp cho nhiều người lưu giữ được món đồ kỷ niệm.

Với người đàn ông này, sửa chữa giày dép không chỉ là nghề “cha truyền con nối” mà còn là “cơ hội” để ông có thể dạy nghề, cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, không nơi nương tựa. 

Tiệm sửa giày lề đường của anh Nguyễn Hữu Văn, ngồi gần ngã tư Pasteur - Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM, đã tồn tại hơn 40 năm qua. Ảnh: Tiền Phong

Nép mình ở một góc nhỏ vỉa hè trên con đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM) là “tiệm” sửa chữa giày dép của ông Nguyễn Hữu Văn (51 tuổi). Không nhà cửa cũng chẳng trưng bày biển hiệu cầu kỳ, "tiệm" sửa giày, dép của ông chỉ chỉ vỏn vẹn vài cây dù, tấm bạt, mấy chiếc ghế và một cái thùng gỗ đựng vài dụng cụ sửa giày cho khách như máy may, kìm, đinh, máy mài cầm tay… Ấy vậy mà “tiệm” của ông lúc nào cũng tấp nập khách đến – khách đi.

Ông Nguyễn Hữu Văn quê gốc ở Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Hơn 50 năm về trước, vì ếng cơm manh áo và khát vọng đổi đời, gia đình ông rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn”, dắt díu nhau vào Nam lập nghiệp.

Những ngày đầu “bám trụ” ở đất Sài Thành, cha ông phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm nấy. Sau đó, cha ông theo ở và học nghề sửa giày, dép ở tiệm của ông Trần Văn Mỹ (chủ tiệm giày nổi tiếng nhất Sài Gòn trước năm 1975) nằm gần chợ Bến Thành.

Sau khi đất nước thống nhất, không có tiền thuê mặt bằng cha ông chọn góc vỉa hè trên Lê Thánh Tôn mưu sinh bằng nghề sửa chữa giày dép. Ngày ấy, ông Nguyễn Hữu Văn chỉ là cậu bé hơn 10 tuổi, theo phụ cha, học nghề và duy trì cho đến ngày nay.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, về tuổi thơ làm bạn với mùi da nồng, mùi keo và tiếng máy đánh bóng, tiếng máy may giày, ông Nguyễn Hữu Văn trải lòng: “Cái nghề này là nghề của ba, nghề “cha truyền con nối”. Hồi xưa, ba mình làm nghề sửa chữa giày thời từ Pháp và Mỹ. Thời đó là làm thợ cho chủ, vừa làm thợ, vừa hoạt động cách mạng. Sau này, khi giải phóng thì chủ nghỉ thì ba mình bắt đầu ra ngoài làm lề đường cho tới giờ. Lúc đó nhà mình nghèo thì đi theo ba. Học sáng thì chiều ra phụ ba, học chiều thì sáng ra phụ ba làm để kiếm tiền. Năm đó, mình học lớp 6 là ba mẹ mất hết, bắt đầu từ đó tự một mình làm tới giờ năm nay 51 rồi. Làm từ lúc 12 tuổi đến nay cũng gần 40 năm. Hồi xưa ba mình chỉ một phần thôi, một phần tự học nhìn làm theo, làm việc lâu “nghề dạy nghề”.

Người nước ngoài là khách hàng quen của ông Văn. Ảnh: Vietnamnet

Cứ như thế, đều đặn từ 8h00 đến 17h00 hằng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, ông Nguyễn Hữu Văn vẫn ệt mài “hành nghề” sửa giày dép nơi góc phố Lê Thánh Tôn. Ông nhận sửa chữa, phục hồi đủ mọi loại giày, dép nam nữ, từ giày da đến giày thể thao…

Sửa giày, dép ở tiệm của ông không có giá cụ thể, tùy vào tình trạng hư hỏng, kích cỡ và yêu cầu của khách sẽ có giá khác nhau, dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Gắn bó với nghề gần 4 thập kỷ, những khách hàng quen thuộc hay ví von ông là “Phù thủy đồ da”, là “vị cứu tinh” của những đôi giày dép cũ. Bởi qua đôi bàn tay khéo léo tài hoa của ông những đôi giày bị hỏng hóc nặng, tưởng chừng không thể sử dụng được nữa đều trở nên tinh tươm đẹp đẽ như mới.

Cũng chính vì thế mà “cửa hàng vỉa hè” của ông được rất nhiều người nổi tiếng tin tưởng, lựa chọn sửa chữa, tân trang những chiếc giày dép “khủng” có giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, làm nghề từ khi còn là cậu bé đến nay tóc đã điểm hoa râm, ông Nguyễn Hữu Văn đã hồi sinh không biết bao nhiêu đôi giày dép cũ, giúp cho chặng đường mưu sinh của những người nghèo bớt vất vả, giúp cho nhiều người lưu giữ được món đồ kỷ niệm.

“Mỗi một đôi giày nó hư khác nhau, nó không đôi nào giống nhau được, cái gì mình cũng sửa được hết, chủ yếu là phần trên da còn tốt rồi là sửa được hết. Nhiều người, người ta giàu lắm dư sức mua một đôi giày mới nhưng mà người ta vẫn sửa đôi đó tại vì người ta thích. Thứ nhất là thích đi đôi giày đó đi không bị đau chân hoặc là đôi giày đó là món đồ kỷ niệm của bạn bè tặng hoặc người thân tặng. Ta muốn làm để lưu giữ lại”

Mặc dù chỉ là ông chủ tiệm sửa chữa giày đường phố, nhưng hàng chục năm qua, ông Nguyễn Hữu Văn còn nhận dạy nghề ễn phí, trả lương khi thạo nghề; cưu mang những những thân phận không may mắn, những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn. Hiện, cửa tiệm của ông có 8 thợ đang làm, người lớn nhất ngoài 30 tuổi, theo ông học nghề từ tuổi đôi mươi và được ông đứng ra “dựng vợ gả chồng”, những người còn lại cũng trong độ tuổi thanh thiếu niên, vừa học nghề vừa được ông trả lương hàng tháng như những người thợ đã lành nghề. 

Anh Khiêm (21 tuổi) quê ở Gia Lai – một trong những học viên ở “tiệm” sửa chữa giày dép của ông Văn chia sẻ: “Em làm thì em ở với chú Văn, sáng đi làm chiều về. Em làm năm nay cũng hơn 2 năm rồi. Làm từ từ rồi biết cái này cái kia. Gia đình cũng khó khăn nên xuống Sài Gòn kiếm tiền cho bố mẹ đỡ khổ. Tiền ăn ở với xe máy, tiền xăng của chú Văn lo hết, em chỉ có đi làm thôi. Tối ở nhà chú luôn, ăn chung ở chung với chú luôn”.

Ngót nghét gần 40 năm gắn bó với nghề sửa chữa giày dép, với ông Nguyễn Hữu Văn, niềm vui nhiều hơn khổ. Nghề sửa chữa giày dép tuy vất vả, quần áo, tay chân lúc nào cũng lấm lem, làm bạn với bụi giày, bụi đường nhưng đổi lại thu nhập ổn định giúp ông nuôi sống gia đình.

Hiện nay, dù đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe cũng yếu dần, mắt cũng mờ hơn thời trai trẻ nhưng ông Văn chưa bao giờ có ý định bỏ nghề sửa giày dép cũng như gác lại việc dạy nghề ễn phí, cưu mang những hoàn cảnh khó khăn. Cả cuộc đời chèo chống để trụ vững với nghề, không chỉ vì mưu sinh, vì muốn giữ gìn “nghề cha truyền con nối” mà hơn hết là lòng yêu nghề, ông biết ơn cái nghề đã cưu mang cả gia đình ông nơi chốn phồn hoa và giúp ông có “cơ hội” giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho những mảnh đời kém may mắn:

“Nghề này đủ nuôi sống gia đình, công việc ổn định, con cái học hành đàng hoàng. Lúc trước, đầu tiên mình làm là vì cái nghèo, làm nghề để kiếm tiền cho gia đình, làm dần dần mình có một cái sự biết ơn, yêu nghề. Khi mình làm xong, mình giao một món đồ đó cho khách. Người ta cầm chân tay, người ta thích. người ta cảm ơn mình, mình vui.”  

SỐNG Ở SÀI GÒN: Nhiều hoạt động chào đón Tết Trung thu

Tết Trung thu là một lễ hội truyền thống diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Trải qua sự biến thiên của dòng chảy lịch sử, Tết Trung thu đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội của từng giai đoạn. Cho đến nay, ít nhất, những điều cơ bản của Trung thu vẫn tồn tại và được lưu giữ. Cùng các tỉnh thành khắp mọi ền đất nước, ở TP. HCM, người dân đón Trung thu với nhiều hoạt động mang màu sắc truyền thống pha lẫn hiện đại để các em nhỏ được vui chơi, rước đèn và đón một mùa trăng tròn đầy, đoàn viên ….

Phố lồng đèn quận 5 là điểm đến quen thuộc của nhiều người mùa trăng tròn hằng năm. Ảnh: I.T

Theo dân gian, Tết Trung thu hay còn gọi là Tết ngắm trăng, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau đó, Tết Trung thu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của dân tộc. Tuy có chung nguồn gốc với Trung Quốc, Tết Trung thu ở Việt Nam mang đậm nét văn hóa riêng. Người Việt Nam đã thổi hồn vào lễ hội này bằng những câu chuyện dân gian, những phong tục tập quán độc đáo. Chẳng hạn, hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa đã trở nên quen thuộc với người Việt…

Ban đầu, Tết Trung thu chỉ là Tết để cùng nhau thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết trời Thu dễ chịu sau khi kết thúc mùa vụ. Dần dần Tết Trung thu trở thành ngày của trẻ em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát và ăn bánh kẹo... Đây cũng là dịp để gia đình tụ họp, đoàn viên, con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ…

Ở TP.HCM, từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các cửa hàng, hiệu bánh Trung Thu bắt đầu rục rịch trang trí, bán hàng ở các ngã tư đường báo hiệu một mùa Trung Thu sắp về. Nhiều người cũng bắt đầu tìm mua bánh trung thu để được thưởng thức bánh sớm “mỗi năm một lần” hoặc làm quà cho người thân, bạn bè, đối tác…

Đến đầu tháng 8 âm lịch, không khí Tết Trung thu càng rộn ràng hơn bao giờ hết. Trên nhiều con phố, những chiếc đèn lồng được treo lủng lẳng, lung linh màu sắc, gợi nhớ cho người đi đường ký ức tuổi thơ về những mùa trăng của Trung thu xưa. Từ thời đèn đường vẫn chưa soi sáng khắp nơi như bây giờ, những đứa trẻ cầm lồng đèn tung tăng khắp sân, sợ gió thổi tắt ánh nến ngoay ngoắt trú bên trong chiếc đèn xinh xinh được làm thủ công và nô đùa, hát ca dưới đêm trăng rằm…

Phố đi bộ Nguyễn Huệ - điểm đến không thể bỏ qua của người Sài Thành mỗi mùa Trung thu về. Ảnh: I.T

Dẫu ngày nay, việc chơi đèn Trung thu bằng lửa ở thành thị không còn được khuyến khích vì an toàn phòng cháy chữa cháy, những chiếc lồng đèn chạy bằng pin với mẫu mã, hình dáng đa dạng vẫn lung linh sắc màu và cuốn hút để tạo niềm vui cho các em nhỏ.

Đặc biệt tại khu vực Chợ Lớn, nơi cộng đồng người Hoa sinh sống, phố lồng đèn nằm trên các con đường Lương Nhữ Học - Phú Đinh - Nguyễn Án (phường 11, quận 5) luôn tấp nập, đông vui mỗi dịp Tết Trung thu về. Khu vực này tập trung hàng trăm cửa hàng kinh doanh đèn lồng tạo nên khung cảnh sắc màu bắt mắt, vô cùng rực rỡ.

Rảo bước tại phố lồng đèn, các vị khách không khỏi bị choáng ngợp bởi màu sắc của rất nhiều loại lồng đèn rực rỡ được các cửa hàng bày bán san sát nhau. Khác với những cửa hàng bán lồng đèn thông thường, những cửa hàng lồng đèn trên con phố này được trưng bày đẹp mắt, tạo giá trị thưởng lãm chứ không chỉ đơn thuần là bày hàng hóa để mua bán.

Từ lồng đèn giấy kiếng dân dã đến những chiếc đèn kéo quân truyền thống, hay những chiếc đèn lồng điện tử chớp nháy tân thời đều có mặt tại đây. Chúng được người bán sắp xếp, bài trí đủ để khoe sắc rực rỡ nhưng cũng vừa tinh tế để thu hút khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Cha mẹ dẫn con nhỏ đến ngắm và tìm mua chiếc lồng đèn ưng ý để nhắc nhớ về Tết đoàn viên của những xưa cũ, trao truyền cho tuổi thơ con đủ đầy những giá trị văn hóa truyền thống; từng tốp nam thanh nữ tú diện những bộ áo dài đẹp đẽ lưu giữ những khoảnh khắc của thanh xuân… Nơi đây không chỉ mang niềm vui đến cho những người bán mưu sinh, mà người mua cũng tìm thấy ở đây những giá trị cần gìn giữ. 

Không chỉ ở phố lồng đèn Chợ Lớn, trải khắp Sài gòn, không gian Tết Trung thu cũng được trang trí tại nhiều điểm vui chơi của thành phố như trung tâm thương mại, khu du lịch, công viên … để khách đến tham quan, chụp ảnh, hòa vào không khí chung của ngày hội. Hay nhiều tổ chức, đoàn thể, khu dân cư đang lên kế hoạch tổ chức “đêm hội trăng rằm” cho các em thiếu nhi.

Trong không khí của đêm hội, các em thiếu nhi được hòa mình vào thế giới cổ tích thần tiên với chú Cuội, chị Hằng, được thưởng thức màn múa lân truyền thống cùng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những màn ảo thuật hấp dẫn và được rước đèn, ăn bánh kẹo….

Thời điểm này, không khí Tết Trung thu tràn ngập lan tỏa từng góc phố. TP. HCM không ít những người xa quê thèm nhớ niềm vui đoàn viên gia đình dịp Tết trung thu… Ngước lên vầng trăng non đang thành hình vào đêm rằm sắp tới, mong rằng dù bạn là ai, ở đâu, cũng đều sẽ cảm nhận được niềm vui ngày Tết Trung thu - qua những chiếc bánh ngon, đậm đà mùi vị truyền thống và nhìn bọn trẻ vui hát bên chiếc lồng đèn lung linh sắc màu… 

TIN YÊU

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến vành đai 3 (quận 12, huyện Hóc Môn) với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.173 tỉ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2027 - Ảnh: Tuổi trẻ

# Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa yêu cầu các đơn vị thực hiện lắp camera để khảo sát, nghiên cứu phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến vành đai 3). Theo đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Liên danh VTCO - TeDi South phối hợp đảm bảo an toàn giao thông khai thác tuyến quốc lộ 22 khi lắp đặt thiết bị camera khảo sát giao thông. Đồng thời đảm bảo an toàn vận hành thiết bị camera trong thời gian khảo sát, thu thập số liệu giao thông trên tuyến.

Liên danh chịu trách nhiệm quản lý, khai thác camera theo đúng mục đích thực hiện khảo sát, sau khi thu hồi hoàn trả hiện trạng ban đầu. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ rà soát, kiểm tra sự phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn kết cấu lắp đặt thiết bị camera đối với 7 vị trí lắp đặt trạm khảo sát giao thông trên tuyến quốc lộ 22. (baotuoitre)

# Sở An toàn thực phẩm TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, các đoàn kiểm tra của Sở ATTP phối hợp với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học. Thời gian kiểm tra từ ngày 15/9/2024 đến ngày 31/10/2024.

Hoạt động kiểm tra nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong 2 trường học; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. 

# Vừa qua, Đoàn Thanh niên Sở Công thương TPHCM, Sở An toàn Thực phẩm TPHCM, phối hợp cùng với các đơn vị đã tổ chức Chương trình “Đêm hội trăng rằm – Đón Tết Trung thu” tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM. Đây là hoạt động nhằm tiếp nối thành công từ chương trình “1.000 tô phở Trung thu Cần Giờ” năm 2023, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng gắn kết và yêu thương.

Dịp này, khoảng 1.300 tô phở được nấu tại chỗ để các em thiếu nhi thưởng thức. Song song đó, chương trình cũng đã trao tặng hơn 20 suất học bổng đến các em có thành tích học tập xuất sắc; 200 phần quà đến các em thiếu nhi khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn; cùng hàng ngàn phần quà (lồng đèn, bánh, sữa...) cho các em tham gia.